Ngân hàng tính kế đẩy tín dụng

Nhật Hiếu| 22/10/2015 11:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nền kinh tế có nhiều dấu hiệu khởi sắc trở lại, thể hiện rõ nhất qua con số tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm qua. Các ngân hàng cũng đang tận dụng thời cơ này để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Từ nay đến cuối năm, nhu cầu vốn cho nền kinh tế cần nhiều hơn, thì các ngân hàng sẽ làm gì để tạo ra sự hấp dẫn cho mình?

Đà vay tăng mạnh

Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Tính đến ngày 21/9, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 10,78% so với thời điểm cuối năm 2014, và là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011.

Có nhiều lý do khiến tín dụng tăng trưởng nhanh. Thứ nhất là vì chính sách của các cơ quan quản lý cũng tập trung nhiều vào việc khuyến khích các ngân hàng đẩy vốn ra thị trường. Hồi tháng 8 vừa qua, hàng loạt các ngân hàng được phép nới giới hạn tăng trưởng tín dụng, trong đó có nhiều ngân hàng lên đến con số 30%, các ngân hàng lớn cũng lên tới khoảng 16%. Ngân hàng Nhà nước cũng nâng kì vọng tăng trưởng tín dụng mục tiêu của mình từ mức 13-15% lên mức 15-17% trong cuối năm. Trong Thông tư về quản lý hoạt động ngân hàng gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nới tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn lên gấp đôi so với quy định trước đó, tức cơ quan quản lý đã mở cửa cho dòng vốn chảy nhiều hơn.

Ngân hàng tính kế đẩy tín dụng

Ngân hàng tính kế đẩy tín dụng

Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan quản lý, một lý do căn bản khiến tín dụng tăng mạnh là nhờ tình hình kinh tế năm nay có vẻ sáng sủa lên nhiều hơn. Trong khi thị trường bất động sản phát tín hiệu sôi động, các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh vay vốn, sản xuất kinh doanh. Số liệu này thể hiện rõ nhất qua con số nhập siêu trong năm nay. Theo HSBC, trong 10 tháng đầu năm, khu vực kinh tế trong nước đã nhập siêu lên đến 15,8 tỉ USD trong khi cùng kì năm trước chỉ có 4,1 tỉ USD.

Song, từ này đến cuối năm cũng là khoảng thời gian mà dòng vốn có xu hướng tăng trưởng mạnh trong cả năm. Các ngân hàng nếu muốn gia tăng thêm thị phần tín dụng thì buộc phải sáng tạo hơn trong những sản phẩm trên thị trường.

Lãi thấp hay vay dễ?

Nếu như trong giai đoạn trước đây, lãi suất được biết đến là công cụ chủ yếu để cạnh tranh cho vay. Tuy nhiên, khi xuống đến một mức nhất định nào đó, lãi suất không thể giảm nhiều hơn để đảm bảo đầu ra của các ngân hàng vì chi phí đầu vào tương đối lớn. Lúc đó, các ngân hàng buộc phải tìm công cụ khác.

Một ví dụ mới nhất là khái niệm “dễ vay” trong chương trình khuyến mại mà Viet Capital Bank vừa mới tung ra vào dịp cuối năm. Mấu chốt của sản phẩm ở đây là cam kết giải ngân trong 4 giờ làm việc. Chương trình này áp dụng với các khoản cho vay mua xe ô tô, bất động sản, xây dựng, sửa chữa nhà, tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.

Theo đại điện của Viet Capital Bank, mức lãi suất ưu đãi hiện giờ giữa các ngân hàng cũng không chênh lệch nhau đáng kể, chính vì thế cái quan trọng bây giờ không phải là lãi suất, mà là ở tốc độ cho vay. “Thời gian của khách hàng là vàng bạc”, đại diện Ngân hàng Bản Việt lý giải về hướng đi mới cho sản phẩm của ngân hàng.

Trong khi đó, giống như các gói cho vay ưu đãi khác hiện nay trên thị trường, lãi suất của gói này cũng được ưu đãi từ 6,5% đến 7% trong vòng 6 tháng hoặc 12 tháng đầu tiên. Lãi suất sau thời gian ưu đãi cũng được công khai cách tính, cụ thể bằng lãi suất tiết kiệm 13 tháng cộng thêm biên độ lãi suất từ 3,2%/năm.

Chương trình này được áp dụng với cả những trường hợp tái tài trợ. Như trường hợp chị Liên, ngụ ở Gò Vấp đang vay vốn ở các tổ chức tín dụng khác, Viet Capital Bank đã xét duyệt hồ sơ của chị, rồi sau đó giải ngân và hỗ trợ các thủ tục vay vốn tại Ngân hàng. “Tôi không nghĩ rằng tôi có thể được vay nhanh đến như thế”, chị Liên hào hứng chia sẻ.

Tuy nhiên, việc cho vay tốc độ liệu có mang lại rủi ro cho ngân hàng khi quá trình xét duyệt có ngắn quá? Về vấn đề này, đại diện Viet Capital Bank cho biết, ngân hàng đã vạch sẵn đối tượng khách hàng, chỉ cần hồ sơ hợp lệ và quan trọng là đúng chuẩn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng tính kế đẩy tín dụng