Nghiệp vụ

Ngân hàng “mắc kẹt” với tài sản đảm bảo, Tòa án giải quyết thế nào?

Việt An 21/10/2023 - 08:34

Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, khi các bên liên quan không xác định được phạm vi tài sản bảo đảm cho khoản vay, Tòa án giải quyết như thế nào?

Hỏi: Trong vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, A vay của Ngân hàng một khoản tiền, để đảm bảo khoản vay nêu trên của A thì B, C, D, E đã đứng ra bảo đảm bằng quyền sử dụng đất riêng của mình. A vi phạm nghĩa vụ trả nợ, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu A trả khoản vay trên, nếu không trả nợ thì yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm của B, C, D, E để thu hồi nợ. Ngân hàng không xác định được phạm vi bảo đảm cụ thể của mỗi tài sản bảo đảm cho khoản vay của A mà đề nghị Tòa án căn cứ vào thoả thuận bảo đảm toàn bộ khoản vay trong hợp đồng để giải quyết; B, C, D, E cũng không xác định được phạm vi tài sản của mình bảo đảm cho khoản vay của A. Trường hợp này, khi xét xử vụ án, Tòa án xác định phạm vi bảo đảm như thế nào?

Hội đồng Thẩm phán TANDTC giải đáp như sau:

Theo khoản 2 Điều 5 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định:

"Một nghĩa vụ có thể được bảo đảm thực hiện bằng nhiều tài sản. Phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của từng tài sản trong số các tài sản bảo đảm được xác định theo thỏa thuận của bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm. Trường hợp không có thỏa thuận thì bất kỳ tài sản nào trong số đó được dùng để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ”.

tan-san-bao-dam(1).jpg
Ảnh minh họa.

Khoản 1 Điều 52 Nghị định nêu trên quy định:

"... Trường hợp một nghĩa vụ được bảo đảm bằng nhiều tài sản mà các bên không có thỏa thuận về việc lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý và pháp luật liên quan không có quy định khác thì bên nhận bảo đảm có quyền lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý hoặc xử lý tất cả các tài sản bảo đảm”.

Như vậy, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận về phạm vi bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của từng tài sản và việc lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý thì bất kỳ tài sản nào trong số tài sản bảo đảm của B, C, D, E đều được dùng để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

Ngân hàng có quyền lựa chọn tài sản bảo đảm để xử lý hoặc xử lý tất cả các tài sản bảo đảm. Trường hợp này, Ngân hàng có yêu cầu nếu A không trả nợ thì xử lý tài sản bảo đảm của B, C, D, E để thu hồi nợ. Do vậy, Tòa án phải xác định yêu cầu của Ngân hàng là xử lý tất cả các tài sản bảo đảm và mỗi tài sản đều được dùng để bảo đảm thực hiện toàn bộ nghĩa vụ để giải quyết theo quy định pháp luật.

TANDTC vừa ban hành Công văn 196/TANDTC-PC gửi các TAND, TAQS và các đơn vị thuộc TANDTC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong công tác xét xử.

Nội dung công văn cho biết, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử của các Tòa án. Trên cơ sở các vướng mắc và giải đáp của Hội đồng Thẩm phán, TANDTC có thông báo trả lời để các Tòa án nghiên cứu, tham khảo trong quá trình giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền.

Báo Công lý đăng tải chi tiết một số tình huống liên quan đến các vấn đề về hình sự; tố tụng hình sự; thi hành án hình sự; dân sự, tố tụng dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân gia đình; hành chính và hòa giải đối thoại tại Tòa án đã được Hội đồng Thẩm phán TANDTC giải đáp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng “mắc kẹt” với tài sản đảm bảo, Tòa án giải quyết thế nào?