Nâng cao chất lượng quản trị công, đẩy lùi vấn nạn tham nhũng

M.Thoa| 14/04/2015 15:14
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (14/4), tại Hà Nội, Trung tâm công tác lý luận của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức buổi công bố chỉ số cải cách quản trị công tại Việt Nam.

Kết quả từ khảo sát toàn quốc cho thấy những cải thiện không đáng kể trong quản trị và dịch vụ công ở tất cả các tỉnh.

Báo cáo chỉ số hiệu quả và quản trị hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) thể hiện trong 4 năm qua, 6 chỉ số nội dung về đo lường cho thấy mức độ cải thiện là không đáng kể. PAIP là công cụ giám sát thực thi chính sách, cung cấp dữ liệu về trải nghiệm của người dân đối với hiệu quả quản trị, hành chính công và cung ứng dịch vụ công ở các cấp. Khảo sát PAPI 2014 đã phỏng vấn gần 14.000 công nhân được lựa chọn ngẫu nhiên.

Nâng cao chất lượng quản trị công, đẩy lùi vấn nạn tham nhũng

Trong số 6 chỉ số nội dung, chỉ số “Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở” sụt giảm về điểm nhiều nhất, trong đó có 3 trong 4 chỉ số nội dung, thành phần đều tụt điểm. Ví dụ, bầu cử trưởng thôn chủ yếu mang tính hình thức, nhiều khi chỉ có một hoặc hai ứng cử viên để lựa chọn và việc chính quyền giới thiệu ứng cử viên khá phổ biến.

Năm 2014, các chỉ số nội dung về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình với người dân đạt tiến bộ không đáng kể. Trung bình, chỉ có 8 trong số 100 người biết đến, đã đọc và thông báo công khai về ngân sách ở quận, xã mình. Công khai, minh bạch vẫn còn hạn chế. Hiệu quả thực hiện các cơ chế giải trình với người dân ở cấp tỉnh có cải thiện nhưng không đáng kể qua 4 năm. Đánh giá hiệu quả huy động sự tham gia của người dân ở cấp tỉnh năm 2014 so với năm 2013 thì Quảng Ninh, Lào Cai, Cà Mau tăng điểm nhiều nhất, giảm điểm nhiều nhất là Hậu Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai.

Chỉ số nội dung về thủ tục hành chính công cũng không có mấy cải thiện trong cảm nhận chung của công dân. Luật quy định việc xử lý hồ sơ thủ tục liên quan đến quyền sử dụng đất không được kéo dài quá 30 ngày. Tuy nhiên, 34% người nộp đơn phải đợi 100 ngày mới giải quyết xong giấy tờ, 8% phải đợi từ 100-720 ngày mới có kết quả cuối cùng.

Người dân tham gia khảo sát cho rằng hầu như không ghi nhận được tiến bộ trong chỉ số nội dung kiểm soát tham nhũng. Thay đổi lớn nhất so với khảo sát lần trước là có nhiều người cho rằng tham nhũng và hối lộ là vấn đề đáng lo ngại ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong việc cung ứng dịch vụ công cấp tỉnh. Mặc dù có những chỉ đạo từ cấp cao nhất nhưng kết quả khảo sát năm 2014 cho thấy, tập quán tham nhũng dù nhỏ vẫn còn tồn tại dai dẳng và tình hình tham nhũng và hối lộ trong khu vực công vẫn còn là vấn đề thường trực và có xu hướng gia tăng ở nhiều ngành, lĩnh vực.

Năm 2014, vẫn còn tình trạng để xin việc vào khu vực công người dân phải “lót tay” để xin việc vào cơ quan nhà nước (49%), làm thủ tục liên quan đến sổ đỏ (33%), làm thủ tục xin cấp phép xây dựng (26%), khám chữa bệnh ở bệnh viện công cấp huyện (43%), để học sinh tiểu học được quan tâm hơn (30%)...

Kể từ năm 2011, chính quyền cấp tỉnh miền Trung và phía Nam được người dân đánh giá về hiệu quả kiểm soát tham nhũng cao hơn so với các tỉnh phía Bắc. Nỗ lực kiểm soát tham nhũng ở cấp tỉnh năm 2014 chưa đem lại hiệu quả, thậm chí có phần hạn chế hơn so với 3 năm trước. Tỷ lệ người được hỏi đánh giá chính quyền cấp tỉnh nghiêm túc trong xử lý các vụ việc tham nhũng được phát hiện ở địa phương tăng. 

Bà Pratibha Mehta, Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho biết: “Thông qua việc cung cấp bằng chứng về trải nghiệm của công dân, PAPI và các dữ liệu mà khảo sát thu thập được giống như chiêc gương phản chiếu hiệu quả của chính quyền địa phương. Chính phủ Việt Nam cần đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của người dân thông qua cung ứng dịch vụ căn bản và nâng cao chất lượng quản trị công để không rơi vào bẫy “phát triển trung bình”. Đây cũng là mong muốn của người dân đối với các chính phủ trên thế giới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng quản trị công, đẩy lùi vấn nạn tham nhũng