Môi trường

Nam Định: Hơn 1.700 phương tiện tàu, thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn

Mai Đỉnh 06/09/2024 - 14:22

Tại tỉnh Nam Định, đến thời điểm này, toàn bộ tàu, thuyền đã nhận được thông tin; số người trên các lều, chòi trông coi đầm bãi đã nhận được thông báo về diễn biến, hướng đi của bão.

Theo Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, chiều và đêm 7/9, bão số 3 đổ bộ đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Thanh Hoá, gây mưa lớn, ngập lụt diện rộng.

Để ứng phó với bão số 3, tỉnh Nam Định tích cực thông báo, kêu gọi tàu cá đang hoạt động trên biển di chuyển khỏi khu vực dự kiến bão đi qua, chủ động đưa tàu cá về neo đậu tại các khu neo đậu tránh trú bão.

Tại Cảng cá Ninh Cơ, huyện Hải Hậu đã có rất đông tàu cá cập cảng tiến hành bốc dỡ hàng hoá cũng như các loại thuỷ hải sản, sau đó đưa tàu vào khu neo đậu để tránh trú bão, bảo đảm an toàn.

Tỉnh Nam Định hiện có hơn 1.700 phương tiện tàu, thuyền với gần 5.300 ngư dân. Đến thời điểm này, toàn bộ tàu, thuyền đã nhận được thông tin; số người trên các lều, chòi trông coi đầm bãi đã nhận được thông báo về diễn biến, hướng đi của bão. Sáng nay, 6/9, toàn bộ tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn.

Ngoài ra tỉnh Nam Định cũng chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn tàu cá, tài sản và ngư dân khi có yêu cầu.

nam-dinh-tau-thuyen-tru-bao.jpg
Các phương tiện tàu, thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn.

Cũng trong sáng nay (6/9), lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định đã có Công điện số 25/CĐ-UBND về việc khẩn trương tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3 năm 2024.

Cũng theo UBND tỉnh Nam Định, có 3 kịch bản mưa bão dự kiến sẽ xảy ra nhưng ở kịch bản nào thì tỉnh Nam Định vẫn chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3. Do vậy ngay khi có thông tin về cơn bão số 3, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã tích cực, chủ động, sẵn sàng xử lý mọi tình huống có thể xảy ra nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Trên tinh thần ứng phó cơn bão số 3 theo kịch bản xấu nhất (ở mức độ siêu bão), lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng phải dừng tất cả các cuộc họp không cấp thiết, tập trung cả hệ thống chính trị vào cuộc ứng phó khẩn cấp với siêu bão.

Chủ động nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống bão, ưu tiên nhất là bảo đảm an toàn cho người dân; cấm các phương tiện ra khơi, cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển; sớm hoàn tất công tác kiểm đếm, kêu gọi chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển, người nuôi trồng thủy sản, nhân dân vùng cửa sông, ven biển, chòi canh vào nơi tránh trú an toàn; cho toàn bộ học sinh, sinh viên nghỉ học.

Thực hiện công tác di dân ở các cửa sông, các vị trí nuôi thủy sản và ở các nhà yếu nguy hiểm; sẵn sàng di dời, sơ tán nhân dân ở các khu vực trọng điểm đến nơi an toàn khi có chỉ đạo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về diễn biến cơn bão và các thông tin hướng dẫn người dân phòng, chống lụt bão và hạn chế ra đường trước, trong sau bão.

Quan tâm bảo đảm cung cấp điện, dịch vụ viễn thông trong bão. Riêng thành phố Nam Định kiểm soát tốt công tác chống úng ngập, cắt tỉa cành cây trước bão và di dân khu vực nhà yếu nguy hiểm trong bão. Các ngành, các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm công tác duy trì thông tin thống kê, báo cáo; các ngành Công an, Quân đội, Biên phòng, Y tế chủ động lực lượng trực bão, sẵn sàng, kịp thời xử lý khi phát sinh tình huống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Định: Hơn 1.700 phương tiện tàu, thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn