Tin địa phương

Nâng cao chất lượng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc

Hà An 06/12/2024 - 16:51

Diễn đàn được tổ chức nhằm đưa ra hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Bắc, cập nhật tiến độ mở cửa thị trường và yêu cầu kỹ thuật của một số thị trường đối với sản phẩm cây ăn quả.

Ngày 6/12, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Hội Làm vườn Việt Nam, Cục Trồng trọt, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình và các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc” tại Hòa Bình.

Ngành rau quả của Việt Nam đang khẳng định vị thế trên trường quốc tế

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta tháng 11/2024 đạt 500 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng năm 2024 lên 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, với các sản phẩm chủ lực như: Sầu riêng, thanh long, chuối, mít và xoài. Với kết quả này, ngành rau quả Việt Nam tự tin có thể lập kỷ lục 7,2 tỷ USD trong cả năm 2024...

dien-dan-5.jpg
Các đại biểu tham dự diễn đàn

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, Cục Bảo vệ thực vật đã mở cửa thị trường cho 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật và quả tươi xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường chính như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Úc, bao gồm: Thanh long, mít, dưa hấu, nhãn, vải, chuối, xoài, chôm chôm, măng cụt, chanh leo, sầu riêng tươi, ớt tươi, thạch đen, khoai lang, dừa, sầu riêng đông lạnh, vú sữa, bưởi và chanh.

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ yếu với 16 loại mặt hàng, tiếp theo là Hoa Kỳ với 7 mặt hàng. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, thị trường xuất khẩu cũng mở ra nhiều cơ hội và bước đầu đã gặt hái được những kết quả khả quan, đặc biệt với vải thiều và nhãn. Các thị trường quan trọng gồm Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Mỹ.

Sản xuất cây ăn quả ở các tỉnh phía Bắc nói riêng có tiềm năng lớn, nhưng cần giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo quản, liên kết sản xuất và tìm kiếm thị trường bền vững để phát triển bền vững.

Diễn đàn kỳ vọng sẽ trở thành cầu nối giao thương hiệu quả giữa các bên, bao gồm các địa phương, đơn vị sản xuất, nhà cung ứng rau quả và nông sản, các doanh nghiệp thu mua, phân phối, bán lẻ, đơn vị chế biến, vận chuyển, cũng như các sàn thương mại điện tử trên cả nước… ; qua đó góp phần thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, đảm bảo tính bền vững, hài hòa lợi ích, giảm bớt khâu trung gian, tiết kiệm chi phí, tăng sức cạnh tranh, giúp gia tăng chất lượng, giá trị, các doanh nghiệp chủ động được nguồn cung với giá cả ổn định.

Tái canh cây ăn quả có múi, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại

Tại diễn đàn, ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, chia sẻ, với đặc thù đa dạng về khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng cho phép Hòa Bình có thể phát triển nhiều loại cây trồng khác nhau, đặc biệt là cây ăn quả. Đến hiện tại, trên địa bàn toàn tỉnh có 16.000ha cây ăn quả các loại, trong đó chủ lực là cam, bưởi, chanh… (trên 10.000ha); 1.200ha nhãn, 1.500ha chuối; ngoài ra xoài, thanh long...

dien-dan-3.jpg
ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình phát biểu tại diễn đàn

Xác định cây ăn quả là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương, tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách như cải tạo vườn tạp, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng đề án tái canh cây ăn quả có múi, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Tất cả đều dựa theo tinh thần xuyên suốt “tập trung nâng cao chất lượng chuỗi giá trị nông sản, không phát triển nóng”.

Theo thống kê, toàn tỉnh đã có 88 mã số vùng trồng, trong đó 53 mã số phục vụ xuất khẩu; hơn 2.400ha cây ăn quả được cấp các chứng nhận an toàn như GlobalGAP, VietGAP, hữu cơ. Nhiều sản phẩm chủ lực tiêu thụ ổn định tại các siêu thị, thành phố lớn. Nhiều sản phẩm như chuối, cam, bưởi được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường như Hoa Kỳ, Canada, EU…

Cũng theo ông Sứ, bên cạnh thành tựu, việc phát triển cây quả của tỉnh vẫn còn 1 số hạn chế như mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng chưa rõ nét, chủ yếu tiêu thụ tươi do khâu bảo quản, chế biến còn nhiều hạn chế… làm giá trị sản xuất chưa đạt được như kỳ vọng.

Cũng tại diễn đàn, các cơ quan, hiệp hội, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã đã đề xuất một giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Bắc; cập nhật tiến độ mở cửa thị trường và yêu cầu kỹ thuật của một số thị trường đối với sản phẩm cây ăn quả; đồng thời giới thiệu, phổ biến các quy trình, tiến bộ kỹ thuật trong quản lý tổng hợp sinh vật gây hại trên một số loại cây ăn quả chủ lực và các giải pháp sơ chế, chế biến, bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm rau quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc