Để thực thi Sắc lệnh của Tổng thống Putin về việc áp dụng các biện pháp trả đũa kinh tế đối với phương Tây, Thủ tướng D.Medvedev đã ký quy định cấm nhập khẩu thịt, cá, rau quả và sữa từ châu Âu, Mỹ, Canada, Australia và Na Uy trong thời hạn 1 năm.
Các nhà sản xuất nội địa Nga tỏ ra hân hoan trước thông tin này và khẳng định sẵn sàng thay thế các mặt hàng nhập khẩu bằng hàng hóa sản xuất trong nước. Trong khi đó, các nhà cung cấp từ các nước không nằm trong diện trừng phạt cũng thể hiện rõ niềm hi vọng sẽ chiếm khoảng trống trên thị trường Nga.
Khách hàng chọn mua pho mát tại một cửa hàng thực phẩm ở Saint Petersburg . Ảnh: AFP
Tuy nhiên, bên cạnh vũ điệu Kalinka vui nhộn của giới sản xuất thực phẩm trong nước, Chính phủ ông Medvedev lại đang phải nghe những nốt nhạc buồn từ sức ép chống tăng giá và tình trạng khan hiếm hàng hóa ở các siêu thị. Bộ Nông nghiệp và Bộ Kinh tế nước này đã đưa ra dự báo lạm phát có thể sẽ bùng phát trở lại ở mức hai con số trong thời gian ngắn hạn. Trong khi đó, giới phân tích kinh tế nhận định lạm phát sẽ kéo dài suốt thời gian tiến hành cuộc chiến thương mại. Chính quyền sẽ phải thỏa thuận với các nhà phân phối và đại lý bán hàng trên cả nước để kiềm chế giá và chống những kẻ cơ hội lợi dụng tình thế đẩy giá cả lên cao. Tuy nhiên, mức độ thành công sẽ phụ thuộc nhiều vào nguồn cung hình thành trong tương lai và việc áp dụng lại mô hình định giá từ trung ương giống như thời Xô viết là không thực tế.
Theo danh sách mới được công bố, Nga sẽ cấm nhập khẩu toàn bộ các sản phẩm thịt cừu, lợn, gia cầm, các loại rau củ quả, hải sản, sữa… từ Liên minh châu Âu, Mỹ, Canada, Australia và Na Uy. Danh sách này chỉ loại trừ các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em, rượu cồn và thuốc lá. Theo kế hoạch, lệnh cấm sẽ được áp dụng trong vòng 1 năm, song sắc lệnh của ông Putin vẫn để ngỏ cho chính phủ khả năng tiếp tục kéo dài trong trường hợp cần thiết.
Phát biểu trong phiên họp chính phủ ngày 7/8, ông Medvedev nhấn mạnh Chính phủ Nga không hứng thú gì với các biện pháp trả đũa song tình thế bắt buộc phải có hình thức đáp trả phương Tây. Bên cạnh đó, nền kinh tế Nga cũng có cơ hội tốt để phát triển ngành sản xuất nội địa, thay thế dần hàng hóa nhập khẩu. Các nhà sản xuất nông nghiệp sẽ nhận được gói hỗ trợ 1,7 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất. Ông Medvedev cũng cảnh báo tất cả các hành vi lũng đoạn và làm giá sẽ bị nghiêm trị, đồng thời kêu gọi chủ các hệ thống siêu thị cùng bắt tay với chính phủ trong việc sớm tìm ra nguồn cung thay thế nhằm nhanh chóng cân bằng thị trường. Người đứng đầu nội các Nga cũng cho biết Nga có thể áp dụng các biện pháp trả đũa các nhà kinh doanh hàng không châu Âu vì đã gây thiệt hại đối với hãng “Dobrolet” của Nga.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp, thị phần của các nước nằm trong danh sách trả đũa chiếm hơn 10% thị trường Nga ở nhóm thịt, cá và rau quả. Các nhóm hàng còn lại thị phần nhỏ hơn. Cơ quan này tin rằng các nhà sản xuất nội địa và các nhà cung cấp từ Brazil, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước láng giềng trong SNG sẽ có đủ khả năng lấp đầy khoảng trống nói trên. Trong khi đó, lần lượt đại diện các hiệp hội sản xuất, đánh bắt hải sản và chế biến sữa đều cam kết với Chính phủ Nga về khả năng bù đắp thiếu hụt nguồn cung bằng hàng hóa trong nước. Bộ Thương mại Nga cũng đã làm việc với hơn 40 nhà xuất khẩu từ các nước Mỹ Latin đề nghị sớm tham gia thị trường Nga.
Về phía mình, các cơ quan chức năng ở châu Âu đang tổng hợp số liệu thiệt hại từ các biện pháp trả đũa của Nga. Theo ước tính, các nhà sản xuất nông sản và thực phẩm châu Âu sẽ mất 12 tỷ euro và hiện chưa rõ phản ứng của họ sẽ thế nào. Châu Âu ít nhiều sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa nguồn cung, giảm thu nhập ngân sách và thất nghiệp. Trong khi đó, một số nhà phân tích độc lập cho rằng hàng hóa của các nước bị cấm nhập sớm muộn cũng sẽ tìm được lối vào thị trường Nga qua các nước giáp biên vì Nga đã hạ mọi rào cản hải quan với Belarus và Kazakhstan - 2 thành viên của Liên minh Kinh tế Âu-Á.
TTK