Chuyến công tác về huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, chúng tôi cố gắng vượt qua những con đường len lỏi giữa điệp trùng đá núi để đến được những xã vùng 3 đặc biệt khó khăn.
Ở đó, đời sống của phần lớn đồng bào người Mông, người Thái vẫn chìm trong đói nghèo thăm thẳm. Và, cũng chính vì phải mang nặng nỗi lo cơm áo gạo tiền ấy mà nhiều bậc làm cha, làm mẹ ở đây đã lãng quên đi chuyện học hành của con trẻ…
Loay hoay để thoát nghèo
Trong tất cả các xã thuộc diện khó khăn của Mường Nhé thì Nậm Vì luôn là xã đứng đầu về tỷ lệ hộ nghèo. Thậm chí, ở xã này còn có bản nghèo đến nỗi mà năm này qua năm khác, cán bộ xã tìm mỏi mắt cũng không thể “nhấc” nổi một hộ gia đình nào ra khỏi cái danh sách “thiếu đói quanh năm”. Từ đầu đến cuối xã, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp cảnh tiêu điều, xơ xác. Nậm Vì nghèo không phải vì đồng bào bê trễ làm ăn, mà nghèo vì đất canh tác thiếu, phương pháp cấy trồng lạc hậu, nghèo vì thiên tai, dịch bệnh, nghèo vì thiếu hệ thống điện, đường, trường, trạm..
Một góc Nậm Vì
Bên cạnh những nguyên nhân đó, cái nghèo của Nậm Vì còn bởi một lý do muôn thuở của người vùng cao, đó là việc đồng bào không có kế hoạch trong chuyện sinh con. Hiện nay, tính trung bình ở Nậm Vì, mỗi hộ gia đình thường có ít nhất từ 6 đến 10 khẩu. Cá biệt có gia đình ở bản Huổi Chạ 2 có đến 15 đứa con, nếu tính cả cha mẹ và ông bà nội thì cũng ngót nghét gần 20 miệng ăn. Nhận thức của người dân còn hạn chế về việc đăng ký khai sinh cũng dẫn tới những bất cập trong quản lý hộ tịch, hộ khẩu và việc huy động trẻ em ra lớp học trên địa bàn. Theo thống kê của Tư pháp xã, từ đầu năm đến nay trong số 74 trường hợp đăng ký khai sinh thì có 68 trường hợp đăng ký quá hạn; toàn xã cũng có trên 60% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng.
Hôm chúng tôi lên, con đường từ trung tâm huyện Mường Nhé vào Nậm Vì đang được thi công. Con đường mới vỡ chỉ rộng vài mét, bụi mù, chạy lắt lẻo theo triền núi, nhiều đoạn nhỏ đến mức những chiếc công nông chỉ có thể tiến chứ không thể quay đầu, thậm chí, có đoạn còn thụt hẳn xuống khe sâu, xe qua đó, hoặc là bò, hoặc là đẩy. Đến ngay cái trụ sở UBND xã cũng “gianh tre nứa lá”, tuềnh toàng, trống hoác. Mấy chục cán bộ xã chen chúc trong hai dãy nhà dựng tạm với vài ba phòng làm việc quây lấy khung sân đầy cỏ dại mọc. Tiếp phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Vì Tống Văn Khi không giấu nổi ngại ngùng về cái sự nghèo của địa phương. Ông Khi bảo: “Chúng tôi cũng đã xin kinh phí rồi, nhưng tìm mặt bằng khó quá nên chưa triển khai xây dựng được. Trước mắt cứ phải dùng tạm cái trụ sở này thôi”.
