Cần nhắc lại với Nga rằng Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung có tác động qua lại, và Washington có thể phản ứng lại bất kỳ sự vi phạm nào của Moscow”, Reuters dẫn lời ông chủ Lầu Năm Góc tương lai.
Trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ ngày hôm qua (04/02), ông Ashton Carter, người được Tổng thống Barack Obama chỉ định trở thành tân Bộ trưởng Quốc phòng đã phát biểu: Nga cần được nhắc lại rằng thỏa thuận kiểm soát vũ khí thời kỳ Chiến tranh lạnh có tác động qua lại, và rằng Washington có thể phản ứng lại bất kỳ sự vi phạm nào của Moscow.
Ông Ashton Carter, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, nhiều khả năng sẽ trở thành ông chủ mới của Lầu Năm Góc nếu được Thượng viện phê chuẩn. Theo ông, Mỹ có một loạt hành động có thể thực hiện, bao gồm phòng thủ và đánh chặn, nếu Nga vi phạm Hiệp ước.
Ông Ashton Carter, cựu Thứ trưởng Quốc phòng, nhiều khả năng sẽ trở thành ông chủ mới của Lầu Năm Góc
“Tôi nghĩ chúng ta phải nhắc Nga nhớ rằng Hiệp ước INF có tác động qua lại lẫn nhau. Nếu người Nga không muốn có hiệp ước đó, thì khi đó người Nga cũng không bị ràng buộc bởi các giới hạn trong hiệp ước này, và chúng ta cũng vậy”, Reuters dẫn lời tân Bộ trưởng Quốc phòng tương lai.
Từ lâu, Washington và Moscow đã nghi ngờ lẫn nhau trong trách nhiệm thực hiện các cam kết của Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Theo Hiệp ước này, Nga và Mỹ cùng loại trừ các tên lửa hạt nhân, tên lửa đạt đạo phóng từ mặt đất và tên lửa hành trình có tầm bắn từ 500 - 5.000 km (300 - 3.400 dặm).
Mỹ cho rằng các cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình phóng từ mặt đất của Moscow đã vi phạm Hiệp ước INF năm 1987. Còn Nga thì lại cáo buộc việc Washington tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và những vũ khí tầm trung khác là một sự vi phạm hiệp ước INF.
Quan hệ giữa hai nước đang ngày càng trở nên giá lạnh kể từ sau Chiến tranh lạnh do vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Cũng trong phiên điều trần, ông Carter bày tỏ việc ủng hộ trang bị cho Ukraine để giúp nước này có thể “phòng vệ, chống lại các cuộc tấn công của lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn”. Tuy nhiên, sau đó, ông cũng cảnh báo trọng tâm của chính sách vẫn phải duy trì áp lực về mặt kinh tế và chính trị đối với Moscow.