Thiếu diện tích canh tác, nguồn nước bị nhiễm bẩn, thuốc bảo vệ thực vật chứa nhiều hóa chất độc hại, không khí ô nhiễm, đó chỉ là một trong nhiều lý do khiến bài toán trồng rau sạch ở Hà Nội từ nhiều năm nay vẫn chưa thể tìm ra lời giải.
Qua khảo sát tại một số khu vực trồng rau xanh quanh Thủ đô Hà Nội như Đồng Mai (quận Hà Đông), Quảng Bị (huyện Chương Mỹ), Tây Tựu (quận Tây Hồ), Vân Canh (huyện Hoài Đức), dễ dàng nhận thấy phần lớn nguồn nước bà con nông dân ở đây sử dụng để tưới cho rau xanh đều nhiễm bẩn ở mức độ đáng báo động.
Trên thực tế, khi phân tích một số mẫu nước tại sông Tô Lịch, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Kim Ngưu, các nhà khoa học đã chứng minh mức nhiễm khuẩn ở những con sông này vượt giới hạn cho phép rất nhiều lần. Đơn cử, nước sông Tô Lịch bị nhiễm phân E.coli với mật độ trung bình 10.000 đến 100.000 khuẩn trong 100 millilit (ml), vượt giới hạn cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là dưới 1.000 khuẩn trong 100ml đối với nước thải dùng trong chăn nuôi và trồng trọt. Và đồng thời, 1 lít nước của dòng sông này cũng chứa từ 10 đến 100 trứng, trong lúc quy định của WHO là không được quá 1 trứng trong 1 lít.
Dù biết nước sông là mất vệ sinh, biết đa số nguồn nước tự nhiên ở những khu vực này đều chưa qua xử lý, nhưng nếu không dùng thì cũng không biết lấy nước ở đâu để tưới cho rau, nên từ nhiều năm nay, người dân vẫn phải đành “nhắm mắt dùng liều”. Bởi, nếu muốn đảm bảo nước tưới sạch theo đúng quy trình kỹ thuật, người ta phải đầu tư khoan giếng, xây dựng bể lọc, số tiền đầu tư có khi lên đến vài chục triệu. Số tiền đó là quá lớn đối với nhiều hộ nông dân.
Bà Nguyễn Thị Lệ: "Chúng tôi cũng muốn trồng rau sạch"
“Chi phí khoan và lắp đặt một cái giếng lên đến gần hai chục triệu đồng, đấy là chưa tính đến chuyện “đồng không mông quạnh” thế này, lại phải xây dựng các công trình phụ trợ để bảo vệ giếng, tránh hỏng hóc... có khi lên đến năm, bảy chục triệu đồng? Nông dân chúng tôi biết lấy đâu ra ngần ấy tiền mà đầu tư? Đó là chưa kể tới nhiều chi phí tốn kém khác như phân loại, xử lý đất, xây dựng tấm chắn bảo vệ ngăn bụi bẩn, các chất độc hại trong không khí thâm nhập vào rau…”, bà Nguyễn Thị Lệ, một hộ trồng rau lâu năm ở Quảng Bị, Chương Mỹ, Hà Nội chia sẻ.
Bên cạnh yếu tố nước, thói quen sản xuất của bà con nông dân đó là ưa sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật, phân tươi để bón tưới, kích thích phát triển, phòng trừ sâu bệnh cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến khả năng nhiễm khuẩn của rau xanh. Nếu không được chế biến đúng cách, đúng khoa học, khi ăn các loại rau trồng kiểu này sẽ rất dễ bị ký sinh trùng và đơn bào thuộc họ ký sinh trùng gây bệnh đường ruột. Đặc biệt, các loại cải xoong, ngổ, cần, những loại rau thủy sinh… tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng so với các loại rau khác cao hơn rất nhiều.
“Bản thân những người như chúng tôi cũng muốn trồng bó rau, củ hành sạch lắm chứ! Vừa có giá thành kinh tế cao, hiệu quả kinh tế lớn, mà khả năng bị phơi nhiễm vì tiếp xúc trực tiếp với hóa chất gây ảnh hưởng sức khỏe cũng không còn. Nhưng có phải cứ muốn trồng là trồng được đâu?”. Đó không chỉ là tâm tư của bà Lệ, mà còn là nguyện vọng của nhiều hộ gia đình nông dân ở một số làng nghề trồng rau khác ở ngoại thành Hà Nội.
Mạng lưới tiêu thụ còn yếu kém
Qua tìm hiểu của phóng viên, phần lớn những người dân làm nghề trồng rau ở Đồng Mai đều mong muốn trồng được rau sạch để tăng thu nhập. Đã có một số hộ gia đình đi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc rồi lên tận Công ty Giống cây trồng mua hạt về gieo, nhưng kết quả đạt được cũng chả được là bao. Một phần do diện tích canh tác còn ít, phân tán nhỏ lẻ, tốn nhiều công lao động, phần vì khó khăn về nguồn nước.
