Ngày 21/02, hàng trăm người Hồi giáo tại Nauy, theo dự kiến, sẽ tạo thành một vòng tròn xung quanh thánh đường Oslo để thể hiện tình đoàn kết với cộng đồng người Do Thái ở Đan Mạch, quốc gia láng giềng.
Sự kiện này diễn ra đúng một tuần sau vụ tấn công nhằm vào một thánh đường Do Thái giáo ở Thủ đô Copenhagen, Reuters đưa tin.
Theo các nhà tổ chức, đạo Hồi đang cố gắng bảo vệ tất cả mọi người. Và bất chấp tôn giáo của mình, họ hi vọng hơn 2.000 người sẽ tham gia sự kiện tạo thành biểu tượng “vòng tròn hòa bình”.
Những tín đồ Hồi giáo đang cầu nguyện ở thánh đường Oslo, Nauy
Đây được xem là hành động thể hiện sự ủng hộ với người Do Thái sau khi Omar Abdel Hamid El-Hussein, công dân Đan Mạch gốc Palestine, thực hiện hai vụ tấn công “kiểu Charlie Hebdo” tại Thủ đô Copenhagen hôm 14/02.
Vụ thứ nhất xảy ra tại Trung tâm văn hóa Krudttonden, khiến một người chết và 3 người bị thương. Chỉ vài giờ sau đó, một vụ tấn công khác nhằm vào một giáo đường Do Thái ở trung tâm Copenhagen làm thêm một người chết và 2 cảnh sát bị thương. Cuối cùng, Omar El-Hussein bị cảnh sát bắn chết trong một cuộc đấu súng.
Một hình ảnh do cảnh sát Đan Mạch công bố cho thấy Omar Abdel Hamid El-Hussein ở ga xe điện ngầm vào ngày 22/11/2013
và hình ảnh Omar được cảnh sát Đan Mạch công bố ngày 16/02/2015
Cộng đồng người Do Thái ở quốc gia này là một trong những nhóm nhỏ nhất ở châu Âu, chỉ khoảng 1.000 người, trong khi đó người Hồi giáo sinh sống ở đây ngày càng tăng thông qua nhập cư, từ 150.000 - 200.000 người.
Các cuộc tranh luận xung quanh việc nhập cư tại đất nước này trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu vào năm 2011, khi Anders Behring Breivik tiến hành các vụ tấn công liên tiếp nhằm vào chính phủ và Đảng Lao động nắm quyền lúc đó khiến 77 người thiệt mạng.
Anders Behring Breivik mang tư tưởng cực hữu và chống Hồi giáo. Tay sát thủ này cáo buộc rằng, Chính phủ Nauy đã “tạo điều kiện thuận lợi cho người Hồi giáo nhập cư và làm pha trộn dòng máu Nauy tinh khiết”.
Sự ủng hộ dân nhập cư ngày càng tăng kể từ sau những cuộc tấn công đó. Một cuộc thăm dò ý kiến tiến hành cuối năm ngoái cho thấy 77% số người được hỏi cho rằng, người nhập cư đóng góp quan trọng cho xã hội Nauy.