Kinh tế

Nâng cao năng lực số và hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế

Hà Nguyên 13/10/2023 - 15:32

Mỗi quốc gia, tổ chức hay cá nhân đều phải nỗ lực chuyển đổi, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Tăng cường năng lực số cho lực lượng lao động trẻ là một cơ hội tốt để doanh nghiệp phát triển, hội nhập quốc tế.

Nguồn nhân lực trẻ, đầu tư công nghệ là nền tảng quan trọng trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, đóng góp thiết thực vào sự ổn định và phát triển nền kinh tế nói chung, các doanh nghiệp nói riêng.

hoi-nghi-ns-tre-bai-chuyen-doi-so.jpg
Hội nghị Hội Nghị sỹ trẻ lần thứ 9

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã gửi thông điệp này tới thế hệ trẻ tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 9 vừa qua với nhận định: “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”, là tuổi “dời non, lấp biển”. Giới trẻ có những lợi thế to lớn trong tận dụng các cơ hội, nhất là các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, là lực lượng nắm giữ chìa khóa để mở ra những cánh cửa mới, những cách nghĩ và cách làm mới để xử lý hiệu quả những thách thức chung của toàn cầu trong hiện tại và tương lai.

Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu khách quan, diễn ra trên mọi mặt của đời sống xã hội, trên phạm vi toàn cầu mà không một quốc gia nào, tổ chức nào, cá nhân nào có thể đứng ngoài tiến trình đó. Trong bối cảnh chuyển đổi số, thanh niên phải đối mặt với những thách thức không nhỏ mà điển hình nhất, dễ thấy nhất đó là sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động khi máy móc dần thay thế con người trong một số lĩnh vực và sự chuyển dịch về lực lượng lao động toàn cầu. Với sự cạnh tranh khắc nghiệt như vậy, nếu thanh niên không quan tâm tới việc tăng cường năng lực số của bản thân, chủ động tham gia quá trình chuyển đổi số thì không chỉ ảnh hưởng tới chính cơ hội nghề nghiệp, việc làm, phát triển bản thân trong tương lai của thanh niên bị ảnh hưởng mà rộng hơn là thương hiệu quốc gia bị ảnh hưởng.

Ở góc độ cơ quan lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho hay, chúng ta bước vào thập niên thứ 3 của thế kỷ 21 với vô vàn biến cố khó lường... Nhưng chúng ta vẫn có quyền lạc quan và hi vọng về tương lai. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là dòng chảy, là xu thế lớn. Các xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo đang được thúc đẩy lan tỏa sâu rộng. Trong khi toàn cầu hóa gặp khó khăn thì hàng loạt các sáng kiến liên kết, hợp tác kinh tế mới ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu tiếp tục được đẩy nhanh.

Trong mọi chặng đường phát triển của các quốc gia, Quốc hội và các nghị sĩ với vai trò lập pháp, giám sát và thực thi cao cả của mình, luôn là lực lượng tiên phong trong các nỗ lực cải cách pháp luật, thể chế và hội nhập quốc tế, là cầu nối giữa ý chí chính trị và nguyện vọng nhân dân, giữa pháp luật trong nước và luật pháp quốc tế, giữa nhân dân các quốc gia, dân tộc, đóng góp cho hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững ở phạm vi khu vực cũng như toàn cầu.

Mặc dù phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn luôn được đánh giá là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện và hiện thực hóa các cam kết quốc tế trong quá trình phát triển của mình, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, mà nổi bật là kết quả thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, các con số ấn tượng về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Việt Nam cũng là một trong 5 quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển nhất khu vực và xếp hạng 54 về Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.

Việc tận dụng sức mạnh của công nghệ số để phát triển thịnh vượng, bền vững là vô cùng quan trọng. Quản lý rủi ro và công nghệ số đã chứng minh được sức mạnh của mình và đã thay đổi cuộc sống của hàng tỉ người trên thế giới theo hướng tốt đẹp hơn. Công nghệ số cũng có tiềm năng to lớn trong việc giải quyết hậu quả của khủng hoảng biến đổi khí hậu…Vậy nên, biết nắm bắt cơ hội và tiềm năng sẽ giúp chúng ta phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế.

Như đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc cũng đã nhận định, ngày nay, mỗi quốc gia, tổ chức hay cá nhân đều phải nỗ lực chuyển đổi, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Chuyển đổi số giúp thay đổi cách vận hành nền kinh tế, tăng mạnh năng suất lao động, tạo các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; giúp các cơ quan nhà nước hoạt động ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực số và hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế