Nhiều vụ lừa đảo, “xù nợ” được phát hiện và phanh phui trên các mặt báo trong năm 2013, khiến ít nhất 5,000 tỷ đồng của các ngân hàng ra đi và khó có đường quay trở lại.
Thay thế vị trí quán quân về tổng thiệt hại liên quan đến lừa đảo xảy ra tại các ngân hàng trong năm 2012 của Agribank, đến năm 2013 tên tuổi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) gây nhiều ấn tượng khi hơn 1,000 tỷ đồng có nguy cơ “một đi không trở lại”. Đặc biệt là vụ lừa đảo của một số cá nhân gây hậu quả thiệt hại hơn 1,000 tỷ đồng cho 3 ngân hàng, trong đó VDB Đắc Lắc – Đắc Nông mất mát 430 tỷ đồng. Trong vụ lừa đảo này, nhờ sự giúp sức của chính nhân viên ngân hàng khiến các nhà băng dễ dàng bị qua mặt. Hai nhà băng còn lại bị lừa là Ngân hàng Phương Đông (OCB) và Ngân hàng Nam Á (NamABank) lần lượt 530 tỷ và 50 tỷ đồng. Trong vụ việc này, 13 bị can đã bị đề nghị truy tố ra trước pháp luật.
Bên cạnh đó, VDB còn dính vào vụ xù nợ đình đám tại CTCP Chế biến Thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) khi vị Chủ tịch cũ của công ty đã bay ra nước ngoài và để lại khoản nợ 1,600 tỷ đồng. Trong đó, VDB đã cho Thực phẩm Phương Nam vay đến 341 tỷ đồng. Nguyên lãnh đạo ngân hàng tại khu vực Cần Thơ cùng hàng loạt các nhân viên khác đã bị đề nghị truy tố. Vụ án này cùng kéo theo hàng loạt nạn nhân từ các ngân hàng khác, trong đó có Ngân hàng An Bình (ABBank), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank – LPB)… khiến một số lãnh đạo và nhân viên dính vào vòng lao lý. Trong đó, LienVietPostBank đã cho Thực phẩm Phương Nam vay 329 tỷ đồng, dư nợ của ABBank cũng gần 80 tỷ đồng.
Thiệt hại tại các ngân hàng được phát hiện trong năm 2013 ĐVT: tỷ đồng |
Vị trí á quân mất mát tiền của không ai xa lạ ngoài ông lớn Agribank, là nhân tố có tần suất xuất hiện nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông về số lượng vụ lừa đảo với thiệt hại 791 tỷ đồng. Agribank cũng có mặt trong vụ Thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) với số tiền cho vay 548 tỷ đồng.
Trong một vụ án khác, một số lãnh đạo và nhân viên của Agribank bị quy tội vi phạm quy định về cho vay và lợi dụng chức vụ. Cụ thể, Nguyên Chủ tịch CTCP BĐS Đại Phương Uyên đã lập công ty “ma” với nhiều giấy chứng nhận nhà đất giả và nhờ mối quan hệ quen biết đã dễ dàng được nhân viên tín dụng, lãnh đạo Agribank Chi nhánh 3 xét duyệt. Thiệt hại của Agribank trong vụ lừa đảo này cũng không nhỏ với 111 tỷ đồng bị chiếm đoạt.
Uy tín của ông lớn Agribank còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong vụ tranh chấp 50 tỷ đồng với Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Vietbank). Theo đó, các chi nhánh Agribank Phú Mỹ Hưng và An Sương – Tp.HCM đã phát hành các tín thư trị giá hàng trăm tỷ đồng bảo lãnh cho doanh nghiệp vay Vietbank. Mặc dù Tòa đã tuyên 2 bản án nhưng Agribank vẫn không thi hành án. Đối phó trước sự “chây ỳ” của Agribank, Vietbank đã kiến nghị cần phải thi hành 2 bản án ngay và có thể kê biên trụ sở Agribank khi cần thiết.
