Phó Tổng thư ký NATO cho rằng, tổ chức này cần hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn việc IS chiêu mộ quân trên toàn cầu nhằm mở rộng lực lượng, kể cả ở các quốc gia thành viên NATO.
Trong bài thuyết trình tại Trung tâm Cao cấp Nghiên cứu Quốc phòng (CESEDEN) ở Madrid ngày hôm qua (29/10), Phó Tổng thư ký NATO Alexander Vershbow bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng những nỗ lực nhằm ngăn chặn lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) phát triển ở cả Iraq và Syria là thực sự cần thiết. Chúng ta phải phá vỡ đà góp phần vào kế hoạch tuyển mộ thêm chiến binh của IS, kể cả từ ngay trong mỗi quốc gia thành viên chúng ta, và chống lại sự ảnh hưởng từ những câu chuyện kể về chúng”.
Theo ông Vershbow, thật khó khăn khi phải tưởng tượng ra viễn cảnh tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều với sự hiện diện của IS. “Nhưng nó vẫn có thể xảy ra”, ông cảnh báo.
NATO tin rằng kịch bản tồi tệ nhất là để cho lực lượng IS củng cố vị thế của mình ở cả Syria và Iraq, mặc dù gần đây liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã đạt được những tiến bộ nhất định.
Phó Tổng thư ký NATO nhấn mạnh rằng, các quốc gia khu vực Trung Đông cũng có vai trò nhất định trong việc tìm kiếm và thực hiện giải pháp cho vấn đề IS ở đây. “Một phần của câu trả lời này sẽ đến từ chính Trung Đông. Điều quan trọng là có nhiều nước Arập tham gia vào liên minh quốc tế”, ông nhận định.
Ông Vershbow lưu ý: “Cuối cùng thì giải pháp cho vấn đề Syria vẫn là giải pháp chính trị”, song ông nói thêm rằng “một cách thẳng thắn, không lạc quan về điều đó”.
Liên minh bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia Arập tiến hành chiến dịch ném bom các vị trí do IS kiểm soát tại Syria và Iraq từ năm 2014. Đồng thời, các cường quốc trong khu vực và trên thế giới cố gắng tìm ra giải pháp triệt tiêu căn nguyên dẫn đến sự nổi dậy của Nhà nước Hồi giáo này bằng các vòng đàm phán nhằm kết thúc khủng hoảng Syria.
Bắt đầu từ hôm qua, vòng đàm phán quốc tế diễn ra trong hai ngày 29 và 30/10 tại Vienna tiến hành thảo luận nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc nội chiến kéo dài suốt 4 năm rưỡi tại Syria. Đại diện các nước thành viên quốc tế chủ chốt tham gia đến từ Mỹ, Nga, Iran, Arập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và EU.
Mặc dù có nhiều nước thành viên NATO đang cùng thực hiện chiến dịch quốc tế chống IS tại Trung Đông, nhưng bản thân liên minh quân sự này lại không chính thức tham gia với danh nghĩa tổ chức.
NATO kêu gọi nối lại quan hệ mang tính xây dựng với Nga
Cũng ngày hôm qua, ông Alexander Vershbow cho biết, NATO hi vọng sẽ nối lại mối quan hệ mang tính xây dựng với Moscow, vì Nga đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.
Trong bài phát biểu tại CESEDEN, ông nhấn mạnh: “Có thể bạn không hài lòng với các chính sách mà nhà lãnh đạo Nga hiện nay đang theo đuổi, nhưng đó là láng giềng của chúng ta trong phạm vi khu vực châu Âu và cộng đồng quốc tế. Và vì vậy, như tôi đã nói, câu hỏi không phải là liệu chúng ta có mối quan hệ với nước Nga hay không, mà đó là mối quan hệ gì. Và rõ ràng, thời gian qua đi, tất cả chúng ta hi vọng sẽ sớm trở lại mối quan hệ mang tính xây dựng và hợp tác hơn nữa với nước Nga. Nước Nga có thể chính là “chìa khóa” để giải quyết các vấn đề quốc tế mà nó phụ thuộc vào các quyết định mà Nga ban hành”.
Ông cũng nói thêm, việc xây dựng các mối quan hệ mang tính xây dựng có thể mất nhiều năm.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ trích chính sách của Nga đối với Gruzia, Moldova và Ukraine; đồng thời nhấn mạnh rằng, các thành viên NATO sẽ tạo ra một đòn bẩy nào đó để Nga quay lại tuân thủ luật pháp quốc tế.
Quan hệ Moscow và phương Tây trở nên xấu đi khi khủng hoảng Ukraine leo thang vào năm 2014. Kiev và các nước phương Tây cáo buộc Nga có liên quan đến xung đột quân sự tại miền đông Ukraine, và đã đưa ra một số lệnh trừng phạt chống lại Moscow. Tuy nhiên, Điện Kremlin nhiều lần bác bỏ và cho đó là những lời buộc tội vô căn cứ.