Sau những ngày vui Xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc người dân vùng ven biển lại bước vào vụ mùa cào ốc gạo...

Những ngày này, người dân vùng biển xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam lại tất bật vào mùa vụ cào ốc gạo (ốc ruốc). Mùa ốc gạo bắt đầu từ tháng Giêng cho đến tháng 4 Âm lịch. Cứ sau những ngày vui Tết là bà con nơi đây bắt đầu bằng công việc đi cào ốc gạo kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết: “Nhìn chung năm nay cào ốc gạo được mùa hơn so với các năm trước. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho người dân và nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình”.

Từ tờ mờ sáng đã có rất nhiều người dân vùng biển xã Tam Tiến trên tay với chiếc vợt đang cặm cụi cào ốc gạo dưới lớp cát biển, mặc cho những cái lạnh thấu xương hay cơn sóng biển đánh mạnh vào người.

Đã nhiều năm mưu sinh bằng nghề cào ốc gạo chị Nguyễn Thị Nhân, trú xã Tam Tiến cho biết, cào ốc gạo không cần mua sắm dụng cụ gì, chỉ đơn giản chuẩn bị một cây vợt là có thể đi cào ốc.

Mùa ốc gạo

Từ tờ mờ sáng những bóng dáng người dân cào ốc gạo đã xuất hiện trên biển xã Tam Tiến.

“Nghề cào ốc gạo nhìn vào tuy đơn giản nhưng đòi hỏi người cào ốc phải có sức khỏe vì khi cầm cào thường bị sóng biển đánh mạnh vào. Ốc gạo thường ở nơi nước biển nông, người cào ốc chỉ cần cầm vợt chỉa mỏng xuống dưới lớp cát biển rồi đi thẳng về phía trước. Đến khi nào có cảm giác nặng thì vớt lên sàn hết lớp cát sẽ thu được ốc” – chị Nhân chia sẻ.

Mùa ốc gạo bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 4 Âm lịch. Khi nước biển cạn, ốc gạo về nhiều. Thời gian đi cào ốc gạo tùy thuộc vào mực nước biển. Có khi 2, 3 giờ sáng vẫn có người đi cào, vì giờ đó ốc gạo nổi lên nhiều.
 
Theo chị Nhân, cào ốc không phân biệt lứa tuổi, nam nữ, chủ yếu người nào có sức khỏe, kiên trì đều có thể làm được. Nghề cào ốc gạo không khó nhưng phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu trời nắng to, sóng biển êm ả thì cào ốc gạo được thuận lợi, nhiều người dân đi cào ốc. Còn hôm nào sóng to, biển động thì người dân không đi hoặc ít người đi.
 
Chị Nguyễn Thị Phương, trú xã Tam Tiến cho hay, cào ốc gạo thường bắt đầu khoảng 10 giờ tối đến 4 giờ sáng hôm sau, vì thời gian này ít sóng biển lớn nên cào ốc rất dễ và được nhiều.

Mùa ốc gạo

Những con ốc gạo tươi sống được cho cẩn thận vào chậu

Trung bình mỗi ngày chị cào được gần 7 thùng ốc gạo, mỗi thùng bán với giá 100.000 đồng. Nếu bỏ thời gian phân loại ốc gạo ra thì bán giá cao gấp đôi. Nhờ vậy mà mỗi ngày chị kiếm được vài trăm ngàn từ những con ốc gạo. Số tiền đó đủ để gia đình chị trang trải cuộc sống, lo cho con cái ăn học.

Theo nhiều lái buôn ốc gạo cho biết, hàng ngày họ thường tập trung ở các bãi biển xã Tam Tiến để chờ người dân đi cào ốc gạo mang lên bán.

Giá mua ốc còn phụ thuộc vào kích cỡ ốc lớn nhỏ và thời tiết biển. Nếu hôm nào biển động mạnh ít ốc thì mua với giá cao hơn. Sau khi thu mua ở đây các lái buôn thuê xe chở đi bán lại cho các điểm mua ốc gạo ở các huyện, thành phố trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi ngày, các lái buôn mua được khoảng một tấn ốc.

Những con ốc gạo được bày bán trên đường thơm ngon, cuốn hút đòi hỏi phải thật tươi, sạch và được chế biến kỹ càng mới hấp dẫn người mua.

Trước khi luộc ốc, phải ngâm ốc gạo trong nước mặn khoảng 7 tiếng. Ốc gạo không cần luộc quá nhiều nước, đợi sôi 2 – 3 lần vớt ốc ra rồi cho vào thùng nhựa đậy nắp lại giữ cho ốc nóng lâu hơn.

Sau cùng là trộn gia vị vào. Quan trọng nhất là ở khâu chế biến gia vị. Phải nêm nếm gia vị sao cho vừa thơm, mà lại vừa miệng. Do vậy, ngoài muối, bột ngọt thì xả, ớt và gừng là các hương vị rất cần thiết tạo nên hương thơm cho ốc gạo, níu chân những ai mê món ăn dân dã này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa ốc gạo