Năm 2013 cũng là năm phát hiện nhiều vụ lừa đảo liên quan đến Ngân hàng Phương Đông (OCB) với tổng số tiền ra đi chưa biết ngày trở lại lên đến 723 tỷ đồng. Trong đó, khoản tiền bị lừa đảo lớn nhất là 530 tỷ đồng tại cùng vụ việc với VDB Đắc Lắc – Đắc Nông và NamABank. Ngoài ra, OCB còn dính đến một đại gia ngành thép khi cho Công ty TNHH Công ty Thái Sơn vay 100 tỷ đồng. Công ty này đã chiếm đoạt của OCB và 6 ngân hàng khác tổng cộng 433 tỷ đồng bằng cách xóa dấu ký hiệu trên sắt thép để gian dối trong việc bàn giao tài sản thế chấp với ngân hàng; ký các hợp đồng, hóa đơn giá trị gia tăng, biên bản giao nhận… khống để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thông tin mới nhất, OCB cho biết, đối với vụ việc VDB Đắc Lắc – Đắc Nông, Viện kiểm soát đã có quyết định trả số tiền 449 tỷ cho ngân hàng (Quyết định 32/QĐ-VKS ngày 27/07/2012) và chuyển vật chứng là 511 tỷ đồng về Cục thi hành án để bảo đảm việc thực thi (Quyết định 39/QĐ-VKS-P1 ngày 27/05/2013). Còn vụ Công ty Thái Sơn, đơn vị này xác nhận sẽ trả 10 tỷ đồng cho OCB, ngân hàng cho biết thêm tài sản cầm cố là nhà máy đóng tàu trị giá 500 tỷ vẫn trong giai đoạn xử lý để trả cho các bên liên quan.
Không chỉ dừng lại ở đó, OCB đang khởi kiện Công ty Trường Ngân trong vụ tranh chấp kho hàng cà phê với 6 ngân hàng khác. Tổng khoản nợ của Trường Ngân tại 7 ngân hàng được xác định khoảng 600 tỷ đồng, trong đó vay OCB hơn 93 tỷ đồng và một số ngân hàng khác như Techcombank, MBB, Maritimebank (MSB)... Sự việc ngày càng đình đám khi những ngân hàng dính vào công ty này đã đến tranh giành nhau kho hàng chỉ có giá trị bằng một phần nhỏ số nợ trên do… trộn lẫn rác trong hàng hóa. Mặc dù đã có quyết định Toàn án Quận 4, Tp.HCM trong tranh chấp giữa OCB và Trường Ngân nhưng hiện vụ án này vẫn đang được chuyển hồ sơ xem xét hình sự.
Không chỉ bị thiệt hại trong các vụ do bên ngoài lừa đảo, tại nhiều trường hợp khác, thanh danh của ngân hàng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi người lừa đảo chính là nhân viên ngân hàng và nạn nhân lại là những khách hàng gửi tiền hoặc sử dụng dịch vụ của ngân hàng. Điển hình là nghi án BIDV đã không thực hiện khấu trừ số tiền theo quyết định của cơ quan thi hành án đối với tài khoản của CTCP Bê tông ly tâm Dung Quất, vụ phó phòng giao dịch Vietcombank (VCB) bắt tay để hưởng hoa hồng 3% trên tổng số tiền được vay và vụ sổ tiết kiệm của một cá nhân tại Ngân hàng VIBank đột nhiên bốc hơi 1.4 tỷ đồng.
Trong năm trước (năm 2012), thị trường tài chính nói chung cũng như các ngân hàng nói riêng đã chứng kiến ít nhất hơn 12,000 tỷ đồng “bốc hơi” sau các chiêu trò lừa đảo, trong đó gây rúng động nhất là phi vụ Huỳnh Thị Huyền Như và sai phạm liên quan đến Agribank cùng Công ty cho thuê tài chính 2 (ALC II) – Công ty con của Agribank. Cộng với số tiền mất mát kể trên cho năm 2013, như vậy, chỉ trong vòng 2 năm 2012-2013 hàng loạt các vụ lừa đảo và xù nợ liên quan đến các tổ chức tín dụng được phanh phui trên các mặt báo với số tiền ra đi ít nhất 17,000 tỷ đồng, gần 2/3 gói cứu trợ dành cho thị trường bất động sản. Đặc biệt, nếu tính cả hai năm, tổng thiệt hại của Agribank bỏ xa các nhà băng khác và lên đến gần 5,200 tỷ đồng.
Và nguyên nhân mất mát không chỉ riêng phía các cá nhân, tổ chức lừa đảo mà còn có sự góp sức không nhỏ của chính các vị lãnh đạo, nhân viên ngân hàng!
Cũng trong năm 2013 này đã xuất hiện mức hình phạt cao nhất là tử hình liên quan đến lừa đảo tại ngân hàng. Hai bị cáo, trong đó có ông Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng giám đốc ALCII) đã bị tuyên án tử hình trong vụ đại án tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính ALC II gây thiệt hại hơn 530 tỷ đồng cho Nhà nước được phát hiện trong năm 2012.
Đan Thanh