Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2018 theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Năm 2017, thu NSNN vượt 5.9% dự toán
Thông tin trên đã được Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tuyến tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018 của Bộ Tài chính diễn ra sáng 8/1.
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết, đối với công tác thu NSNN, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan tập trung tổ chức thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu NSNN năm 2017 ngay từ ngày đầu, tháng đầu; chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cấp uỷ và chính quyền địa phương, động viên và tranh thủ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành thu NSNN ngay từ đầu năm; chú trọng khai thác nguồn thu; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; quyết liệt xử lý nợ đọng thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế; kiểm soát chặt chẽ mã số, xuất xứ hàng hóa, giá trị tính thuế hải quan.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Bên cạnh đó, đã tiếp tục rà soát để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách về tài chính, thuế, phí phù hợp với tình hình thực tế và cam kết hội nhập quốc tế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác thu thuế, hải quan, rút ngắn thời gian và giảm chi phí cho người nộp thuế.
Với những nỗ lực nêu trên, đến hết 31/12/2017, thu cân đối NSNN ước đạt 1.283,2 nghìn tỷ đồng, vượt 71 nghìn tỷ đồng, vượt 5,9% so dự toán, tăng 43,7 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội đạt mức động viên 25,6% so GDP; trong đó, thuế phí đạt 21% GDP. Số vượt thu là của ngân sách địa phương (chủ yếu là vượt thu tiền sử dụng đất). Do không bù trừ số vượt thu giữa các địa phương, nên không kể tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, vẫn còn một số địa phương hụt thu cân đối ngân sách địa phương.
Về chi NSNN, tính đến 31/12/2017, các nhiệm vụ chi thường xuyên đã cơ bản thực hiện xong theo dự toán, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách; chi đầu tư phát triển nguồn NSNN đạt khoảng 75,9% dự toán, vốn trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 23,5% dự toán (năm 2016 tương ứng đạt 77% và 45,3% dự toán).
Bội chi NSNN năm 2017 được điều hành trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định (174,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,48% GDP thực hiện). Trên cơ sở kết quả thu và cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai và sử dụng nguồn lực tại chỗ theo quy định, cân đối NSTW và các địa phương cơ bản được đảm bảo.
Năm 2018, giữ bội chi 3,7% GDP
Bước sang năm 2018, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết số 07/-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN và nợ công theo hướng an toàn, bền vững; các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2018.
Ưu tiên các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội; đẩy mạnh cải cách khu vực sự nghiệp công, tinh giản biên chế; tăng cường cải cách thủ tục hành chính. Quản lý, sử dụng triệt để tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực NSNN, song song với huy động tối đa các nguồn lực tài chính khác để thúc đẩy phát triển KT-XH.
Năm 2018, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục điều hành chính sách tài khóa thận trọng; phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển SX-KD, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; quyết liệt công tác thu ngân sách; quản lý chi ngân sách chặt chẽ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính:
Bám sát Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN và nợ công theo hướng an toàn, bền vững, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về thuế theo hướng cơ cấu lại nguồn, đảm bảo tính trung lập của thuế, tăng cường vai trò chủ đạo của NSTW.
Tăng cường công tác thu, tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc quản lý thu, nhất là khu vực kinh tế phi chính thức, mở rộng cơ sở thuế, quản lý chặt chẽ giá tính thuế; chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN; phấn đấu tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao.
Tổ chức điều hành dự toán chi NSNN tích cực, chủ động, chặt chẽ, tiết kiệm, đúng dự toán được giao và khả năng thu NSNN. Hạn chế mua sắm ô tô công và trang thiết bị đắt tiền. Hạn chế chi ứng trước và chuyển nguồn dự toán sang năm sau. Giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội đã quyết định (3,7%GDP); phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi NSNN.Các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và nguồn lực tại chỗ để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, các nhiệm vụ cấp thiết phát sinh theo quy định và xử lý cân đối NSĐP trong trường hợp cần thiết.
Triển khai huy động vốn theo kế hoạch; tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài. Phấn đấu đến cuối năm 2018, dư nợ công khoảng 63,9%GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,5% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6%. Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng bền vững.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: "Bước sang năm 2018, năm bản lề của kế hoạch tài chính - ngân sách 5 năm 2016-2020, dự báo tình hình sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức cả từ môi trường quốc tế và nội tại của nền kinh tế. Trên tinh thần chủ đề điều hành năm 2018 của Chính phủ là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Báo cáo “Đánh giá công tác thực hiện nhiệm vụ tài chính-NSNN năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính- NSNN năm 2018” đã đề ra 09 nhóm giải pháp để thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2018. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bộ Tài chính sẽ bám sát tình hình thực tiễn để điều chỉnh bổ sung những giải pháp điều hành phù hợp để đạt được kết quả cao nhất đáp ứng yêu cầu về tài chính ngân sách, an toàn nợ công đảm bảo an ninh tài chính quốc gia". |