Nhưng kể cả khi có sản phẩm bán ra thị trường, sản phẩm đó vẫn phải đối mặt với sự nghi ngờ đến ghẻ lạnh của người tiêu dùng do không có tổ chức, cá nhân nào đứng ra chứng nhận đấy là rau an toàn. Cũng chính vì phải đối mặt nhiều khó khăn, trở ngại, người dân ở đây dần quay lưng với việc trồng rau sạch, họ quay về với phương pháp trồng truyền thống. Đôi khi, ngay bản thân họ cũng không dám ăn ngọn rau do chính bàn tay mình trồng lên.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rau an toàn khó tiêu thụ ở các chợ. Nguyên nhân chính là việc xây dựng, phát triển mạng lưới tiêu thụ còn yếu kém và chưa có những tác động tích cực đến người tiêu dùng để họ hình thành thói quen sử dụng rau an toàn. Đồng thời trong sản xuất đang thiếu hoạch định chính sách mang tầm vĩ mô, thiếu định hướng của các nhà quản lý cho người nông dân, để họ không còn sản xuất theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún, tự phát. Trong khi đó diện tích đất nông nghiệp ngoại thành Hà Nội ngày càng bị thu hẹp bởi quá trình đô thị hóa; chi phí đầu vào trồng rau sạch lớn, đầu ra không ổn định, khả năng huy động nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này thấp, thu nhập bấp bênh... khiến sản lượng rau an toàn không thể tăng mạnh.
Nhiều khi người ta phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm để tưới rau
Đến ngay như ở những vùng có sản lượng rau sạch lớn như Yên Mỹ (Thanh Trì), Văn Đức (Gia Lâm)… người dân cũng gặp nhiều khó khăn dù được các cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, ghi nhật ký sản xuất, chăm bón rau cụ thể. Ước tính, sản lượng rau an toàn của những khu vực này được bày bán trong các siêu thị chỉ chiếm khoảng hơn 30%, còn lại bà con vẫn phải bán tự do, trôi nổi trên thị trường. Mà đã ra thị trường, rau an toàn khó có thể cạnh tranh với rau bẩn bởi giá cả. Đôi khi còn bị tư thương ép giá, đành bán giá bình dân thu lại đồng nào hay đồng ấy để cắt lỗ. Từ đó, tạo nên tâm lý bất an đối với người trồng, các doanh nghiệp cũng không dám mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này để sản xuất lâu dài.
Cần một giải pháp đồng bộ
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hơn 11.000ha đất trồng rau, trong đó chỉ có hơn 3.300 ha đất trồng rau an toàn. Sản lượng rau an toàn được 131.000 tấn/năm đáp ứng được 14% nhu cầu thị trường Hà Nội, còn 84% là rau chưa được kiểm nghiệm về mức độ an toàn. Khu vực ngoại thành Hà Nội đã hình thành nhiều làng nghề trồng rau an toàn nhưng sản lượng chưa cao và thu nhập của người trồng rau vẫn bấp bênh.
Nguyên nhân chính vì rau an toàn hiện chỉ tiêu thụ mạnh ở các khách sạn, nhà hàng và siêu thị, chưa đủ sức cạnh tranh ở các chợ. Vì thế, nhiều nơi sản xuất có thời điểm không đủ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, tuy nhiên cũng có nhiều nơi, đơn vị thu mua không ký được hợp đồng, cho nên người nông dân phải bán rau ra chợ với giá rẻ để cắt lỗ.
Trên thực tế, giá thành cao không phải là yếu tố chính khiến người tiêu dùng chưa mặn mà với rau an toàn, rau sạch. Nhiều người chia sẻ, trước những nguy cơ ngộ độc, nhiễm bệnh từ những loại rau không rõ nguồn gốc, họ sẵn sàng trả giá cao gấp đôi, gấp ba để được ăn rau sạch, rau an toàn. Phần lớn lo ngại tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, rau sạch trộn lẫn với rau bẩn hoặc rau bẩn đội lốt rau sạch vẫn diễn ra phổ biến tại nhiều cửa hàng rau sạch, thậm chí là tại nhiều siêu thị lớn.
“Đắt đỏ là một chuyện, nhưng quan trọng nhất là những loại rau an toàn này bày bán lẫn với những loại rau trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ khiến tôi thấy hoang mang, không yên tâm. Nếu như người tiêu dùng không để ý kỹ, rất dễ mua nhầm các loại rau bẩn. Thậm chí đến bản thân người trồng cũng không thể biết rau của mình có an toàn hay không. Bởi phần lớn họ là nông dân, hiểu biết về khoa học, kỹ thuật, nhất là về dư lượng hóa chất trong các loại phân bón, thuốc trừ sâu còn rất thấp”, chị Hằng, một chủ cửa hàng kinh doanh rau sạch ở chợ Hà Đông, Hà Nội chia sẻ.
Cũng theo kinh nghiệm của chị Hằng thì khi chọn rau, người tiêu dùng nên chú ý đến màu sắc. Không nên chọn những loại có màu xanh mướt mỡ màng bất thường. Bởi, màu xanh hấp dẫn đó có được nhờ quá trình bón thúc phân đạm “ép” tăng trưởng, lượng NO3 tồn dư trong rau rất lớn gây ảnh hưởng đến quá trình hô hấp của tế bào, làm suy yếu cơ quan tiêu hóa. Đồng thời, nó cũng là một tác nhân gây ung thư.
Mấy năm gần đây, Hà Nội đã cho xây dựng nhiều Đề án phát triển rau an toàn, song kết quả thu được vẫn còn nhiều hạn chế. Thiết nghĩ, các cơ quan, ban ngành cần đẩy mạnh hơn nữa chức năng quản lý, giám sát việc bảo vệ môi trường, kiểm tra chặt chẽ các hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu, kết hợp thông tin, tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi cách sản xuất tự cung, tự cấp. Biết rằng, như vậy là không dễ, vì nó đòi hỏi một sự nỗ lực rất lớn của nhiều ngành, nhiều cấp, nhưng vì sự an toàn của hàng triệu người tiêu dùng, đó là việc phải làm.