Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chung, song năm 2024, kinh tế của Hải Phòng vẫn đạt được những kết quả ấn tượng, xếp thứ 3 cả nước và liên tục 10 năm liền duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số.
Ngày 6/1, Cục Thống kê TP. Hải Phòng tổ chức Họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội thành phố năm 2024.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố năm 2024 ước đạt 11,01%, xếp thứ 3 cả nước, là năm thứ 10 liên tiếp duy trì tăng trưởng ở mức hai con số. Quy mô kinh tế địa phương ngày càng mở rộng, đặt dấu mốc là năm đầu tiên thành phố bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước (gồm TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng). Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu thành phố hoàn thành sớm hơn dự kiến, vượt mức kế hoạch đề ra, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên.
Khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất công nghiệp tiếp tục đóng góp quan trọng trong GRDP của thành phố, ngành công nghiệp cho thấy xu hướng phục hồi rõ nét và phát triển trong thời gian tới. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2024 tăng 14,02% so với năm trước (quý I tăng 12,9%; quý II tăng 16,49%; quý III tăng 11,59%, quý IV tăng 15,1%), đóng góp 7,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm cơ cấu 45,12% GRDP, tiếp tục là động lực tăng trưởng của kinh tế thành phố với tốc độ tăng 14,84%, đóng góp 7,1 điểm phần trăm. Một số ngành công nghiệp trọng điểm đạt mức tăng trưởng cao như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 14%, đóng góp 3,53 điểm phần trăm; sản xuất xe có động cơ tăng 70,9%, đóng góp 2,43 điểm phần trăm; sản xuất thiết bị điện tăng 21,27%, đóng góp 0,47 điểm phần trăm.
Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2024 ước đạt 445.995 tỷ đồng (tương đương 18.362,8 triệu USD), đứng thứ 5 cả nước. Cơ cấu kinh tế theo các khu vực như sau: Khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng 3,15%, công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 53,08%, thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 38,52%.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2024 ước đạt 118.255,3 tỷ đồng, bằng 120,86% dự toán Trung ương giao, bằng 110,77% so với dự toán HĐND thành phố giao. Trong đó, thu nội địa đạt 50.068 tỷ đồng, bằng 133,23% dự toán Trung ương giao, bằng 111,26% dự toán HĐND thành phố giao; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 67.046,3 tỷ đồng, bằng 114,02% so với dự toán Trung ương giao, bằng 111,74% so với dự toán HĐND thành phố giao.
Tổng chi ngân sách địa phương năm 2024 ước đạt 39.407,7 tỷ đồng, đạt 120,18% so với dự toán Trung ương giao, đạt 99,09% dự toán HĐND thành phố giao. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 18.912,6 tỷ đồng, đạt 116,29% dự toán Trung ương giao, đạt 99,3% dự toàn HĐND thành phố giao; chi thường xuyên đạt 16.076,2 tỷ đồng, đạt 108% dự toán Trung ương giao, đạt 100% dự toán HĐND thành phố giao.
Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn thành phố năm 2024 ước đạt 211.481 tỷ đồng, tăng 10,09% so với năm trước; trong đó vốn khu vực nhà nước đạt 29.351 tỷ đồng, chiếm 13,88% tổng vốn và giảm 0,55%; khu vực ngoài nhà nước đạt 72.841,7 tỷ đồng, chiếm 34,44% và tăng 20,42%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 109.288,3 tỷ đồng, chiếm 51,68% và tăng 7,04%.
Tính đến ngày 31/12/2024, Hải Phòng thu hút FDI đạt hơn 4,9 tỷ USD. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 126 dự án, đạt 757,43 triệu USD; vốn đăng ký điều chỉnh có 72 dự án với số vốn tăng là hơn 3,724 tỷ USD. Lũy kế, Hải Phòng có 1.020 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư 33,8 tỷ USD. Tỷ lệ các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, chế tạo, logistic đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố đạt trên 77%.
Tổng lượt khách do các cơ sở lưu trú và lữ hành thành phố phục vụ năm 2024 ước đạt 9,103 triệu lượt, tăng 14,52%, trong đó khách quốc tế ước đạt 987.800 lượt, tăng 1,22% so với năm trước.
Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước với những chính sách an sinh xã hội ưu việt, nhân văn và vì nhân dân, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, giáo dục, đào tạo, thông tin, truyền thông, tín ngưỡng, tôn giáo, thanh niên, trẻ em luôn được chính quyền các cấp quan tâm. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, trợ giúp xã hội, giảm nghèo bền vững được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.