Theo các nhà nghiên cứu, rồng (Thìn) chỉ là một con vật tưởng tượng không có thật trong đời sống thực tế. Trong 12 con giáp, chỉ có con rồng là con vật huyền thoại. Rồng không thuộc thế giới động vật mà con người có trong tay để thuần dưỡng, nuôi nấng.
Chính vì vậy mà tuy nó xâm nhập, ăn sâu vào trong đời sống, nhất là trong đời sống tâm linh của con người, nhưng nó cũng rất xa vời gây ra cho con người phần nào cũng phải sợ nó.
Vì con rồng là con vật tưởng tượng, nên xuất xứ của nó không giống với các con vật khác trong 12 con giáp. Vậy con rồng xuất hiện như thế nào?
Theo chuyên gia Lê Thế Anh, Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam, ở phương Đông, con rồng là vật đứng đầu trong 4 loài tượng trưng cho sự phong lưu, sung sướng của con người, gọi là tứ quý, đó là rồng, lân, rùa, phượng (Long, Lân, Quy, Phượng).
Khác với phương Đông, ở phương Tây, con rồng lại được tượng trưng cho sức mạnh của ma quỷ thường hay quấy rối loài người, Rồng là quái vật hung thần dữ tợn, nhưng đồng thời cũng là quái vật giữ kho báu.
Ở Trung Quốc thời cổ đại thì rồng cũng được xem như một con thú hung dữ. Trong quá trình tồn tại, nó được người Trung Quốc hư cấu thành một con vật như loài bò sát kỳ dị có 4 chân và nhiều nét tương tự con rồng của người Việt Nam.
Dân tộc Việt Nam gắn liền với truyền thuyết "con rồng cháu tiên". Trải qua hơn một nghìn năm Bắc thuộc, hình tượng con rồng có phôi pha cho đến khi giành được độc lập nó mới được ghi nhận đích thực, đặc biệt là từ thời nhà Lý được thành lập từ năm 1009.
Trong văn hóa truyền thống Á – Âu, con rồng có xuất xứ đa dạng. Năm 1997, người ta đã đào được ở huyện Ung Nút (Mông Cổ) một vật bang ngọc thạch hình con rồng, chứng tỏ rồng đã xuất hiện ít nhất 5000 năm về trước.
Trong tâm thức của người Việt truyền thống và ngay cả ngày nay, rồng là bản mệnh của thần, là biểu tượng của nhất nguyên vũ trụ, hội tụ cả âm - dương, trời - đất, có ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ tới nông nghiệp lúa nước - một nghề tối cổ trên đất Việt được hình thành trên cơ sở của hai yếu tố tự nhiên khởi nguyên là đất và nước.
Rồng gắn liền với người Việt qua truyền thuyết Hồng Bàng Thị, mang ý nghĩa nguồn cội, thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, xứng danh "con rồng cháu tiên" ngàn đời nay đã trở thành niềm tự hào của người Việt Nam. Tổ tiên người Việt bắt nguồn từ truyền thuyết Lạc Long Quân (vốn là rồng) lấy Âu Cơ (dòng dõi tiên).
Âu Cơ sinh được trăm trứng, nở ra trăm con. Năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha xuống biển. Người con trưởng ở lại đất Phong Châu, lập nên nước Đại Việt, lấy hiệu là Hùng Vương. Từ đó, người Việt Nam luôn tự hào vì dòng dõi tiên rồng của mình.
Ngày nay, hình tượng con rồng vẫn được đưa vào trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm, khắc nghệ thuật. Hình tượng rồng còn rất phổ biến trong các vấn đề tâm linh, thờ cúng như:
Tượng rồng đặt trên bờ nóc, bờ mái đình, chùa tạo sự trang nghiêm và tiêu trừ các thế lực hắc ám... chi tiết rồng chầu nguyệt được vẽ trên các sản phẩm đồ thờ (bát hương, bát cúng, đĩa cúng,...) thể hiện sự tôn kính.
Sở dĩ hình tượng rồng thường được sử dụng ở các khu vực linh thiêng và trang nghiêm bởi lẽ linh vật này được xem là sự đại diện của các vị thần có sức mạnh tối cao, là biểu tượng của trời đất.
Theo các chuyên gia khảo cổ, rồng là linh vật có trong văn hóa của Việt Nam và một số nước cùng khu vực. Tuy nhiên, rồng mỗi nước lại có những đặc điểm riêng.
Trong số 12 con giáp, rồng là con vật duy nhất do con người tưởng tượng ra mang nhiều năng lực siêu nhiên. Vì không có một hình mẫu cụ thể nên người dân và nghệ nhân mỗi nơi lại trình làng một linh vật rồng khác nhau.
Trong văn hóa Việt, rồng gắn liền với đời sống tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp. Từ xưa người Việt có truyền thuyết dân gian "con rồng cháu tiên"… Vùng đất Việt Nam cũng mang hình dáng con rồng. Tên gọi các điểm chốt trên bản đồ từ biên giới phía Bắc đến vùng Nghệ An, Hà Tĩnh đều có yếu tố của rồng (Hạ Long, Bạch Long Vĩ, Hàm Rồng…).
Người dân Việt từ xưa coi rồng là linh vật huyền thoại có sức mạnh phi thường. Rồng như một vị thần có thể đem đến mùa màng bội thu. Sau này, rồng được vương quyền hóa, thần hóa nên đại diện cho vương quyền và thần quyền. Trong Phật giáo, con rồng cũng có vai trò quan trọng nên xuất hiện nhiều ở các chùa chiền, đền miếu.
Rồng Việt Nam còn có đặc điểm là biến đổi theo tư tưởng chủ đạo của từng triều đại. Rồng của mỗi triều đại có nét riêng. Rồng thời Lý chịu ảnh hưởng từ Phật giáo nên nhẹ nhàng, mỏng manh như đang uốn lượn trong mây.
Thời Trần với tinh thần hào khí Đông A, rồng mạnh mẽ hơn, thân hình to, khỏe khoắn hơn.
Thời Lê chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo nên rồng có những chuẩn mực nhất định. Rồng thời Mạc khỏe khoắn hồi cố lại yếu tố của thời Lê và thời Trần…
Thời Lê Trung Hưng, văn hóa dân gian phát triển mạnh nên con rồng còn gắn với nhiều sinh vật khác. Đến thời Nguyễn, rồng quay lại các yếu tố như thời Lê… Nhìn chung, rồng Việt Nam qua mỗi thời đại có sự biến hóa nhưng không dữ dằn mà gần gũi, thân quen.
Dân gian quan niệm, ai sinh ra năm Thìn, tức tuổi con rồng, thường gặp phúc phần nhiều hơn. Vì thế, cứ đến năm Thìn thường có hiện tượng tăng dân số.