Ngày 24/8, Học viện Tư pháp tại TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Đạo đức hành nghề công chứng trong quá trình hội nhập và phát triển” nhằm chỉ ra những hạn chế, vướng mắc và tìm giải pháp nâng cao đạo đức nghề này.
Tham dự hội thảo có bà Đặng Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp; ông Nguyễn Chí Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; ông Nguyễn Trí Hòa – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam; ông Nguyễn Trường Thiệp - Phó Giám đốc, Trưởng Cơ sở Học viện Tư pháp tại TP.HCM...
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Trường Thiệp cho biết, với việc xã hội hóa từ năm 2006, trải qua hơn 17 năm thực hiện, đến nay số lượng tổ chức hành nghề công chứng và số lượng công chứng viên ngày càng nhiều và có xu hướng tăng trong thời gian tới.
"Để đảm bảo việc việc cung cấp dịch vụ công chứng, các tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên cần phải tuân thủ đúng quy định pháp luật nói chung, đạo đức trong quá trình hành nghề nói riêng. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế, nhiều hành vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức hành nghề công chứng đã xảy ra...”, ông Thiệp nhận định.
Hội thảo tập trung vào các chuyên đề liên quan đến nghề công chứng như: Cơ sở pháp lý, thực tiễn của quy tắc đạo đức và chuẩn mực ứng xử nghề công chứng viên; Thực hiện quy tắc đạo đức hành nghề công chứng trong bối cảnh hội nhập và phát triển; Nguyên nhân của những tồn tại trong việc thực hiện quy tắc đạo đức hành nghề công chứng; Giải pháp nâng cao đạo đức hành nghề công chứng trong quá trình hội nhập và phát triển.
Theo TS. Nguyễn Thanh Đình - Ủy viên thường vụ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam, Chủ tịch Hội công chứng viên TP Cần Thơ, vấn đề đạo đức của công chứng viên là một bộ phận của đạo đức nghề luật và được hình thành trên cơ sở hoạt động hành nghề của công chứng viên.
“Đã có một số nghiên cứu về đạo đức nghề luật, tuy nhiên trong phạm vi nghiên cứu, tôi chỉ giới hạn trong việc làm rõ cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn hình thành nên chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, qua đó phần nào hiểu rõ hơn những cơ sở hình thành quy tắc đạo đức, căn cứ pháp lý tạo nên bộ quy tắc đạo đức và chuẩn mực ứng xử cũng như giá trị trong thực tiễn hoạt động nghề nghiệp. Từ đó góp phần vào việc xây dựng, hoàn thiện các quy tắc đạo đức và chuẩn mực ứng xử nghề nghiệp của công chứng viên hiện nay”, TS. Nguyễn Thanh Đình cho biết.
Những tham luận, ý kiến đóng góp tại Hội thảo phần nào đã nói lên thực trạng phát triển của nghề công chứng viên. Khi dân trí ngày càng phát triển, ý thức pháp luật của công dân ngày càng cao thì công chứng càng phải hoàn thiện cả về tổ chức và hoạt động.
Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng là cơ sở để công chứng viên tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề và trong đời sống xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, uy tín của công chứng viên, góp phần tôn vinh nghề công chứng trong xã hội và hướng đến hội nhập, phát triển theo xu thế cùng công chứng quốc tế.
Trước đó, tại Hội nghị liên minh công chứng quốc tế lần thứ 10, Bộ Tư pháp cho biết đang khởi động các hoạt động để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng năm 2014 với nhiều định hướng mới. Bên cạnh việc hoàn thiện quy định của pháp luật công chứng, quy tắc đạo đức hành nghề công chứng cũng cần phải được coi trọng.
Năm 2013, Việt Nam trở thành thành viên của liên minh công chứng quốc tế. Đến tháng 9/2021, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị liên minh công chứng quốc tế lần thứ 10.