Văn hóa- Thể thao

Nét đẹp văn hóa của Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô

Trần Sỹ 02/11/2024 - 20:13

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng năm 2024 ở vùng biên giới Ia Grai, Gia Lai thực sự là một lễ hội văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống của người dân địa phương, nhất là bà con dân tộc thiếu số người Jrai.

Trong 2 ngày (2-3/11), tại bãi bồi làng Dăng, xã Ia O, UBND huyện Ia Grai tổ chức Lễ Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2024.

Sông Pô Cô có chiều dài hơn 300km, bắt nguồn từ phía Bắc tỉnh Kon Tum, chảy ngược về hướng Tây qua dãy Trường Sơn đến tỉnh Gia Lai. Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2019. Đây là lễ hội văn hóa truyền thống gắn với tên tuổi Anh hùng A Sanh - nhân vật trong bài hát "Người lái đò trên sông Pô Cô" của nhạc sĩ Cầm Phong.

1-cv.jpg
Các đội đua thuyền xuất phát

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô ra đời nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa của người dân địa phương. Họ là những người chuyên chế tác ra phương tiện thô sơ, cụ thể là những chiếc thuyền mộc làm phương tiện đi lại trên sông.

Phát biểu tại buổi Lễ khai mạc sáng 2/11, ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai nhấn mạnh: “Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2024 là hoạt động thường niên nhằm bảo tồn, phát huy di sản văn hóa độc đáo của cư dân sống lâu đời trên địa bàn huyện”.

Nét mới của lễ hội năm nay là sự có mặt của một số địa phương lân cận như huyện Đức Cơ, Gia Lai và huyện Ia HDrai, tỉnh Kon Tum. Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô cùng với các hoạt động phụ đạo khác như: Liên hoan văn hóa cồng chiêng; thi tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên; thi nhảy dân vũ.

1-dua-thuyen.jpg
Các đội đua tăng tốc, bứt phá trước sự reo hò, cổ vũ của hàng nghìn khán giả

Hội đua thuyền năm nay thu hút 43 đội tham gia (tăng 4 đội so với năm trước). Ngoài đội đua đến từ các xã, thị trấn, trường học, đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn huyện Ia Grai còn có một số đội đến từ huyện biên giới Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) và huyện Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum). Mỗi đội gồm 2 vận động viên, tranh tài gay cấn trên đường đua 2.000m.

Các đội thi đấu vòng loại tính thời gian. Sau vòng loại, Ban tổ chức chọn 6 đội có thời gian nhanh nhất vào đua chung kết hạng A và 18 đội tranh chung kết hạng B. Đội đoạt chức vô địch sẽ được nhận cúp, huy chương vàng cùng phần thưởng 10 triệu đồng.

1dt.jpg
Liên quan Văn hóa cồng chiêng, nét đặc sản hòa vào Lễ đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô

Song song với Lễ hội đua thuyền độc mộc là Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai. Năm nay, có 13 đoàn cồng chiêng, mỗi đoàn 45 nghệ nhân, diễn viên tham gia liên hoan. Các đoàn nghệ nhân tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng, lễ hội dân gian Tây Nguyên qua những bài chiêng truyền thống đặc sắc tự chọn như: mừng lúa mới, cúng giọt nước, pơ thi (bỏ mả), mừng Tây Nguyên thắng trận

Được biết đến nay huyện Ia Grai là địa phương sở hữu số lượng cồng chiêng nhiều nhất tỉnh với 750 bộ, cũng là địa phương có các hoạt động bảo tồn và phát huy gia trị cồng chiêng tốt nhất trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

3dt.jpg
Đến với Lễ hội, du khách còn được đắm mình vào các món ẩm thực đặc sắc của người dân nơi đây.

Trong khuôn khổ sự kiện còn diễn ra nhiều hoạt động như thi dân vũ, trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc. Huyện Ia Grai còn tổ chức 26 gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP đặc trưng của vùng đất biên giới và nhiều sản vật sông Sê San, ẩm thực truyền thống, sản phẩm thủ công truyền thống, hàng lưu niệm. Các gian hàng nhằm quảng bá các sản phẩm đặc trưng, đồng thời phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét đẹp văn hóa của Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô