Xuất khẩu lao động nhằm có số vốn lớn để kinh doanh sau những năm tháng ở nước ngoài trở về. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng lao động là công dân Thanh Hóa làm việc và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, nhất là Hàn Quốc vẫn còn nhiều. Giải được bài toán này không chỉ gỡ được lệnh cấm tuyển dụng của nước sở tại, còn tạo ra sự công bằng cho người dân thực sự có nhu cầu.
Đối với những địa phương có đất rộng, người đông, việc làm tại chỗ chưa đáp ứng được nhu cầu, thu nhập, thì xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững. Thông qua công tác xuất khẩu lao động đã có hàng nghìn người dân Thanh Hóa thoát nghèo bền vững và làm giàu.
Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, công tác đưa người lao động và chuyên gia trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài luôn được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các ngành, các cấp quan tâm, chỉ đạo. Với nỗ lực đó, giai đoạn 2017 - 2021, toàn tỉnh có 42.113 lượt lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Thanh Hóa là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài, với trên 32.000 lao động hiện đang làm việc ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở các thị trường: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Trung Đông và các thị trường khác. Hàng năm số tiền người lao động tỉnh Thanh Hóa đi làm việc ở nước ngoài gửi về gia đình ước khoảng 120-150 triệu USD tương đương 2.760 đến 3.450 tỷ đồng.
Thống kê của Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đến ngày 30/6/2022, số lao động của tỉnh làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc là 890 người trên tổng số hơn 6.000 người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc (chiếm 8,77%) tổng số lao động cả nước đang cư trú trái phép tại Hàn Quốc. Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 02 huyện bị tạm dừng tiếp nhận lao động đi làm việc tại Hàn Quốc là huyện Hoằng Hóa và huyện Đông Sơn.
Nguyên nhân được cơ quan chức năng chỉ ra xuất phát từ chênh lệch thu nhập của việc làm ở nước ngoài và việc làm trong nước là rất lớn (từ 7 đến 10 lần, có khi còn cao hơn) nên nhiều người lao động vì lợi ích trước mắt đã tìm mọi cách để ở lại cư trú và làm việc bất hợp pháp sau khi hết hạn hợp đồng lao động. Người lao động có nhận thức kém, thiếu ý thức tổ chức, kỷ luật, không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và nước ngoài, vì lợi ích cá nhân nên sẵn sàng bỏ qua lợi ích chung của cộng đồng, bỏ trốn ra ngoài làm việc nhằm có thu nhập cao.
Mặt khác, việc tìm kiếm việc làm phù hợp và có thu nhập cao với người lao động sau khi hoàn thành hợp đồng về nước còn gặp nhiều khó khăn. việc sử dụng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng, cũng do chủ sử dụng lao động nước ngoài muốn né tránh, giảm các khoản chi phí tuyển dụng mới lao động. Hơn nữa lao động đã có tay nghề, ngoại ngữ, thành thạo công việc đã làm trước đó nên được chủ sử dụng lao động tạo điều kiện cho người lao động ở lại làm việc bất hợp pháp.
Công tác phối hợp quản lý người lao động nước ngoài làm việc ở nước bạn chưa chặt chẽ; việc thực thi chế tài xử phạt chưa hiệu quả, chưa đảm bảo để ngăn ngừa đối với cả chủ sử dụng lao động và người lao động không có giấy tờ hợp pháp nên người lao động Việt Nam dễ lợi dụng sơ hở để trốn tránh các cơ quan chức năng ở lại làm việc bất hợp pháp. Vẫn còn một số huyện, thành phố và chính quyền địa phương cơ sở chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động người lao động thuộc địa bàn quản lý khi hết hạn hợp đồng về nước theo quy định.
Cùng với đó, nhiều đại diện gia đình người lao động chưa quyết liệt trong việc vận động, kêu gọi, khuyên nhủ người thân đang cư trú và làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài, trông chờ vào biện pháp của cơ quan nhà nước. Việc thực thi chế tài xử phạt đối với lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng ở trong nước cũng gặp nhiều vướng mắc, khó khăn, chưa hiệu quả do đối tượng xử phạt vắng mặt (đang ở nước ngoài).
Đối với các địa phương, việc tổng hợp, báo cáo về tình hình lao động của địa phương đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nói chung và lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài nói riêng chưa đầy đủ, thiếu kịp thời.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Lê Đình Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để giải bài toán hóc búa này, tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để sớm ra khỏi khu vực cấm tuyển dụng. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về thực hiện các giải pháp tuyên truyền, vận động lao động cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài về nước và lao động về nước đúng hạn. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tình hình lao động vi phạm hợp đồng, cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh cơ sở, phát tờ rơi, tổ chức tư vấn cho người lao động...
Thông qua các tổ chức hội chính trị - xã hội như Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên tuyên truyền sâu rộng đến các hội viên, đoàn viên. Đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật cho người lao động trước khi đi nước ngoài làm việc, đặc biệt là ý thức tổ chức kỷ luật và ý thức chấp hành pháp luật. Tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp giảm tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng tại nước ngoài không về nước ở những địa phương có đông lao động bất hợp pháp. Qua Hội nghị, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm hạn chế tình trạng lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc không về nước sau khi kết thúc hợp đồng.
Hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức ký cam kết và giao chỉ tiêu cho các tổ chức, đoàn thể và chính quyền cơ sở trong việc vận động lao động của địa phương làm việc tại nước ngoài về nước đúng hạn. Kịp thời thông báo danh sách lao động có hộ khẩu thường trú tại địa phương đang cư trú bất hợp pháp và lao động sắp hết hạn hợp đồng đến các huyện, thành phố để chỉ đạo xã, phường, thị trấn thông báo đến thôn, tổ, gia đình của người lao động, vận động người lao động về nước đúng quy định. Cập nhật thông tin và quản lý lao động người địa phương từ nước ngoài trở về.
Chỉ đạo cơ quan công an các cấp nắm bắt tình hình để kịp thời ngăn chặn và giải quyết kịp thời những phát sinh trong công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; triển khai tích cực các giải pháp hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã về nước: Tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyên đề cho lao động về nước đúng thời hạn; tổ chức thông tin thị trường lao động, tư vấn giới thiệu việc làm tại cơ sở; hỗ trợ việc làm đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về, vào làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh… có trình độ tay nghề phù hợp.
Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là phối hợp chặt chẽ giữa cấp cơ sở với các doanh nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong việc tổ chức tư vấn, tuyển chọn, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, trình độ ngoại ngữ, kiến thức pháp luật cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng nêu trên; có chế tài và xử lý nghiêm đối với doanh nghiệp vi phạm, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động khi tham gia đi lao động nước ngoài.
Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh của lao động địa phương trên thị trường lao động quốc tế. Đồng thời, tăng cường liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Hy vọng với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, ý thức chấp hành các quy định của người lao động tại nước sở tại và Việt Nam sẽ được nâng lên. Tình trạng bỏ hợp đồng giữa chừng hoặc bỏ ra ngoài làm việc khi hết hợp đồng sẽ không còn. Số lượng người được xuất khẩu lao động sẽ ngày một lớn hơn trong thời đại kinh tế toàn cầu, dịch bệnh đã được kiểm soát.