Nam Định: Hội nghị phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt

Lâm Thanh - Nguyễn Mạnh| 19/08/2019 12:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 16/8/2019, Ban An toàn giao thông tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt.

Nam Định: Hội nghị phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt

Ông Trần Văn Công - Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh Nam Định phát biểu tại Hội nghị.

Chủ trì hội nghị có ông Trần Văn Công - Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh Nam Định; ông Nguyễn Văn Hiển - Phó Giám đốc Công an tỉnh Nam Định, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh Nam Định; Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Tham dự hội nghị còn có ông Đinh Xuân Hùng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nam Định, Uỷ viên Ban An toàn giao thông tỉnh Nam Định; lãnh đạo các phòng ban chuyên môn như: Công an tỉnh,  Sở Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân, phòng Công Thương, phòng Quản lý đô thị, các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên, thành phố Nam Định;  đại diện Ban an toàn giao thông các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng… có tuyến đường sắt chạy qua.

Trong những năm qua thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Giao thông Vận tải, của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Ban ATGT tỉnh, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Nam Định đã chủ động phối hợp với các Sở Ban ngành của tỉnh và đặc biệt là ngành Đường sắt và các địa phương có đường sắt đi qua, thường xuyên tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATGT đường sắt; tổ chức giải toả các vi phạm hành lang an toàn thông đường sắt cũng như tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trên lĩnh lực giao thông đường sắt. Từ đó, góp phần giảm và giảm nhanh các vụ tai nạn thương tâm liên quan đến đường sắt trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Văn Công - Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, Phó Trưởng ban ATGT tỉnh Nam Địnhcho biết: Qua rà soát hiện nay trên địa bàn tỉnh Nam Định có 292 đường ngang và lối đi dân sinh tự mở, trong đó có 44 đường ngang và 248 lối đi tự mở. Đây là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông đường sắt trong thời gian qua.

Về số vụ tai nạn giao thông đường sắt qua hai năm 2017, 2018 và 7 tháng đầu năm 2019 đã có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể: Năm 2017, đã xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông đường sắt, trong đó có 19 người chết, 7 người bị thương. Năm 2018, đã xảy ra 9 vụ tai nạn giao thông đường sắt, trong đó có 8 người chết, 4 người bị thương.

7 tháng đầu năm 2019, xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường sắt, trong đó có 4 người chết, không có người bị thương. Có được điều này chính là nhờ có sự quan tâm của các cấp, các ngành, nhất là ngành đường sắt đã có sự đầu tư, phối kết hợp và khảo sát, rà soát những điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt trong những năm qua.

Nam Định: Hội nghị phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt

Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Ông Đỗ Hồng Sơn -  Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh cho biết: Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh được giao nhiệm vụ quản lý, duy tu, bảo dưỡng 125,3km đường sắt theo Hợp đồng đặt hàng với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Từ km 12+ 000 (thuộc xã Ngọc Hồi, huyện Thanh trì, Hà Nội) đến km 137+ 300 (thuộc phường Bắc Sơn, TX Bỉm Sơn, Thanh Hoá). Tuyến đường sắt qua địa bàn tỉnh Nam Định có chiều dài 41,15km, từ km 72+ 100 (thuộc xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Lộc) đến km 113 + 250 (thuộc xã Yên Bằng, huyện Ý Yên). Tuyến đường sắt chạy qua địa bàn tỉnh Nam Định có đặc điểm chung là: Đi qua khu dân cư đông đúc có tốc độ đô thị hoá nhanh, luôn chạy song song với QL 21 và QL 10 nên dễ phát sinh vi phạm do người dân có tâm lý bám mặt đường để kinh doanh sinh sống.

Trong những năm qua, để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh Nam Định, Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh đã chủ động phối hợp với các đơn vị trong ngành Đường sắt đầu tư nâng cấp 11 đường ngang từ đường ngang phòng vệ bằng biển báo thành đường ngang phòng vệ bằng thiết bị cảnh báo tự động có lắp đặt cần chắn tự động. Đồng thời, tổ chức xoá bỏ 19 lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạo giao thông đường sắt; tổ chức thu hẹp 37 lối đi và cắm biển “Chú ý tàu hoả” đối với 58 lối đi có nhiều phương tiện giao thông đường bộ qua lại; Phối hợp thi công để xử lý điểm đen về an toàn giao thông tại nút giao km 96+ 912 Khu công nghiệp Bảo Minh (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản); Kiểm tra, rà soát để tổ chức xây dựng gồ giảm tốc, kẻ vạch, giảm tốc độ đối với 07 vị trí là đường ngang, lối đi tự mở nguy hiểm.

Nam Định: Hội nghị phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt

Toàn cảnh Hội nghị.

Chia sẻ về một số giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt trong thời gian tới, ông Đỗ Hồng Sơn -  Giám đốc Công ty Cổ phần Đường sắt Hà Ninh cho biết thêm: Công ty sẽ đầu tư xử lý 04 điểm đen về an toàn giao thông trên tuyến đường sắt chạy song song với QL 10, đường ngang qua đường sắt có độ dốc chênh lớn (km 97+ 450, km 97290 thuộc xã Liên Minh, huyện Vụ Bản; km 99 + 925 thuộc thị trấn Gôi, huyện Vụ Bản) với tổng kinh phí khoảng 25 tỷ. Cùng với đó đầu tư nâng cấp 01 đường ngang từ phòng vệ bằng biển báo lên thành đường ngang có người gác (km107 + 450, phía Bắc ga Cát Đằng, thuộc xã Yên Tiến, huyện Ý Yên); Đầu tư nâng cấp 04 đường ngang phòng vệ bằng biển báo lên thành đường ngang phòng vệ bằng thiết bị CBTĐ có lắp đặt cần chắn tự động (km 76 + 405, thuộc xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản; km 97 + 450; km 97 + 790, thuộc xã Liên Minh, huyện Vụ Bản; km 106 + 075, thuộc xã Yên Tiến, huyện Ý Yên)…

Tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn tỉnh Nam Định có khổ đường 1m, chạy song song với các Quốc lộ 21A cũ  và Quốc lộ 10 qua các khu dân cư đông đúc, khu công nghiệp với chiều dài là 41,15km, đi qua 3 huyện: Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên và Thành phố Nam Định.

Trên tuyến còn nhiều đường ngang dân sinh, nhiều đoạn qua khu dân cư nhưng chưa có đường gom, công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến thời gian qua còn hạn chế. Tại hội nghị các đại biểu được nghe giới thiệu các điểm mới của Luật Đường sắt năm 2017 (gồm 10 chương, 87 điều) được Quốc hội thông qua ngày 16-6-2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2018; tập trung vào quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt; trách nhiệm bảo vệ trật tự an toàn giao thông trong hoạt động đường sắt của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đường sắt; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn trong hoạt động đường sắt của lực lượng Công an và UBND các cấp có đường sắt đi qua; các kiến nghị của lãnh đạo các đơn vị, UBND các địa phương có đường sắt đi qua về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường sắt trong thời gian tới.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nam Định: Hội nghị phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường sắt