Nâng cao hiệu quả của Chương trình tiên tiến

Hải Vân| 31/12/2016 07:20
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 30/12, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì hội nghị tổng kết đào tạo theo chương trình tiên tiến giai đoạn 2006-2016.

Nâng cao hiệu quả của Chương trình tiên tiến

Hội nghị tổng kết đào tạo theo chương trình tiên tiến

Theo báo cáo của Bộ GD – ĐT, từ năm 2006, Bộ đã triển khai thí điểm chương trình tiên tiến (CTTT) và xây dựng Đề án “Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học Việt Nam giai đoạn 2008 – 2015”,

Qua 10 năm triển khai thực hiện “Chương trình tiên tiến”, đã có 23 trường đại học thực hiện với 35 chương trình đào tạo của 22 trường đại học trên thế giới. Đến nay chương trình đã mang lại nhiều kết quả tích cực, giúp các trường đại học thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết chương trình tiên tiến được tổ chức tại Hà Nội ngày 30/12, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD – ĐT cho biết: "Đến nay, các chương trình tiên tiến đã có 3.601 sinh viên tốt nghiệp, trong đó 255 sinh viên xuất sắc (7,1%), 1.307 sinh viên giỏi (34,3%) và 1.707 sinh viên khá (47,4%). Được đào tạo với chương trình tiên tiến, nên sinh viên CTTT được trang bị tốt về kiến thức, kỹ năng và khả năng tiếng Anh, rất chủ động trong tự học, tự khai thác tài liệu, phối hợp làm việc theo nhóm, năng động và rất tự tin làm việc trong môi trường quốc tế.

Do vậy, hầu hết sinh viên tìm được việc làm đúng nghề hoặc học tiếp lên trình độ cao hơn sau 6 tháng tốt nghiệp. Trong số 2.561 sinh viên tốt nghiệp năm 2015 đã tìm được việc làm, có 539 sinh viên xin được học bổng đi học tiếp ở nước ngoài (449 học thạc sĩ, 90 nghiên cứu sinh); 274 sinh viên học trên đại học ở trong nước (241 học thạc sĩ, 33 nghiên cứu sinh); 123 làm giảng viên các trường đại học, cao đẳng; 104 làm việc trong các viện nghiên cứu; 269 làm việc trong các cơ cơ công lập khác; 660 làm việc trong các cơ quan liên doanh với nước ngoài; 592 làm trong các cơ quan tư nhân hoặc tự mở công ty riêng".

Hơn 40% sinh viên tốt nghiệp CTTT học tiếp lên trình độ cao hơn, làm giảng viên và nghiên cứu viên là một nguồn nhân lực tốt không những tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mà còn là nguồn động lực để phát triển bền vững các CTTT và sẽ tham gia đóng góp vào đổi mới giáo dục đại học Việt Nam trong tương lai; sinh viên tốt nghiệp CTTT Điều dưỡng của Trường ĐH Y Hà Nội đã đạt đủ điều kiện để được chấp nhận sang làm việc tại CHLB Đức, điều này cho thấy sản phẩm của CTTT đã bước đầu tham gia vào trao đổi nguồn nhân lực quốc tế, được trông đợi sẽ ngày càng mở rộng và tham gia tích cực vào trao đổi nguồn nhân lực trong Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Ông Nguyễn Hữu Tú – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, nhà trường chỉ có một chương trình tiên tiến duy nhất là Điều dưỡng, lợi ích mà chương trình này mang lại là đã có 3 khóa tốt nghiệp, mỗi khóa 30-50 sinh viên. 20 sinh viên khóa đầu tiên đã tham gia khóa đào tạo điều dưỡng tại Đức và đạt bằng B2 của Châu Âu, được cấp chứng chỉ điều dưỡng chuẩn Châu Âu. Với chứng chỉ này các em có thể ở lại và làm việc tại bất cứ đâu ở Châu Âu.

Hiện học phí chương trình tiên tiến của Đại học Y Hà Nội la 20 triệu và ông Tú cho rằng đây là mức khả thi để chạy tiếp chương trình tiên tiến mà vẫn đảm bảo chất lượng. Qua trao đổi, ông Tú cho biết, việc Bộ tiếp tục cho triển khai giai đoạn 2 của chương trình tiến tiến là một chủ trương đúng đắn, tạo cơ hội cho các trường đang triển khai chương trình cũng như những trường chưa có cơ hội tiếp cận chương trình ở giai đoạn 1.

Tuy nhiên, lãnh đạo Đại học Y Hà Nội đề nghị, để nâng cao hiệu quả của chương trình tiên tiến, Bộ cần rà soát lại tất cả các chương trình đã thực hiện, tất cả các trường đã thực hiện để đánh giá nhìn nhận nội lực của các trường từ đó có định hướng chủ trương đầu tư cho hiệu quả.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho rằng, chương trình tiên tiến hoàn thành căn bản sẽ làm nền cho chương trình đào tạo chất lượng cao. Từ đó, mở rộng sang phạm vi các ngành khác nữa. Trong bối cảnh hiện nay phải chọn những ngành, chương trình tốt nhất, áp dụng một cách tự chủ. Theo đầu ra có một đội ngũ nhân lực có chất lượng cao. Và phải có cạnh tranh giữa các chương trình, các trường. Đây là nhu cầu tự thân của các trường. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao hiệu quả của Chương trình tiên tiến