Ngành điện cần phát triển theo hướng hiện đại và bền vững

Đức Minh| 07/01/2016 14:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nội dung trên được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết năm 2015, giai đoạn 2011-2015, phương hướng nhiệm vụ năm 2016 và những năm tiếp theo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Ngành điện cần phát triển theo hướng hiện đại và bền vững

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trao Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho Lãnh đạo EVN

Năm 2015 và giai đoạn 5 năm qua đối với EVN được đánh giá là quãng thời gian đầy khó khăn và thách thức. Sản xuất kinh doanh của EVN chịu nhiều tác động bất lợi: lạm phát và lãi suất cao, giá các loại vật tư thiết bị, nhiên liệu liên tục biến động tăng; huy động vốn cho sản xuất và đầu tư khó khăn, tình trạng mất cân bằng nghiêm trọng về tài chính năm 2010 để lại.

Tuy nhiên, dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ cũng như nỗ lực cố gắng của cán bộ nhân viên ngành Điện, năm 2015, Tập đoàn đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt. Theo báo cáo tại hội nghị: sản lượng điện sản xuất và mua đạt 159,4 tỷ kWh, tăng 11,23% so với năm 2014, cao hơn 2,5 tỷ kWh so với kế hoạch. Điện thương phẩm đạt 143,34 tỷ kWh, cao hơn kế hoạch 1,54 tỷ kWh và tăng 11,44% so với 2014. Nhìn  chung cả giai đoạn 2011-2015, Tập đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, cung ứng điện cho đất nước, vượt kế hoạch giao hàng năm về sản xuất và cung ứng điện. Sản lượng điện bình quân 10,37%/năm, bình quân trên đầu người đạt 1.536 kWh/người/năm, tăng 56% so với năm 2010 (985,5 kWh/người/năm).

Hoạt động chỉ đạo điều hành sản xuất, vận hành hệ thống điện quốc gia đã bám sát nhu cầu sử dụng điện, đáp ứng kịp thời nhu cầu điện cấp bách cho sản xuất và kinh doanh.

Tập đoàn cùng các đơn vị rất nỗ lực và quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp quản lý và kỹ thuật để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Tổn thất điện năng đã giảm từ 10,15% năm 2010 xuống còn 8,0% năm 2015.

Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đã được triển khai sâu rộng cùng với nhiều dự án cụ thể tại các địa phương. Sản lượng điện tiết kiệm hàng năm đạt từ 1,7-2,5% sản lượng điện thương phẩm. Tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm nội địa so với với tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011-2015 là 1,84 lần so với 2,02 lần giai đoạn 2006-2010, cho thấy tiêu dùng điện đã có chiều hướng hiệu quả hơn.

Đặc biệt, ngành Điện đã thực hiện công tác đầu tư đưa điện về nông thôn, hải đảo vượt chỉ tiêu Chính phủ giao, góp phần xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới và hải đảo. Tính đến cuối năm 2015, trên cả nước số xã có điện đạt 99,8% và số hộ dân nông thôn được sử dụng điện đạt 98,76% (vượt 0,76% so với chỉ tiêu được giao cuối năm 2015).

Ngành Điện cũng hoàn thành các nhiệm vụ của Đề án tái cơ cấu và chủ đề năm 2015 "Năng suất và hiệu quả”, tạo tiền đề tốt để thực hiện Kế hoạch 5 năm 2016-2020. Đến cuối năm 2015, các chỉ tiêu tài chính cơ bản của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên đảm bảo an toàn. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu, hệ số khả năng thanh toán, hệ số tự đầu tư đều đạt chuẩn quy định, đáp ứng yêu cầu của các tổ chức cho vay vốn (Công ty mẹ EVN: hệ số nợ phải trả/ vốn chủ sở hữu 1,67 lần, hệ số khả năng thanh toán: 1,02 lần, tỷ lệ tự đầu tư: 37,5%).

Đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những đóng góp to lớn của ngành Điện trong giai đoạn vừa qua. Phó Thủ tướng chỉ rõ "ngành Điện đã thể hiện được vai trò chủ đạo, chủ động đảm bảo được cân bằng điện, không những thế còn tham gia vào điện khí hoá nông thôn, cấp điện tới 9/12 huyện đảo, tham gia vào năng lượng tái tạo, phục vụ đa mục tiêu, phát triển bền vững"...

Cùng với đó, hệ thống nguồn, truyền tải được đầu tư mạnh mẽ, cân bằng tài chính đã được tháo gỡ, bước đầu xây dựng thị trường điện cạnh tranh và tạo sự đồng thuận, làm quen của xã hội, của người tiêu dùng. Đặc biệt là trong phục vụ khách hàng, ngành điện đã có sự thay đổi nhận thức cơ bản, hết tình trạng "mẹ hát con khen hay", biết so sánh với các quốc gia đi trước để phấn đấu, lấy đó làm động lực phát triển và đưa ra mục tiêu trở thành 4 đơn vị điện lực dẫn đầu Đông Nam Á.

“ngành Điện tự nhận ra điểm yếu để khắc phục, đây chính là thay đổi về tư duy, thay đổi về nhận thức và ngành Điện đã chủ động làm tốt điều này” -  Phó Thủ tướng phân tích. Từ đó, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh: "Mục tiêu ngành Điện đặt ra phải cao hơn và quyết liệt hơn trên tinh thần phải luôn coi khách hàng là nguyên nhân sự tồn tại của ngành Điện", Phó Thủ tướng nói.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng định hướng các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành điện trong thời gian tới trên tinh thần "Hiện đại, minh bạch và dịch vụ ngày càng cao, phát triển bền vững". Theo đó, trước khả năng nhu cầu điện vẫn sẽ rất cao, tăng trưởng trên 2 con số nhưng toàn ngành phải tính đến khả năng cao hơn, và điện vẫn phải luôn đi trước, lường trước để chuẩn bị tốt nhất cho "đầu vào" phục vụ nền kinh tế với yêu cầu ngày càng yêu cầu cao hơn từ khách hàng.

EVN là tập đoàn nhà nước sẽ vẫn phải giữ vai trò chủ đạo trong hệ thống dù sẽ có thể giảm xuống 30-40% về nguồn khi chủ trương thu hút tư nhân để đa dạng hoá nguồn, nhưng cũng phải đảm bảo truyền tải, phân phối và sẵn sàng các phương án để cuối cùng là làm sao để đảm bảo điện đầy đủ, chất lượng cho nhu cầu kinh tế.

Chia sẻ với những thách thức của ngành điện, Phó Thủ tướng đề cập đến yếu tố biến đổi khí hậu và cắt giảm phát thải theo cam kết mà Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế. Tại COP21, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết cắt giảm 8% phát thải vào năm 2030 và năng lượng sẽ chiếm 55% tỷ lệ đó. Quy hoạch ngành cho thấy điện than từ 56% sẽ xuống 41% và phải tính toán kỹ nguồn để bù.

Về sản xuất, dự phòng đạt được hiện nay có thể mất đi ngay trong 1, 2 năm tới nếu lơ là, phong trào đi xuống. Hệ thống điện đang lớn thứ 2 ASEAN, trong TOP 30 thế giới, đòi hỏi phải chính xác, nhanh và đảm bảo sự ổn định của hệ thống là một điều hết sức cần lưu ý.

Về đầu tư, thách thức là to lớn, Tập đoàn là đơn vị đi đầu trong việc thực hiện chủ trương phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đồng thời, chú trọng bảo vệ môi trường, nhất là 19 nhà máy điện than, 14,5 triệu tấn tro xỉ phải là vấn đề cần chú ý hơn nữa. 

9 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu của EVN trong năm 2016

 - Ðiện sản xuất và mua 175,9 tỷ kWh tăng 10,35% so với năm 2015
 - Ðiện thương phẩm: 159,1 tỷ kWh, tăng 11% so với năm 2015;
 - Giá điện bình quân toàn Tập đoàn: 1.651,2 đ/kWh
 - Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn Tập đoàn: 7,7%;
 - Chỉ tiêu độ tin cậy cung ứng điện của toàn Tập đoàn năm 2016: SAIDI: 1.655 phút, SAIFI: 12,31 lần, MAIFI: 2,58 lần;
 - Thời gian tiếp cận điện năng: 10 ngày
 - Kế hoạch sửa chữa lớn: 6.219 tỷ đồng, tăng 17,8% so với thực hiện 2015
 - Đầu tư xây dựng với tổng giá trị 132.536 tỷ đồng, tăng 2,4%
so với thực hiện năm 2015
 - Năng suất lao động SXKD điện tăng 8-10% so với năm 2015. Toàn Tập đoàn sản xuất và kinh doanh điện năng có lợi nhuận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành điện cần phát triển theo hướng hiện đại và bền vững