Mỹ nên cẩn thận với những động thái “bất thường” của Triều Tiên

Hà Kim| 12/06/2017 14:46
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vừa qua Triều Tiên đã bắn 4 quả tên lửa chống hạm mới ra vùng biển phía đông nước này. Theo các chuyên gia đánh giá, loại vũ khí mới này sẽ đem đến mối nguy hiểm tiềm tàng cho các tàu hải quân Mỹ và Hàn Quốc.

Ngày 10/6, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA tuyên bố, nước này đã phóng thử thành công “tên lửa hành trình chống hạm từ mặt đất” hôm 8/6. Hành động này không có gì mới, tuy nhiên, điểm khác biệt là loại vũ khí lần này là “Tên lửa hành trình chống hạm”, bay được đoạn đường khoảng 200km.

Theo các chuyên gia, quả tên lửa diệt hạm của Triều Tiên có uy lực mạnh đến mức xuyên thủng một tàu chiến cũ được đặt làm bia tập bắn. Được biết, trước đó Triều Tiên đã công bố hình ảnh từ khoảng cách gần, quả tên lửa khai hỏa từ bệ phóng trên mặt đất và đánh trúng một tàu chiến giả làm tàu địch ở biển Nhật Bản, khiến mục tiêu bốc cháy và tỏa khói đen mù mịt. Quả tên lửa sau đó bay thêm được một đoạn nữa mới phát nổ.

Mỹ nên cẩn thận với những động thái “bất thường” của Triều Tiên

Tên lửa chống hạm mới do Triều Tiên sản xuất

Đây là một mối đe dọa rõ ràng nhằm vào các tàu sân bay Mỹ đang hoạt động ở tây Thái Bình Dương. Có vẻ như Triều Tiên dường muốn ngầm tuyên bố với Mỹ rằng, “Mỹ có thể bị đánh bại”. Thực sự, đây là một thông điệp mà Mỹ không thể phớt lờ.

Tới nay, dù kém hơn so với Trung Quốc và Nga, nhưng sức mạnh tên lửa chống hạm của Triều Tiên đang ngày càng được cải thiện. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng khẳng định, tên lửa của Bình Nhưỡng đủ sức đánh chìm bất kỳ hạm đội tàu chiến nào có ý định tấn công Triều Tiên.

Theo các chuyên gia vũ khí, tên lửa chống hạm mới của Triều Tiên có 4 ống phóng, xuất hiện lần đầu cùng nhiều loại vũ khí hiện đại trong cuộc duyệt binh ngày 15/4, kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố lãnh tụ Kim Nhật Thành. Thế hệ tên lửa mới của Triều Tiên được trang bị động cơ dùng nhiên liệu rắn, nên chúng có thể được đưa ra khỏi hầm sâu trong núi và phóng đi chỉ trong vòng vài phút.

Đáng chú ý nhất là các tên lửa mới của Triều Tiên đều hoạt động hiệu quả, không giống thế hệ trước đa phần nổ tung hay rơi xuống biển quá sớm trong những đợt thử nghiệm.

Trước đây, động cơ tên lửa Triều Tiên dùng nhiên liệu lỏng nên phải mất nhiều giờ liền châm nhiên liệu, cho phép Mỹ có thời gian đánh phủ đầu. Nhưng nay, nhiên liệu rắn được gắn sẵn trong thân tên lửa ngay trong nhà máy nên thời gian chuẩn bị rút ngắn từ vài giờ xuống vài phút. Đây là điều đáng lo ngại vì Mỹ sẽ có rất ít thời gian để cảnh báo và chuẩn bị đánh chặn tên lửa Triều Tiên.

Ông John Schilling - Kỹ sư hàng không Mỹ, chuyên gia về chương trình tên lửa Triều Tiên kết luận, Bình Nhưỡng đủ khả năng triển khai tên lửa động cơ nhiên liệu rắn trong năm nay, sớm hơn nhiều so với dự đoán trước đây của ông là phải thêm 5 năm nữa.

Bên cạnh đó, trên tờ Wall Street Journal, ông Henry F. Cooper, cựu Giám đốc tổ chức Sáng kiến phòng thủ chiến lược Mỹ cho rằng, tốc độ phát triển tên lửa của Triều Tiên đang rất nhanh và mạnh. Ông đưa ra cảnh báo về các thiệt hại có thể xảy ra nếu như vũ khí hạt nhân của Triều Tiên phát nổ tầm cao.

Ông cho biết, một quả bom hạt nhân chỉ cần phát nổ ở độ cao khoảng 65 km trên không trung và cách mục tiêu hàng trăm kilomet vẫn có thể gây ra hàng loạt hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, năm 2004, Nga từng tiết lộ Triều Tiên đã nắm được các thiết kế vũ khí xung điện từ (EMP) hạt nhân. Các nghiên cứu khi đó chỉ ra rằng, EMP hạt nhân sẽ không tàn phá mặt đất nhưng xung điện từ sẽ vô hiệu hóa nhiều thiết bị điện tử quan trọng trên không lẫn dưới đất.

Ông Henry nhấn mạnh, mặc dù hiện nay, Triều Tiên chưa đủ khả năng phát động tấn công EMP, nhưng cách này có lẽ sẽ là một lựa chọn mang tính thực tế của Bình Nhưỡng vì nó không đòi hỏi độ chính xác quá cao. Ông cho biết, các nghiên cứu chỉ ra rằng, ngay cả một đầu đạn hạt nhân kích nổ ở độ cao 30 km cũng có thể làm mất tín hiệu của mạng lưới điện bờ Đông, nơi cung cấp điện cho phần đông dân số và tạo ra 75% điện năng của Mỹ.

Qua đây, ông bày tỏ lo ngại các vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên và phát nổ trên không. Theo ông, đây rất có thể là một vụ diễn tập chứ không phải một vụ phóng thử tên lửa thất bại như người ta thường nghĩ. Vì thế, ông nhận định, Mỹ và Hàn Quốc cần nhanh chóng đảm bảo hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và củng cố mạng lưới điện đủ sức trụ được EMP càng sớm càng tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ nên cẩn thận với những động thái “bất thường” của Triều Tiên