Ngày 17/3, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương (BCĐ CCTPTW) đã họp phiên thứ 25 cho ý kiến vào Đề án “Phòng, chống tiêu cực trong hoạt động hành nghề luật sư”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng BCĐ CCTPTW đã chủ trì phiên họp.
Chấn chỉnh những vi phạm của luật sư
Theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN), luật sư (LS) không phải là chủ thể của hành vi tham nhũng nhưng có thể có các hành vi tác động bằng cách mua chuộc, giúp sức cho tiêu cực, tham nhũng. Một nguyên nhân của tiêu cực trong hoạt động hành nghề LS đáng chú ý được LĐLSVN chỉ ra là “sự thiếu niềm tin vào hoạt động tư pháp, hoạt động hành chính của các cơ quan nhà nước”. Thực tế, nhiều khách hàng tìm đến LS để yêu cầu làm trung gian để nhờ cán bộ tố tụng, cán bộ nhà nước giúp đỡ họ, mong dùng lợi ích vật chất để bảo đảm đánh đổi được quyền lợi trong vụ việc theo mong muốn do không có niềm tin vào luật pháp và các cơ quan nhà nước.
Cũng theo báo cáo, từ năm 2009 đến 9/2015, Liên đoàn LSVN đã nhận được hơn 400 đơn KNTC đối với LS, trong đó có rất nhiều đơn thư có nội dung liên quan đến vi phạm đạo đức trong hành nghề LS. Đến cuối năm 2015, các ĐLS đã xử lý kỷ luật 100 trường hợp, trong đó đã kỷ luật bằng hình thức xóa tên 35 LS (đa số là vi phạm trong hành nghề LS). Có một số LS đã vi phạm nghiêm trọng, bị khởi tố, xử lý hình sự do lừa đảo khách hàng để chiếm đoạt tài sản.
Cho ý kiến về Đề án, Ban Thường trực BCĐ CCTPTW cho rằng, cần bám sát các quy định có liên quan đến hoạt động LS, nhất là các quy định về việc cấm LS không được làm. Đề án cần nêu và phân tích được tác hại lớn, thậm chí rất lớn và có tính nhân quả của hành vi tiêu cực trong hành nghề LS có thể làm tha hóa một bộ phận cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước (nhất là cán bộ điều tra, kiểm sát, Tòa án, Thi hành án) trong quá trình bào chữa, tư vấn trợ giúp pháp lý. Trong đó cần làm rõ trường hợp LS là chủ mưu, là cầu nối, là người bị cưỡng ép thực hiện hành vi tiêu cực…
Đề án cũng cần chú trọng nêu và phân tích các nguyên nhân chủ quan của LS và tổ chức LS, vì hành vi tiêu cực là hành vi có ý thức, có mục đích của LS, những người có hiểu biết pháp luật. Các nguyên nhân chủ quan cần phân tích làm rõ là: bản thân LS ngoài việc thiếu rèn luyện, tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp, còn thiếu tự trọng làm tổn hại đến danh dự, uy tín, không chăm lo tạo dựng hình ảnh cao quý nghề LS; thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ pháp luật trao cho là góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp chế; lợi dụng vai trò là trung gian giữa khách hàng và cơ quan nhà nước, sự thiếu hiểu biết của người dân để thực hiện hành vi tiêu cực nhằm mưu cầu lợi ích riêng. Bên cạnh đó, một số LS quá nặng về mưu sinh, muốn làm giàu nhanh trong cơ chế thị trường đã tìm mọi cách kiếm tiền; hoặc thiếu tự tin, bản lĩnh khi tham gia tố tụng nên không đấu tranh góp phần tìm ra sự thật, đấu tranh với hành vi tiêu cực của cán bộ, công chức nhà nước…
Do vậy, đề án cần tập trung vào các giải pháp: Đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng, tăng cường giáo dục nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của LS; Đẩy mạnh các hoạt động tự quản, công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm khắc LS vi phạm pháp luật, quy tắc đạo đức trong LS, loại bỏ những LS yếu kém chuyên môn, có hiện tượng chạy chọt, lo lót tiêu cực và công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng, không được bao che cho hành vi tiêu cực…
Nhận diện hành vi tiêu cực
Thảo luận và cho ý kiến về Đề án, các đại biểu cho rằng cần có những giải pháp tổng thể, gắn với thực trạng phòng chống tiêu cực trong hoạt động LS với các cơ quan tư pháp và cơ quan quản lý nhà nước khác, chứ không chỉ là những giải pháp “nội bộ” của Liên đoàn, của các Đoàn LS. Để làm được điều đó phải nhận diện rõ các hành vi tiêu cực, chẳng hạn như trốn thuế, hợp đồng hai giá; cố tình lợi dụng pháp luật cách hiểu khác nhau bảo vệ khách hàng cuả mình bằng mọi giá hoặc tuyên truyền, kích động người dân…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Doãn Khánh đề nghị “phòng, chống tiêu cực từ “nguồn” bằng việc hoàn thiện thể chế để tăng cường tính minh bạch và thống nhất trong thực hiện, hạn chế tiêu cực. Còn theo Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, phòng chống tiêu cực trong hoạt động LS cần được đặt trong mối quan hệ với việc phòng chống tiêu cực của các cơ quan có liên quan, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng.
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn phát biểu tại phiên họp
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cũng nhận định, thông tin về các hành vi tham nhũng, trong đó có những hành vi tiêu cực của LS “len lỏi” ngay trong các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng, nên cần có sự phối hợp của các bên. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến hiệu quả tổ chức bộ máy quản lý hoạt động LS và các quy định của Luật LS, quy tắc đạo đức hành nghề LS trong việc phòng chống tiêu cực trong hoạt động của LS. Đồng thời, ở góc độ LĐLSVN cần phải quán triệt tinh thần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và mình ở vị trí nào trong đó để xây dựng Đề án.
Phó Viện trưởng VKSNDTC Lê Hữu Thể cũng cho rằng, vai trò của LS ngày càng quan trọng. Phải xác định rõ vai trò của LS là một nghề tự do, không phải cơ quan quyền lực nhà nước như cơ quan khác nên bản chất tiêu cực cũng khác những cơ quan này. Chúng ta phải đánh giá rõ tiêu cực nằm ở đâu, từng nhóm một và tại sao thì mới đi đến mục đích cuối cùng mà đề án đặt ra...
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang đánh giá, uy tín của LS sẽ được xã hội đánh giá, ghi nhận, nhưng cùng với việc kỷ luật các LS vi phạm, Đề án cũng cần chú trọng đến việc tôn vinh, khen thưởng, xây dựng hình ảnh cho các LS, thay đổi nhận thức của xã hội, của các cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan tiến hành tố tụng về sự tham gia của LS không phải để làm rối việc. Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong điều kiện của Liên đoàn LS hiện nay, việc xây dựng Đề án là một cố gắng lớn và đề nghị Đảng đoàn LĐLSVN tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của Ban Chỉ đạo, tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia để hoàn thiện Đề án trình BCĐ CCTPTW trước ngày 18/4.