Mỹ thừa nhận tài trợ điều tra “Hồ sơ Panama”

Hoàng Kim| 08/04/2016 22:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 8/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner thừa nhận, Chính phủ Mỹ thông qua cơ quan USAID tài trợ cho các nhà báo tham gia thực hiện điều tra vụ bê bối “Hồ sơ Panama”.

Mỹ thừa nhận tài trợ điều tra “Hồ sơ Panama”

Chính phủ Mỹ thông qua USAID tài trợ cho các nhà báo để điều tra thông tin của Hồ sơ Panama

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Washington, ông Mark Toner – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chính phủ Mỹ thông qua Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ cho các nhà báo để điều tra thông tin của Hồ sơ Panama. Không chỉ nhận kinh phí từ chính phủ Mỹ, những nhà báo trong cuộc điều tra này còn nhận kinh phí từ các nguồn khác nhau. Tuy nhiên, “hoạt động này không nhằm theo dõi quốc gia hay nhân vật cụ thể, mà thực hiện điều tra báo chí độc lập”, ông Toner cho biết thêm.

Ông cũng khẳng định, Washington không hề biết trước về quá trình cũng như kết quả cuộc điều tra vì họ không can thiệp vào công việc của các nhà báo.

Trước đó, hơn 370 nhà báo thuộc Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), tới từ hơn 100 tổ chức truyền thông, thuộc hơn 80 quốc gia, đã tiến hành một cuộc điều tra hơn 11,5 triệu tài liệu về hoạt động trốn thuế, rửa tiền của các ông lớn trên thế giới được lấy từ công ty luật Mossack Fonseca ở Panama. Cuộc điều tra này được cho là tốn kém nhất trong lịch sử báo chí thế giới và thu được những kết quả chấn động toàn cầu.

Số hồ sơ trên được giới truyền thông gọi là ‘Hồ sơ Panama”, đã hé lộ những thông tin chấn động về một mạng lưới công ty ma khổng lồ, giúp giới siêu giàu thế giới rửa tiền, trốn thuế. Đây được coi là vụ rò rỉ thông tin tài chính lớn nhất trong lịch sử.

Theo Hồ sơ Panama, có tới hàng trăm tên tuổi nổi tiếng, doanh nhân, các chính trị gia có quyền lực trên thế giới liên quan tới hoạt động rửa tiền, trốn thuế. Mỗi ngày, những cái tên trong danh sách này lại dài ra.

Mỹ thừa nhận tài trợ điều tra “Hồ sơ Panama”

Thủ tướng Anh David Cameron bị yêu cầu xem xét từ chức sau vụ Hồ sơ Panama

Ngày 7/4, trả lời phỏng vấn trên ITV News, Thủ tướng Anh David Cameron thừa nhận việc đã bán cổ phần của mình trong quỹ đầu tư nước ngoài Blairmore Holdings của người cha quá cố, với giá khoảng 30.000 bảng Anh (hơn 42.000 USD theo tỉ giá hiện hành). Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, quỹ của cha mình không phải được thành lập để tránh thuế và ông không có gì để che giấu về vấn đề tài chính của mình. Nhưng, lãnh đạo đảng đối lập tại Anh đã lên tiếng yêu cầu Thủ tướng Anh David Cameron cân nhắc từ chức vì vấn đề này.

Trước đó, Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson cũng đã xin từ chức sau khi “Hồ sơ Panama” rò rỉ. Hồ sơ này chỉ ra rằng, ông Gunnlaugsson và vợ, Anna Sigurlaug Palsdottir đã sở sở hữu một công ty nước ngoài ở Quần đảo Virgin thuộc Anh (British Virgin Islands) và đã chuyển hàng triệu USD vào đây.

Cũng trong ngày 7/4, thẩm phán liên bang Argentina, Federico Delgado đã yêu cầu tiến hành điều tra Tổng thống đương nhiệm Mauricio Macri. Ông Delgado đã yêu cầu điều tra vai trò của ông Macri trong 2 công ty Fleg Trading, có trụ sở tại Bahamas và công ty Kagemusha tại Panama. 2 công ty này được cho là tham gia trốn thuế và rửa tiền. Tuy vậy, không thấy ông Macri khai báo tài sản của 2 công ty này trong báo cáo thuế hằng năm.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ thừa nhận tài trợ điều tra “Hồ sơ Panama”