Mới đây, Hồ Đắc Thanh Chương - trường THPT chuyên Quốc học Huế đã xuất sắc trở thành quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 16. Khi nói về dự định của mình, Thanh Chương cho biết, với phần thưởng 35.000 USD, em sẽ đi du học, sau đó trở về quê hương.
Bình luận về chia sẻ của Hồ Đắc Thanh Chương, một nhóm bạn trẻ hiện là sinh viên năm cuối tại một trường đại học có tiếng ở Hà Nội cho rằng, đó mới chỉ là dự định. Việc Chương có về nước làm việc sau khi du học hay không, câu trả lời cần được “chia ở thì tương lai…”.
Chảy máu chất xám đâu phải tại nước… nghèo
Tất nhiên, nhận xét của nhóm bạn trẻ này không phải không có lý. Bởi cho đến nay, trải qua 15 mùa thi Đường lên đỉnh Olympia, trong số 15 nhà vô địch, chỉ có duy nhất Lương Phương Thảo (quán quân năm 2002) được xác nhận đã trở về Việt Nam làm việc; những người còn lại đều đang học tập và công tác tại nước ngoài.
Nhóm sinh viên kể trên có 5 bạn thì tới 4 bạn đều đã lên kế hoạch “tốt nghiệp xong sẽ du học Mỹ hoặc Pháp, rồi tìm cơ hội ở lại hẳn đó”. “Môi trường làm việc, điều kiện sống tốt hơn, biết đâu mình kiếm được một anh chàng gốc Mỹ chính hiệu rồi kết hôn, sinh con đẻ cái”, một cô gái khá xinh xắn trong nhóm nói thêm. Cô cũng cho biết, tất cả đều bắt tay vào việc tìm kiếm, săn học bổng trên mạng ngay từ năm thứ hai đại học.
Chảy máu chất xám (trong tiếng Anh là Human capital flight hoặc Brain drain) là thuật ngữ dùng để chỉ vấn đề di cư quy mô lớn của nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ thuật từ một quốc gia này sang các quốc gia khác. Từ ý nghĩa ban đầu để chỉ những công nhân kỹ thuật đi qua những nước khác, nó đã được mở rộng thành thuật ngữ để nói về sự ra đi của những người có kiến thức hoặc có chuyên môn từ một quốc gia, khu vực kinh tế, hoặc các lĩnh vực khác, vì điều kiện sống hoặc tiền lương tốt hơn. - “Sốc văn hóa”: Văn hóa không có chuyện thấp-cao |
Nói cách khác, chúng ta có thể bắt gặp câu chuyện đáng buồn về thực trạng chảy máu chất xám đã và đang diễn ra ở nhiều nơi, nhiều quốc gia và ở các cấp độ khác nhau.Thực tế, chuyện những học sinh giỏi, người có chuyên môn giỏi có cơ hội du học, sau một thời gian học tập và làm việc ở nước ngoài quyết định ở lại sinh sống, lập nghiệp, lập gia đình và định cư hẳn “bên trời Tây” không còn là chuyện quá xa lạ hay vấn đề đáng quan tâm của riêng những nước đang phát triển như Việt Nam.
Chảy máu chất xám là một hiện tượng mang tính toàn cầu. Nó có thể xảy ra ở quy mô doanh nghiệp, làng xã, quận/huyện, tỉnh/thành phố, lớn hơn nữa là ở cấp quốc gia, khu vực/vùng/lãnh thổ… Thậm chí, ngay cả các cường quốc về kinh tế trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức… cũng từng trải qua các đợt chảy máu chất xám được đánh giá là “khá nghiêm trọng”.
Cụ thể, vào năm 2007, Trung Quốc từng là quốc gia có số người ra nước ngoài lớn nhất thế giới, theo báo cáo chính trị và an ninh toàn cầu của Viện Khoa học xã hội nước này cùng năm đó. Cũng năm 2007, Nhật Bản đối mặt với hiện tượng chảy máu chất xám khi nhiều nhà máy trong nước phải cắt giảm quy mô sản xuất một số mặt hàng (như khuôn đúc các linh kiện, thiết bị), khiến hàng ngàn kỹ sư chạy sang các nước lân cận như Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng chảy máu chất xám cũng như những tác động tiêu cực có thể xảy đến đối với những quốc gia trải qua quá trình này cho đến nay không phải là điều quá mới mẻ. Và với những nước có nguy cơ, hoặc manh nha mầm mống, hoặc đang phải đối mặt với chảy máu chất xám, Chính phủ cũng như các cơ quan hữu trách tại đây đều nhận thức được vấn đề. Thế nhưng, câu hỏi quan trọng cần được trả lời là, làm thế nào để có thể đưa ra một giải pháp tối ưu nhằm xử lý vấn đề một cách - tương đối - triệt để?
Du học - Vé một chiều hay khứ hồi?
Trong một bài viết mới đây, khi đề cập vấn đề sốc văn hóa, người viết từng nhắc đến những chia sẻ khá buồn của chị Hà, một cựu du học sinh tại Mỹ. “Kết thúc hành trình du học, trở lại chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình, thế nhưng tôi lại phải tìm cách để… “tái hòa nhập cộng đồng” - điều tưởng chừng chỉ diễn ra với những người bị gạt ra ngoài lề xã hội vì một hành vi đáng xấu hổ nào đó…”, chị nói.
Đến khi đi xin việc chị lại bắt gặp ánh mắt dò xét, những lời đàm tiếu, rồi ý kiến vừa đưa ra có khi chưa cần biết đúng sai đã “ngay lập tức bị phản bác”. Thêm nữa, bạn bè, người thân bỗng nhiên xa lánh, kỳ thị. Cuối cùng, chị Hà quyết định quay lại Mỹ định cư và lập gia đình bên đó. “Ông xã mình là người Mỹ, và con mình giờ mang hai dòng máu Việt - Mỹ”, chị cho biết.
