Nắng nóng kỷ lục, người già, trẻ nhỏ "thi nhau" nhập viện

Thảo Nguyên| 05/06/2017 10:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời tiết nắng nóng kéo dài tại Hà Nội đang khiến người lớn, trẻ nhỏ thi nhau đổ bệnh, gây áp lực quá tải cho các bệnh viện. Còn người nhà và bệnh nhân thì càng kiệt sức hơn vì thời tiết nắng nóng.

Bệnh nhân "ùn ùn" nhập viện

Thống kê tại khoa khám bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi ngày có hơn 3.000 trẻ tới khám và điều trị, hầu hết mắc bệnh lý về hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản và tiêu chảy.

“Để ứng phó với thời tiết nắng nóng, bệnh viện cũng đã tăng cường ghế ngồi, quạt mát, nước uống cho bệnh nhi và người nhà tại các khu chờ khám bệnh và tổ chức đón tiếp từ 5 giờ sáng. Các bác sĩ bắt đầu khám cho bệnh nhi từ 7 giờ sáng”, PGS.TS Trần Minh Điển - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

Nắng nóng kỷ lục, người già, trẻ nhỏ

Hành lang và phòng chờ chật kín chỗ, người nhà bệnh nhi phải ra ngoài ngồi dưới những bóng râm.

Chỉ trong 2 ngày Hà Nội nắng nóng gay gắt, lượng bệnh nhân cao tuổi đến khám tại Bệnh viện Lão Khoa trung ương cũng gia tăng. Mỗi ngày, trung bình có khoảng 300 lượt bệnh nhân. Các bệnh chủ yếu như: Bệnh đường hô hấp, tai biến mạch máu não…

Tại Bệnh viện Xanh Pôn, lượng bệnh nhân đến khám trong những ngày nắng nóng cũng tăng gần 10%. Ông Nguyễn Văn Thường - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn - phụ trách Khoa Nhi của bệnh viện cho biết, điều đáng lo ngại là có nhiều trẻ phải nhập viện vì sốc nhiệt, viêm đường hô hấp dẫn đến viêm phổi nặng, sốt cao khó hạ thân nhiệt. Nguyên nhân do trẻ được đưa ra, vào phòng điều hòa liên tục, cơ thể không thích ứng kịp với sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn.

Tiến sĩ Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh viện là tuyến cuối nên luôn trong tình trạng đông đúc, quá tải. Trong khi đó thời tiết vào mùa nắng nóng càng nhiều người đổ bệnh.

Vấn đề người nhà bệnh nhân nằm vạ vật ở trong bệnh viện khi thời tiết nóng, ông Hùng cũng chia sẻ, bệnh viện chỉ quản lý bệnh nhân, còn về người nhà thì thời tiết nắng nóng thế này viện tạo điều kiện để mọi người vào trong hành lang tránh nắng.

Cẩn trọng với sốc nhiệt

Theo các bác sĩ, nắng nóng kéo dài sẽ xuất hiện tình trạng nhiều bệnh nhân mất nước, rối loạn điện giải. Khi nhiệt độ cơ thể tăng, mồ hôi ra nhiều, việc vệ sinh không phù hợp dễ dẫn đến viêm phổi, bệnh về đường hô hấp.

Nắng nóng kỷ lục, người già, trẻ nhỏ

Trong lúc chờ lấy kết quả, nhiều bệnh nhi ngủ thiếp trên đùi mẹ...

TS Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nắng nóng ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ kéo dài, nhiệt độ chắc chắc còn lên cao trong những ngày tới nên nguy cơ sốc nhiệt rất dễ xảy ra, đặc biệt, với những người phải đi ngoài đường.

Theo TS Chính, sốc nhiệt là tình trạng nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt. Sốc nhiệt có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể. Mặc dù sốc nhiệt chủ yếu ảnh hưởng tới những người trên 50 tuổi nhưng người trẻ cũng dễ gặp.

Trước diễn biến thời tiết như hiện nay, rất có thể số lượng bệnh nhi nhập viện còn tăng. Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh khi thời tiết nắng nóng, người già và trẻ nhỏ cần phải uống đủ nước, dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung các loại trái cây để tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt cần tránh ra trời nắng trong khoảng từ 10h-16h bởi đây là thời điểm nắng gắt, tia tử ngoại cao. Ngoài ra, nhiệt độ trong phòng điều hoà và ngoài trời không được để chênh lệch quá lớn, tốt nhất nên bật ở mức từ 25-27 độ C.

Để giảm tác hại do thời tiết nắng nóng kéo dài, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội phối hợp với các cơ quan tăng cường tuyên truyền cho người dân về cách phòng chống nắng nóng, vệ sinh môi trường phòng chống các dịch bệnh mùa hè.

Sở cũng yêu các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ phương tiện đảm bảo việc chống nóng cho người bệnh; đồng thời giảm quá tải khu vực khám bệnh, thu viện phí, khám theo hẹn... để hạn chế tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh. Các cơ sở y tế chú ý nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh; không để bệnh nhân nằm ghép; chú ý phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Các cán bộ y tế cũng phải được tập huấn về các biện pháp cấp cứu, xử lý các trường hợp say nóng, say nắng…

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, miền Bắc sẽ có nhiều đợt nắng nóng kéo dài với nhiệt độ tăng cao.


 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nắng nóng kỷ lục, người già, trẻ nhỏ "thi nhau" nhập viện