Nên xem xét yếu tố trách nhiệm liên đới trong bồi thường oan sai

Nguyên Bình| 28/10/2016 09:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong phiên thảo luận của Quốc hội tại tổ chiều 27/10, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã nêu lên một số vấn đề trong thực tiễn bồi thường mà Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) cần hướng tới.

Dự thảo Luật quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho cá nhân, tổ chức trong ba lĩnh vực: quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Về trách nhiệm hoàn trả, Dự thảo Luật quy định theo hướng tăng trách nhiệm hoàn trả, trách nhiệm kỷ luật đối với người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu quy định hợp lý về mức hoàn trả cụ thể để một mặt bảo đảm tính răn đe, tăng cường trách nhiệm của người thực thi công vụ, mặt khác không tạo tâm lý e ngại của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ…

Góp ý về Dự thảo Luật này, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng việc mở rộng phạm vi bồi thường là thể hiện trách nhiệm của Nhà nước, của Đảng trước dân khi gây oan sai phải bồi thường, tuy nhiên đi vào thực tế thì không dễ. Từ trước đến nay, chủ yếu bồi thường oan sai trong lĩnh vực tư pháp hình sự, còn dân sự và hành chính chưa có nên nếu mở rộng phạm vi cũng cần cân nhắc vì chúng ta chưa có kinh nghiệm.

Riêng lĩnh vực hình sự, dù việc bồi thường đã làm nhiều năm nay, có kinh nghiệm nhưng vẫn khó khăn. Qua theo dõi những vụ án oan gần đây cho thấy, bồi thường thế nào thì cũng chưa thể thỏa mãn ngay yêu cầu của người được bồi thường. Nếu bồi thường đúng quy định của Luật và theo như hướng dẫn của Bộ Tài chính thì phải có chứng cứ, giấy tờ xác nhận các chi phí, chi tiêu… nên gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế khi vận dụng có những khoản không thể nào chứng cứ hoá được như danh dự, sức khoẻ, tinh thần... Đây là những thứ không có định lượng, nên cần vận dụng cho phù hợp.

Nên xem xét yếu tố trách nhiệm liên đới trong bồi thường oan sai

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu 

 Về vấn đề thu hồi tiền bồi thường, Chánh án TANDTC cho rằng Dự thảo Luật mới nói lên phải thu hồi với định lượng là 30 hay 50 tháng lương, nhưng thu hồi của ai, như thế nào thì chưa rõ. Ví dụ vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang và ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận là lỗi tổng hợp của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Tòa án.

Luật cũ quy định vụ án nếu xảy ra oan ở giai đoạn nào thì cơ quan đó phải bồi thường cũng như việc xử lý kỷ luật cán bộ ở cơ quan đó. Việc đó được hiểu là cán bộ bị kỷ luật thì phải hoàn trả số tiền này. Nhưng giai đoạn sau là chịu ảnh hưởng của cả giai đoạn trước, nên khi tham gia việc này, TANDTC đã đề nghị khi ở giai đoạn điều tra, thì cơ quan điều tra phải đền, xin lỗi, điều tra viên bị xử lý và phải hoàn tiền. Ở giai đoạn truy tố, VKS phải xin lỗi, bồi thường nhưng xử lý kỉ luật phải cả Điều tra viên và Kiểm sát viên, hai người này chung trách nhiệm bồi hoàn.

“Đến giai đoạn xét xử, nếu oan, Toà phải xin lỗi, bồi thường và phải xử lý kỷ luật cả Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và cả ba người này đều phải có trách nhiệm liên đới, chứ không thể làm xong chuyển giai đoạn khác rồi thành vô can thì không công bằng. Chúng tôi đã đề nghị nhưng dự thảo Luật chưa thấy đề cập đến”, Chánh án nêu ý kiến.

Về Cơ quan giải quyết việc bồi thường, Chánh án cho biết, theo Dự thảo Luật, cơ quan nào làm ra việc gây ra oan sai thì phải bồi thường, nhưng nghiên cứu ở các nước cho thấy, rất ít nước bồi thường về tư pháp. Việt Nam là một trong số ít quốc gia có bồi thường về lĩnh vực này, thể hiện trách nhiệm trước dân. Tuy nhiên một số nước không cho phép cơ quan điều tra, truy tố và xét xử bồi thường mà giao cho Bộ Tư pháp để khỏi phình to bộ máy. Một năm chúng ta có 90.000 vụ án hình sự, nhưng nhiều năm mới có 1 vụ oan sai, nếu lập ra riêng một bộ máy để giải quyết việc này thì cần cân nhắc trong điều kiện phải giảm biên chế hiện nay.

Về việc tiền bồi thường oan sai lấy ở đâu ra, dư luận đặt ra một câu chuyện rất nóng, thậm chí trên cả diễn đàn Quốc hội rằng tiền nhân dân đóng, tiền thuế không phải để chi trả cho chuyện sai của cán bộ. Đây là câu chuyện rất nhức nhối mà chúng ta cần phải tính toán, Chánh án cho biết.

Trước đó, tại văn bản kiến nghị cho cơ quan soạn thảo, TANDTC đã nêu kinh nghiệm của thế giới rằng họ lập ra 1 quỹ, nguồn tiền lấy từ tất cả những khoản tiền thu được do phạm tội mà có, hối lộ, buôn lậu, ma tuý, rửa tiền.. và lấy quỹ này để trả cho bồi thường, không phải từ tiền thuế của dân. Ở các nước nguồn tiền này là đủ, đây là vấn đề cần tham khảo, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nên xem xét yếu tố trách nhiệm liên đới trong bồi thường oan sai