Ngày 17/3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố, nếu Bình Nhưỡng tiếp tục gia tăng mối đe dọa từ chương trình vũ khí hạt nhân thì rất có thể Mỹ và Hàn Quốc sẽ xem xét tới “hoạt động quân sự”.
Trong chuyến công du kéo dài 2 ngày tới Hàn Quốc, hôm 17/3, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã tới căn cứ không quân Osan ở Pyeongtaek, cách Seoul 70 km về phía Nam. Trong cuộc họp với quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn, Ngoại trưởng Tillerson khẳng định, mối quan hệ đối tác an ninh hai nước. Phát biểu tại Seoul trong khuôn khổ chuyến công du này, Ngoại trưởng Tillerson tuyên bố, nếu Triều Tiên tiếp tục có các hành động đe doạ đến các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc, rất có thể phía Mỹ sẽ xem xét lựa chọn quân sự. “Nếu họ (Bình Nhưỡng) tiếp tục gia tăng các mối đe dọa từ chương trình vũ khí của mình lên mức độ mà chúng tôi tin rằng cần phải có hành động, thì điều này sẽ là một lựa chọn để xem xét”, ông Tillerson nói.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ không muốn mọi việc trở thành xung đột quân sự.
Có thể Mỹ và Hàn Quốc sẽ xem xét tới “hoạt động quân sự” để đối phó với Triều Tiên
Kịch bản “cuộc chiến 3 giai đoạn”
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Sputnik, nhà phân tích chính trị, chuyên gia về Triều Tiên - Dmitry Verkhoturov đã đưa ra dự đoán về những biến cố sẽ xảy ra nếu Mỹ quyết phát động chiến dịch quân sự chống lại Triều Tiên. Theo dự đoán này, chuyên gia người Nga này đã đưa ra một kịch bản chiến tranh gồm 3 giai đoạn mà Lầu Năm Góc có thể sẽ cân nhắc.
Theo nhận định của ông Verkhoturov, giai đoạn đầu, rất có thể Mỹ sẽ triển khai cuộc chiến bằng các vũ khí siêu thanh có độ chính xác cao, nhằm vào các cơ sở hạ tầng quân sự quan trọng nhất. Trong nhận định này, ông Verkhoturov đặc biệt chú ý đến những sự lựa chọn động lực học” (kinetic) gồm các loại vũ khí có sức công phá cao, như bom BLU-113 - từng Không lực Mỹ sử dụng tại Iraq, hay loại tên lửa siêu thanh X-51A Waverider – từng được thử nghiệm trong một chiến dịch năm 2013, mà chính quyền ông Trump sẽ áp dụng.
Cũng theo nhận định của chuyên gia này, nếu phải áp dụng các hành động quân sự, chắc chắn Mỹ sẽ tung ra chiến lược quân sự mới nhất với tên “Thúc đẩy tấn công toàn cầu” (PGS). Chiến lược này có thể phát động một cuộc không kích sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác, vào bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới trong vòng một giờ.
“Chiến dịch này nếu được áp dụng thành công với Triều Tiên, Mỹ sẽ cho cả thế giới thấy sức mạnh siêu cường không thể chống lại”, ông Verkhoturov nói.
Giai đoạn thứ 2 sẽ là một cuộc không kích ồ ạt của phi cơ chiến đấu F-22, ông Verkhoturov dự đoán. Hiện có ít nhất 4 chiếc F-22 đã được chuyển tới Hàn Quốc. Cũng theo dự đoán của ông Verkhoturov, nếu Mỹ áp dụng cuộc tấn công trên, nhiều khả năng hệ thống phòng không của Triều Tiên sẽ không chống lại được. Và các lực lượng của Mỹ sẽ dễ dàng phá huỷ được được hệ thống điều khiển của Triều Tiên.
Giai đoạn cuối cùng sẽ là sự xuất hiện bất ngờ của một số lực lượng chiến đấu mặt đất tinh nhuệ, để kiểm soát các nhân vật lãnh đạo chính trị và quân sự của Triều Tiên.
Sức mạnh tên lửa của Triều Tiên
Sáng 19/3, thông tấn xã trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, nước này đã thử thành công động cơ tên lửa đẩy mới phát triển tại bãi thử Tongchang-ri do Học viện quốc phòng phát triển. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã trực tiếp giám sát vụ thử nghiệm loại động cơ tên lửa.
Tính đến thời điểm này, Triều Tiên đã tiến hành 5 cuộc thử hạt nhân và một loạt vụ phóng tên lửa
Tính đến thời điểm này, Triều Tiên đã tiến hành 5 cuộc thử hạt nhân và một loạt vụ phóng tên lửa. Ông Kim Jong Un từng tuyên bố, Triều Tiên cần tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân để xác định sức công phá của loại đầu đạn hạt nhân mới được thu nhỏ thành công và tăng cường khả năng tấn công hạt nhân.
Về sức mạnh của Triều Tiên, chuyên gia Verkhoturov cũng nhận định, Triều Tiên không phải là Iraq hay Libia, và không hề dễ dàng bị đánh gục. Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với sự chống trả ngoài dự đoán từ Bình Nhưỡng. Ông cho biết, Triều Tiên có một hệ thống hầm trú ẩn ngầm rất lớn và không thể bị phá hủy, để đối phó với các cuộc không kích, đã được xây dựng từ hơn 50 năm trước sau Chiến tranh Triều Tiên. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng có đơn vị chỉ huy dự phòng, trong trường hợp các cơ quan đầu não bị tấn công, những đơn vị này sẽ phát huy tác dụng.
Hơn nữa, Triều Tiên có các thủ tục đặc biệt để chuyển giao quyền lực và kế hoạch hoạt động độc lập trong chiến tranh. Đặc biệt, Bình Nhưỡng có khả năng phát động chiến dịch không kích phòng thủ và trả đũa nhanh với loại tên lửa nhiên liệu rắn.
Từ những nhận định trên, chuyên gia Verkhoturov cho rằng, việc Washington tiêu diệt được hệ thống điều khiển của Triều Tiên, các vị trí chỉ huy, các điểm tập kết tên lửa đạn đạo… là không cao.
Như vậy, xét về sức mạnh quân sự và lực lượng thì Mỹ và Triều Tiên là cân bằng.
Cuộc xung đột nói trên không những chỉ tác động tới Mỹ và Triều Tiên mà bên cạnh đó, nó sẽ ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế Hàn Quốc và Nhật Bản. Vì thế, ông Verkhoturov kết luận, “hoạt động quân sự” mà Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đề cập tới có lẽ không nên xem xét tới. “Hy vọng Mỹ sẽ có cách tiếp cận mới với vấn đề này’, ông nói.