Ngày 23/5, tại một cuộc họp khẩn cấp, tất cả các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã kêu gọi Mỹ không rời khỏi Hiệp ước Open Skies.
Tại cuộc họp khẩn cấp của các đại sứ, tất cả các đồng minh NATO đã hối thúc Mỹ tiếp tục tuân thủ Hiệp ước Bầu trời Mở.
Mỹ cáo buộc Nga chặn các chuyến bay qua một số địa điểm nhất định và cấm khảo sát các cuộc tập trận quân sự, thường được cho phép theo Hiệp ước Open Skies
Trước đó, Bộ Ngoại giao Pháp cũng ra một tuyên bố chung của 11 nước – bao gồm Pháp, Bỉ, CH Séc, Phần Lan, Đức, Italy, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Điển – bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định rút khỏi hiệp ước này của Washington.
Tuyên bố có đoạn ghi rõ: “Hiệp ước Bầu trời Mở là thành tố then chốt của khuôn khổ xây dựng lòng tin và đã tồn tại nhiều thập kỷ nhằm tăng cường tính minh bạch và an ninh ở khủ vực châu Âu-Đại Tây Dương”.
Các nước nêu rõ sẽ tiếp tục đối thoại với Nga trên cơ sở những ý kiến đã thống nhất trước đó giữa các đồng minh trong NATO và các đối tác châu Âu khác để cùng tháo gỡ những bất, đồng thời kêu gọi Moscow dỡ bỏ những hạn chế đối với các chuyến bay qua không phận Kaliningrad.
Trong tuyên bố chung này, ngoại trưởng 11 nước đều bày tỏ lấy làm tiếc về thông báo của Mỹ trong vòng 6 tháng tới sẽ rút khỏi Hiệp ước Open Skies với lý do "Nga liên tục vi phạm các điều khoản của hiệp ước".
Một máy bay An-30B của Ukraine được sử dụng theo Hiệp ước Bầu trời mở.
Ngoại trưởng các nước cam kết sẽ tiếp tục thực thi hiệp ước này, vốn có giá trị ngày càng tăng đối với cấu trúc kiểm soát vũ khí thông thường và an ninh chung.
Tuyên bố khẳng định Hiệp ước Open Skies vẫn hữu ích và thiết thực. Hiệp ước Open Skies là một thỏa thuận có ý nghĩa then chốt đối với an ninh tại châu Âu thời hậu Chiến tranh Lạnh
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết “rất đáng tiếc” khi nhận được thông tin chính thức về quyết định rút khỏi Hiệp ước Open Skies của Mỹ. Thông cáo của Nga nói rằng: “Quyết định này gây thiệt hại đáng kể cho an ninh châu Âu. An ninh của chính Mỹ sẽ không được củng cố và uy tín của Mỹ trong các vấn đề quốc tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng". Nga tuyên bố sẽ tiếp tục tuân thủ Hiệp ước Bầu trời Mở chừng nào thỏa thuận này còn hiệu lực.
Hiệp ước Open Skies, ban đầu do Tổng thống Hoa Kỳ Dwight Eisenhower đề xuất năm 1955, được ký năm 1992 và có hiệu lực vào năm 2002.
Là hiệp ước mang đến sự minh bạch về việc xây dựng quân đội và các hoạt động quân sự, Hiệp ước Open Skies giúp theo dõi các cuộc tấn công quân sự hoặc cảnh báo về một cuộc tấn công bất ngờ vì nó cho phép các nước tham gia thực hiện những chuyến bay giám sát bên trên các căn cứ quân sự của nhau, để thu thập thông tin về lực lượng và hoạt động quân sự của các nước này.
Mục đích chính của văn kiện này là để theo dõi thực trạng các quốc gia thực thi những thỏa thuận giải trừ quân bị (mà hàng đầu là Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu), và bằng cách đó hoá giải những mối lo ngại mới phát sinh, xây dựng niềm tin lẫn nhau.
35 quốc gia tham gia Hiệp ước Open Skies là: Belarus, Bỉ, Bosnia và Herzegovina, Bulgaria, Canada, Croatia, Cộng hòa Séc, Đan Mạch (bao gồm Greenland), Estonia, Phần Lan, Pháp, Georgia, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ý, Kazakhstan, Latvia, Litva, Luxembourg, Hà Lan, Nauy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Liên bang Nga, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.