Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho biết, tính đến ngày 15/12/2021, cơ quan này đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 67.000 tỷ đồng.
Ngày 5/1/2022, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022.
Theo báo cáo, trong năm 2021, KTNN đã xây dựng kế hoạch kiểm toán với 181 cuộc với nội dung Kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước, báo cáo quyết toán ngân sách của 19 bộ, cơ quan trung ương và 52 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 6 chủ đề kiểm toán hoạt động; 26 chuyên đề kiểm toán chuyên sâu; 35 cuộc kiểm toán lĩnh vực đầu tư dự án, công trình; 24 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các tổ chức tài chính, tín dụng; 12 đầu mối thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và 5 cuộc khối cơ quan Đảng; Kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách năm 2020 tại Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và trình ý kiến của KTNN về dự toán ngân sách và phương án phân bổ NSTW năm 2022.
Tính đến 15/12/2021, toàn ngành đã phát hành 154 báo cáo kiểm toán. Các cuộc kiểm toán kết thúc cơ bản thực hiện đạt mục tiêu, tiến độ đề ra. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 67.000 tỷ đồng, trong đó tăng thu Ngân sách Nhà nước khoảng 7.480 tỷ đồng, giảm chi ngân sách Nhà nước hơn 10.200 tỷ đồng và kiến nghị khác hơn 43.800 tỷ đồng. Qua kiểm toán cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm kịp thời đối với những tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.
Báo cáo của KTNN cũng cho biết, năm 2021, toàn ngành đã hoàn thành toàn diện kế hoạch công tác với nhiều kết quả nổi bật như: đã hoàn thành Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020 với kiến nghị xử lý tài chính 61.761,4 tỷ đồng; chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 205 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.