Nói về cái khó, cái nghèo của Nậm Vì, ông Khi còn cho biết: Nậm Vì là xã mới được tách ra từ xã Mường Nhé vào năm 2009. Cả xã có 7 bản với 450 hộ, trên 2.700 nhân khẩu, chủ yếu là người Mông (chiếm 90% dân số) và người Thái. Đời sống của đồng bào ở đây phụ thuộc vào nương, rẫy. Trong suốt 4 năm qua, tổng thu nhập bình quân đầu người quy ra lương thực ở Nậm Vì chưa bao giờ vượt qua ngưỡng 340kg/người/năm, tức là chưa đến 1kg thóc/người/ngày. Điều đó cũng có nghĩa rằng, Nậm Vì muốn giảm hộ nghèo (chiếm hơn 80%) cũng đã quá gian nan, chứ chưa nói gì đến chuyện đủ ăn, xóa nghèo bền vững. Thậm chí, ở đây còn có những bản “nghèo toàn tập” như: Huổi Cắn (29 hộ, 151 khẩu, 100% hộ nghèo); Cây Sổ (19 hộ thì có một hộ cận nghèo, còn lại là hộ nghèo).
Chính vì cái sự nghèo ấy mà hàng bao đời nay, người Nậm Vì ít quan tâm đến sự học hành của con cái. Chẳng thế, năm này qua năm khác, các cấp chính quyền ở Mường Nhé luôn đau đầu để tìm cách thúc đẩy sự phát triển giáo dục ở cái xã nằm trên đỉnh trời này. Nhiều lớp xóa mù đã được mở, nhiều chương trình phổ cập giáo dục đã được tổ chức. Thế nhưng, có một thực tế là hiện nay, vẫn còn rất nhiều bậc cao niên ở Nậm Vì chỉ có thể đánh vần được tên mình chứ không thể viết.
Gian nan hành trình gieo chữ
“Tóc bạc da mồi” không thể đọc thông viết thạo đã đành, chứ để lớp trẻ mà “tiếp nối” cái “truyền thống” đó của cha ông mới là điều đáng ngại. Ý thức được điều đó nên trong vài năm gần đây, chính quyền Nậm Vì đã hết sức quan tâm đến việc “trồng người”. Hiện nay, về cơ bản hệ thống trường lớp học ở Nậm Vì đã được kiện toàn, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Trong đó, việc đảm bảo cơ sở vật chất cho 369 học sinh tiểu học và THCS ở bán trú luôn được nhà trường, chính quyền xã quan tâm, tạo điều kiện.
So với cấp tiểu học và THCS thì giáo dục mầm non ở Nậm Vì có những khó khăn hơn. Năm học 2013 - 2014, Trường Mầm non Nậm Vì có 13 lớp, 249 trẻ, phân bố tại 8 điểm bản. Các điểm bản ở rải rác, xa trung tâm; có điểm như ở bản Cây Sổ cách trung tâm gần 20km, đường dân sinh chỉ đi được mùa khô, còn mùa mưa gần như bị cô lập. Cũng vì thiếu giáo viên nên Nậm Vì mới mở được 1 lớp nhà trẻ ở trung tâm xã, còn lại toàn là lớp mẫu giáo.
Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Vì Tống Văn Khi
Cô giáo Lò Thị Thêu, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm Non Nậm Vì cho biết: Việc huy động trẻ 5 tuổi ở hai bản trung tâm xã là Huổi Chạ 1 và Huổi Chạ 2 rất khó khăn. Đây là hai bản có nhiều dân di cư tự do. Người dân đi làm nương thường cho con đi theo, nên việc huy động trẻ ra lớp rất vất vả. Ngay việc lập danh sách học sinh đúng độ tuổi cũng vô cùng nan giải. Khi giáo viên đến nhà điều tra, rà soát, phụ huynh khai một kiểu nhưng khi so sánh với hộ khẩu, giấy khai sinh lại không khớp. Việc sinh đẻ không làm khai sinh kịp thời cho con cái dẫn đến tuổi của con, bố mẹ cũng chỉ nhớ mang máng chứ không hề chính xác.