Điều kiện làm việc không đáp ứng, chuyên môn không được sử dụng đúng, thỏa thuận mức lương không được như ý… mới chỉ là một phần khiến những du học sinh này buộc phải lựa chọn con đường “trở lại trời Tây”.
Hồ Đắc Thanh Chương - Nhà vô địch Olympia năm thứ 16
Trái ngược với quyết định của chị Hà, quán quân Đường lên đỉnh Olympia Lương Phương Thảo lại quyết định về nước làm việc. Trong một bài báo trên Dân Việt (năm 2014), khi được hỏi về lý do, bố chị cho biết, vợ chồng ông muốn chị ở lại quê hương, gần cha mẹ. “Ý thức được điều đó, Thảo quyết tâm học xong các học phần và nhanh chóng trở về Việt Nam. Tôi không dám nói đến việc con mình muốn cống hiến sức mình cho quê hương nhưng dù sao ở gần nhà vẫn hơn”, ông nói.
Ra đi để trở về hay ra đi để ở lại luôn là trăn trở của nhiều bạn trẻ chọn con đường du học cho tương lai của mình. Du học như một tấm vé máy bay giúp mỗi người có cơ hội bay cao, bay xa, thực hiện ước mơ, hoài bão hằng ấp ủ. Thế nhưng, đó là tấm vé một chiều hay khứ hồi thì không phải là câu hỏi dễ trả lời như thực tế khi chúng ta mua vé máy bay đi du lịch.
Cô L., giáo viên Anh văn đang giảng dạy tại một trường THPT ở Long Biên, Hà Nội từng trăn trở: ““Em có nên trở về sau khi du học” hay không là câu hỏi tôi thường gặp mỗi khi tư vấn cho các em có ý định chọn con đường du học sau khi tốt nghiệp THPT. Sốc văn hóa hết xuôi tới ngược. Sự nhìn nhận không đúng đắn, không chấp nhận cái mới mà các em được tiếp nhận khi đi du học của nhiều cơ quan, tổ chức cũng là lý do dẫn đến tình trạng mà chúng ta vẫn hay kêu… chảy máu chất xám”.
Giữ chân nhân tài, học cách ứng xử văn hóa với chất xám
Tuổi trẻ nhiều hoài bão, tuổi trẻ ưa xê dịch, sẵn sàng xách ba lô lên và đi tới mọi miền đất nước, đến các quốc gia khác trên thế giới để khám phá, học hỏi, tiếp thu những điều mới, điều hay. Với những trí thức trẻ, vốn có nền tảng kiến thức chuyên môn tốt, cộng với quá trình tu dưỡng, rèn luyện ở nước ngoài, cách nhìn nhận vấn đề của họ thay đổi, đa dạng hơn, thậm chí có thể va chạm, xung đột với chính những gì họ từng tiếp nhận khi học tập trong nước.
Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bên cạnh những cơ hội còn rất nhiều thách thức đặt ra. Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua, khi giao lưu với các bạn trẻ trong nước, Tổng thống Mỹ Obama đã nhận định rằng, TPP chính là cơ hội cho các công ty nước ngoài đến Việt Nam với tư cách nhà đầu tư hoặc đối tác kinh doanh. Trong khi nhân lực là nhân tố quyết định nhất đối với sự phát triển của mỗi quốc gia; phát triển nguồn nhân lực trở thành nền tảng phát triển bền vững và tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia, thì các công ty nước ngoài khi vào Việt Nam cũng sẽ thông qua các công ty “săn đầu người” tìm kiếm những tài năng trẻ cho mình.
Nhà báo Nguyễn Như Mai, cố vấn thân thiết về hiểu biết chung cho chương trình Đường lên đỉnh Olympia từng chia sẻ trên báo chí rằng, một trong những lý do khiến họ - những quán quân - quyết định ở lại nước ngoài làm việc và sinh sống đó là “Họ sợ sống mòn với nếp sống sáng cắp cặp đi, tối cắp về… Họ e ngại tất cả những mơ ước, hoài bão đều dần bị thui chột nếu về nước”. |
Vậy làm thế nào để giữ chân nhân tài? Các cụ xưa có câu “Có thực mới vực được đạo”. Làm sao để đủ sống, điều kiện sống của gia đình, của thế hệ con cháu kế tiếp sẽ tốt hơn? Làm sao để không phải lo nghĩ về cơm áo gạo tiền? Đó là điều đầu tiên mà bất kỳ ai trong chúng ta đều suy nghĩ và tính toán. Bởi, khi gánh nặng áo cơm được cởi bỏ, nhân tài mới có sức lực và tinh thần tập trung lo cho việc chung, việc đại sự, việc quốc gia.
Nhưng, một câu hỏi ngược lại đặt ra là, bạn đã làm được gì cho Tổ quốc? “Thay vì đòi hỏi, trước hết, mỗi người trẻ cần tự thân vận động, tự phát triển bản thân, cùng thể hiện tinh thần trách nhiệm cộng đồng chung, để cùng hướng đến thực hiện một mục tiêu lớn lao hơn, đó là xây dựng một đất nước giàu mạnh”, một thầy giáo đã nghỉ hưu ở Từ Sơn, Bắc Ninh nêu ý kiến.
Chúng ta không thể chỉ trông chờ vào lòng yêu nước để giữ chân người tài. “Cách tốt nhất để giữ chân nhân tài tại bất kỳ quốc gia nào chính là nhân tài phải được nhìn nhận, tưởng thưởng xứng đáng…”, Tổng thống Mỹ Obama nói.