Chính phủ vừa ban hành Nghị định 126/2014/NĐ-CP, trong đó có quy định chi tiết về áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình.
Cấm áp dụng những tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình như: Hôn nhân đa thê; Tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ; Thách cưới cao mang tính chất gả bán; Phong tục “nối dây”; Đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn.
Thực trạng vi phạm pháp luật trong hôn nhân
Trong nhiều năm qua, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn ra khá phổ biến trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở các vùng trung du và miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Tây Nguyên. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, việc kết hôn chủ yếu được thực hiện theo phong tục, tập quán. Những hủ tục như cướp vợ, hứa hôn, cưỡng ép hôn mang tính gả bán, tục “nối dây”, tâm lý sớm có con đàn cháu đống, có người nối dõi, kết hôn sớm để gia đình có thêm người làm nương rẫy, quan niệm kết hôn trong họ tộc để lưu giữ tài sản trong gia đình không mang của cải sang họ khác… là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng kết hôn sớm, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn trong vùng đồng bào thiểu số.
Bên cạnh đó sự nghèo đói, thất học, không có việc làm, nhu cầu có thêm người lao động trong gia đình, thiếu hiểu biết pháp luật, hướng dẫn và thực thi pháp luật về Luật Hôn nhân và Gia đình chưa được chú trọng đúng mức; một số nơi vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và gia đình trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình… cũng là những nguyên nhân tác động, ảnh hưởng làm gia tăng tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Đơn cử huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Toàn huyện có 29 xã, thị trấn với dân số hơn 33.000 hộ dân. Thuận Châu là một trong những địa phương có tình trạng tảo hôn ngày càng tăng.
Một đám cưới chú rể và cô dâu mặc trang phục dân tộc rất đẹp mắt
Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La, trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh đã có 255 đối tượng tảo hôn và 26 cặp kết hôn cận huyết thống; trong đó, riêng huyện Thuận Châu có hơn 190 trường hợp, chiếm gần 30% tổng số cặp vợ chồng đã kết hôn. Đặc biệt, có những xã tỉ lệ tảo hôn trong độ tuổi từ 12 đến 17 lên đến 50%. Điều đáng chú ý là tình trạng tảo hôn không chỉ xảy ra ở những địa bàn vùng sâu vùng xa, mà còn xuất hiện ngay ở những xã gần trung tâm huyện như xã Chiềng Ly hay Thôm Mòn (huyện Thuận Châu).
Tình trạng bỏ học, lấy vợ, lấy chồng sớm cũng là tình trạng chung đáng báo động ở Kon Tum với con số gần 300 trường hợp tảo hôn được phát hiện từ năm 2009 đến nay. Ở đây hơn 30 tuổi có cháu là bình thường, thôn nào cũng có. Trước kia, 13 - 15 tuổi là lấy chồng, bây giờ học sinh cấp 2 đang học nhưng cũng bỏ học để lấy chồng.
Hay chuyện từng xôn xao xảy ra ở Cà Mau, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Tân) gả chồng cho con gái mới 16 tuổi, và tổ chức đám cưới trong khuôn viên trụ sở UBND xã, nhưng Chủ tịch xã Phú Thuận chỉ bị xử phạt hành chính chưa đến 1 triệu đồng.
Theo PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, dựa trên kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009, trên cả nước có 9 tỉnh có trên 5% dân số nam ở độ tuổi 15-19 và 14 tỉnh có trên 5% dân số nữ ở độ tuổi 15-17 đã từng kết hôn. Những địa bàn có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn sớm cao nhất là vùng trung du, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Cụ thể, ở khu vực Tây Bắc, cứ 10 em trai trong độ tuổi 15-19 thì có 1 em có vợ, cứ 5 em gái trong độ tuổi trên thì có 1 em có chồng. Nghiên cứu ở Hà Nội năm 2012 cho thấy, 4% trong số mẫu khảo sát cho kết quả liên quan đến việc kết hôn sớm, 83% trong số đó là nữ; học vấn của vị thành niên càng thấp và điều kiện sinh hoạt của gia đình càng thiếu thốn thì các em càng dễ kết hôn sớm, và ngược lại.
Chính phủ quy định những biện pháp tích cực
Nhằm khắc phục thực trạng trên đây, Nghị định đưa ra những tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ gồm: 1- Kết hôn trước tuổi quy định của Luật Hôn nhân và gia đình; 2- Việc đăng ký kết hôn không do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện; 3- Cưỡng ép kết hôn do xem “lá số” và do mê tín dị đoan; cản trở hôn nhân do khác dân tộc, tôn giáo; 4- Cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi từ bốn đời trở lên; 5- Nếu nhà trai không có tiền cưới và đồ sính lễ thì sau khi kết hôn, người con rể buộc phải ở rể để trả công cho bố, mẹ vợ; 6- Quan hệ gia đình theo chế độ phụ hệ hoặc mẫu hệ, không bảo đảm quyền bình đẳng giữa vợ và chồng, giữa con trai và con gái; 7- Không kết hôn giữa người thuộc dân tộc này với người thuộc dân tộc khác và giữa những người khác tôn giáo.
Đặc biệt, cấm áp dụng những tập quán lạc hậu gồm: 1- Chế độ hôn nhân đa thê; 2- Kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người khác có họ trong phạm vi ba đời; 3- Tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ; 4- Thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché... để dẫn cưới); 5- Phong tục “nối dây” (Khi người chồng chết, người vợ goá bị ép buộc kết hôn với anh trai hoặc em trai của người chồng quá cố; khi người vợ chết, người chồng goá bị ép buộc kết hôn với chị gái hoặc em gái của người vợ quá cố); 6- Bắt buộc người phụ nữ góa chồng hoặc người đàn ông góa vợ, nếu kết hôn với người khác thì phải trả lại tiền cưới cho nhà chồng cũ hoặc nhà vợ cũ; 7- Đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn.
Phát huy tập quán tốt đẹp
Tại Nghị định, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và UBND các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng, thực hiện các chính sách, biện pháp tạo điều kiện để người dân thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, xoá bỏ tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình, vận động người dân phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp và xoá bỏ tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình; giáo dục thế hệ trẻ bảo tồn, phát triển ngôn ngữ, chữ viết và phát huy các giá trị văn hóa trong tập quán tốt đẹp của mỗi dân tộc.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với nhiều tập quán tốt đẹp, đa dạng, phong phú. Việc ban hành Nghị định có nội dung quy định chi tiết việc áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình là rất thiết thực. Những quy định trên thể hiện việc tôn trọng những tập quán tốt đẹp, đồng thời cũng nhấn mạnh việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Đồng thời nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, khuyến khích phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp, xóa bỏ tập tục lạc hậu...