Theo các chuyên gia, Mỹ đang thức hiện những biện pháp mới mang tính nhỏ lẻ để nhằm vào các hãng truyền thông hay công ty phần mềm Nga.
Căng thẳng ngoại giao Nga - Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thì Washington lại tiếp tục có thêm những động thái được cho là “đổ thêm dầu vào lửa”. Đáng chú ý, những biện pháp mới của Mỹ mang tính nhỏ lẻ như nhằm vào các hãng truyền thông hay công ty phần mềm Nga.
Ngày 11/9, trang tin tức RT của hãng thông tấn Russia Today thuộc chính phủ Nga đưa tin, Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu Russia Today đăng ký hoạt động với tư cách một hãng đại diện nước ngoài theo Luật Đăng ký Đại diện Nước ngoài (FARA), một điều luật có từ thời Chiến tranh Lạnh.
Nếu Russia Today không tuân thủ yêu cầu này, các nội dung của RT sẽ bị xem là nhằm mục đích tuyên truyền cho Nga thay vì đưa tin thông thường.
Yahoo News cũng cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra đài Sputnik của Nga và có thể cũng sẽ yêu cầu Sputnik tuân thủ chặt chẽ FARA.
Mỹ tung “tiểu xảo” chống Nga
Đặc biệt, ngày 13/9, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã yêu cầu mọi cơ quan nhà nước phải ngừng sử dụng các sản phẩm của Kaspersky Lab do lo ngại công ty chuyên về an ninh mạng có trụ sở tại Moscow này có quan hệ với tình báo Nga và đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ.
Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Elaine Duke đã chỉ thị cho tất cả các văn phòng của chính phủ phải gỡ bỏ hoặc thay thế bất cứ phần mềm chống tin tặc nào của công ty Kaspersky trong vòng 90 ngày.
Bà Duke tuyên bố, Bộ An ninh Nội địa quan ngại về mối quan hệ giữa một số quan chức Kaspersky với tình báo Nga và các cơ quan chính phủ khác. Bà cũng bày tỏ quan ngại rằng các cơ quan tình báo Nga có thể dựa vào pháp luật để yêu cầu hoặc ép buộc sự hỗ trợ từ Kaspersky.
Quyết định này của chính phủ Mỹ thể hiện một cách rõ ràng phản ứng mạnh mẽ trước những gì mà các cơ quan tình báo Mỹ gọi là mối đe dọa về an ninh đến từ không gian mạng của Nga, đặc biệt là sau hàng loạt cáo buộc liên quan đến việc Nga sử dụng mạng để can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Kaspersky Labs nhanh chóng phản pháo và bác bỏ các cáo buộc này và cho rằng những quan chức Mỹ đang hiểu nhầm về luật chia sẻ dữ liệu của Nga.
Trong một tuyên bố của mình, Kaspersky Lab khẳng định rằng công ty không giúp sức cho bất kỳ hoạt động tình báo nào, kể cả của chính phủ Nga.