Sáng 12/8, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.
Nhiều vướng mắc về biên chế
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, Bộ GD-ĐT mong muốn được nghe ý kiến của các đại biểu, địa phương để đánh giá về những kết quả đã đạt được, nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, để tiếp tục khắc phục.
Ông Bùi Đình Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho hay, số lượng giáo viên là vấn đề rất quan trọng.
“Trong năm vừa qua, địa phương được bổ sung gần 2.800 giáo viên. Dù vậy, sang năm học 2022-2023, còn thiếu trên dưới 6.000 giáo viên. Điều này để cho thấy việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là rất khó khăn. Vì vậy địa phương rất mong muốn có một số cơ chế, chính sách đặc thù”.
Ông Long kiến nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT và các ngành liên quan ban hành các chính sách để đảm bảo về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương cũng cho biết, hai cấp học mầm non và tiểu học của tỉnh vẫn còn thiếu nhiều giáo viên so với quy định.
Thậm chí, thời gian gần đây, giáo viên trên địa bàn tỉnh nghỉ việc nhiều. Thống kê từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022, có đến 527 giáo viên nghỉ việc.
Theo bà Hằng, một trong những nguyên nhân là do lương giáo viên chưa đảm bảo trang trải được cuộc sống.
Nhiều đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh có tỷ lệ học sinh/lớp vượt cao so quy định. Điều này cũng ảnh hưởng đến việc triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới.
Tổng số công chức, viên chức của toàn ngành giáo dục Bình Dương là 20.044. Trong khi, tổng số học sinh trong năm học mới 2022-2023 dự kiến sẽ tăng khoảng 29.000.
“Theo dự kiến số học sinh tăng, thì số giáo viên thiếu trên địa bàn tỉnh Bình Dương có thể sẽ trên 3.000 người”, bà Hằng nói.
Đặc biệt, năm học 2022-2023 là năm học đầu tiên triển khai chương trình phổ thông mới đối với lớp 10 với những môn lựa chọn mới là Tin học, Nghệ thuật, song, hiện, đội ngũ giáo viên còn hạn chế. Do đó, Bình Dương kiến nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ có chính sách đặc thù để thu hút đào tạo giáo viên các môn này.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng yêu cầu Sở GD-ĐT Bình Dương báo cáo chi tiết hơn về Bộ về tình hình giáo viên mầm non, tiểu học nghỉ việc. Cùng đó, cho biết sẽ trao đổi với lãnh đạo tỉnh trong những ngày tới và đề nghị sớm có giải pháp cho việc này.
Trong khi đó, đại diện tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị Bộ GD-ĐT cần sửa đổi định mức giáo viên tiểu học được quy định tại Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT để đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Cụ thể, địa phương này kiến nghị sửa quy định tối đa 1,5 giáo viên trên một lớp thành tối thiểu 1,5 giáo viên trên một lớp. Bởi, trên thực tế, hiện nay để tổ chức được hết các hoạt động dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới thì cần phải bố trí 1,56 giáo viên trên một lớp.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội thì kiến nghị Bộ GD-ĐT xây dựng biểu cơ cấu tỷ lệ giáo viên môn học của Chương trình giáo dục phổ thông mới để thống nhất trong toàn quốc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ về quy định không quá 2 cấp phó theo Nghị định 120 (về quy định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập). Bởi theo, ông Cương, một số trường chuyên, một số trường trọng điểm quốc gia, hoặc một số địa bàn dân cư đông nên không ít trường có từ 45 lớp học trở lên. Nếu mỗi trường chỉ có không quá 2 phó hiệu trưởng sẽ rất khó khăn trong quá trình tổ chức, chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành. Do đó, ông Cương kiến nghị Chính phủ xem xét, những trường từ 45 lớp trở lên có thể 3 phó hiệu trưởng.
'Cả trường lớp và biên chế đều không quyết định được'
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ khó khăn của ngành giáo dục khi không quyết định được điều kiện đảm bảo cho việc giáo dục đó là trường lớp và biên chế.
“Lương giáo viên thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng không có thẩm quyền quyết định được. Ngành giáo dục đương nhiên bao giờ cũng đề ra yêu cầu phải có đủ giáo viên, trường lớp, nhưng để giải quyết yêu cầu này thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT không quyết được”, ông Đam cho rằng cũng cần thông cảm khó khăn của ngành giáo dục.
Chưa kể, theo Phó Thủ tướng vấn đề chưa dân chủ trong nhà trường cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thừa thiếu giáo viên cục bộ.
“Các lãnh đạo tỉnh cứ tự hỏi là một trường phổ thông hiện muốn tuyển giáo viên, thì tiếng nói quyết định, có tầm ảnh hưởng nhất là của ai. Nếu chưa phải là của tập thể giáo viên trường, mà thay vào đó là tiếng nói của lãnh đạo quận, hiệu trưởng thì chưa có nghĩa chưa đảm bảo dân chủ”, ông Đam nói.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nói một phần bởi “Bộ GD-ĐT chuyển biến chậm”.
“Chúng ta phải có ứng dụng công nghệ để có một hệ thống nắm thật chắc nguồn lực của ngành về giáo viên, cơ sở vật chất gắn với thông tin dân số ở từng địa bàn để toàn ngành và từng địa phương chủ động.
Khi Bình Dương nói thiếu giáo viên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có đề nghị tỉnh báo cáo. Nhưng thực ra những số liệu đó, nếu được cập nhật tốt và có bộ phận phân tích thông tin hàng ngày thì Bộ GD-ĐT đã có thể chủ động nắm được từ trước rồi và không cần tỉnh báo cáo”.
Phó Thủ tướng cho hay, cần làm sao để cơ sở dữ liệu của Bộ GD-ĐT phải có đủ thông tin về từng địa bàn có bao nhiêu lớp, trường, học sinh. Nắm sát, biết chỗ nào thừa -thiếu mới có thể định hướng quy hoạch.
“Phải làm quyết liệt. Số lượng giáo viên nắm được rồi, cập nhật xong phải có bộ phận xử lý những thông tin đó”.