Hơn nữa, chính vì cái đói, cái nghèo vẫn luôn đeo đẳng cuộc sống của người dân Nậm Vì, dẫn đến việc thầy cô giáo đi vận động học trò đến lớp gặp rất nhiều trở ngại. Vì phần lớn các em trong độ tuổi đi học đều phải trông em hoặc phụ giúp bố mẹ mưu sinh, thế nên, vận động được các em tới lớp đã khó, nhưng để giữ được các em ở lại với lớp học lại càng khó hơn. Thậm chí, nhiều em ngồi trong lớp mà đầu óc vẫn váng vất ngoài nương rẫy, không chịu tập trung vào sách vở. Thầy giáo nhắc thì có em còn đòi bỏ về để chăn trâu, cắt cỏ hoặc vào rừng kiếm củi để đổi lấy cái ăn. Những tháng giáp hạt, mỗi ngày đến trường, các thầy cô giáo lại thấy lớp học vơi đi một ít. Các em thường bỏ lớp, rủ nhau vào rừng hái măng, rồi đi bộ cả chục cây số ra chợ, bán cho tiểu thương từ dưới xuôi lên. Các điểm trường đã vắng lại càng vắng hơn.
Rồi, chuyện giáp hạt ở Nậm Vì xảy ra hầu khắp các bản làng một phần cũng do tập tục canh tác truyền thống của người Mông. Cả xã chỉ có chừng 50ha lúa nước, còn lại đồng bào sống nhờ vào những nương, rẫy, mùa màng trông cả vào ông giời. Năm nào mưa thuận gió hòa, đồng bào có gạo, có ngô ăn đủ trong nửa năm. Nửa năm còn lại thì trông cả vào rừng. Cái ăn đã khó, cái mặc còn thiếu hơn. Nhiều em nhà nghèo, cả mùa đông chỉ có mỗi một quần áo để vận vào. Để phần nào giảm bớt khó khăn của các em, nhiều thầy cô giáo ở Nậm Vì phải trích từ đồng lương của mình để mua sách bút, quần áo cho những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, thầy cô còn tích cực vận động các cấp, ngành quan tâm giúp đỡ, ủng hộ về cơ sở hạ tầng, đồ dùng dạy học.
Giờ chơi của học sinh trường Mầm non Huổi Chạ 2
Ở Nậm Vì, phần lớn giáo viên là người ở địa phương khác, trong đó có không ít thầy cô từ dưới xuôi lên đây công tác. Khó khăn lớn nhất của những giáo viên “cắm bản” này không chỉ là cơ sở vật chất thiếu thốn mà còn là sự bất đồng ngôn ngữ và phong tục tập quán. Điều đó còn đòi hỏi mỗi giáo viên phải nỗ lực rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ. Việc một giáo viên ở Nậm Vì luôn phải dùng “song ngữ” trong quá trình giảng dạy là chuyện bình thường. Đồng thời, để duy trì sĩ số lớp học, thì mỗi giáo viên ở Nậm Vì cũng chả khác nào một tuyên truyền viên. Ngoài chuyện lên lớp, các thầy cô còn phải tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ những mê tín dị đoan, những tập tục lạc hậu, giúp đời sống văn hóa ở mỗi bản làng dần tiệm cận với xã hội văn minh. Ví như việc ma tà bùa ngải hay chuyện lấy vợ lấy chồng sớm của người dân tộc.
Cứ thế, với quyết tâm không chùn bước trước cuộc sống khốn khó, không than phiền về nỗi buồn cô quạnh, ngày qua ngày, những giáo viên ở Nậm Vì vẫn miệt mài đưa con chữ lên non. Trong số họ, không ít người khi mới đeo ba lô đi ngược núi đã tâm niệm rằng, sẽ không trụ lại ở nơi “rừng thiêng, nước độc”, thế nhưng, núi rừng heo hút, cộng với cuộc sống khốn khó đã kéo họ xích lại gần nhau. Từ cảm thông, chia sẻ, dần dà, nhiều thầy cô đã bén duyên để nên vợ thành chồng rồi sâu rễ bền gốc ở Nậm Vì. Họ đã thực sự trở thành những người con của bản Mông, bản Thái. Để từ đó, câu chuyện về những người đi “gieo chữ giữa mây xanh” cứ nối dài ra mãi…
Nam Hoàng