Theo báo cáo của Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung-Tây Nguyên, trong 2 ngày qua đã có 20 người thương vong và mất tích do mưa lũ.
Ngày 3/11, theo báo cáo nhanh của Chi cục phòng, chống thiên tai miền Trung và Tây Nguyên (đóng tại Đà Nẵng), lũ hạ lưu sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum đang xuống; các sông ở Quảng Nam, từ Bình Định đến Khánh Hòa và Gia Lai đang lên. Dự báo một vài ngày tới, lũ trên các sông ở Quảng Nam, từ Bình Định đến Khánh Hòa và Gia Lai tiếp tục lên; các sông ở Hà Tĩnh đến Huế, Quảng Ngãi, Kon Tum tiếp tục xuống.
Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa và Gia Lai, Kon Tum. Đặc biệt là các huyện Tây Giang, Đại Lộc (Quảng Nam); Sơn Tây, Sơn Hà (Quảng Ngãi); Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn (Bình Định); An Khê, Ayunpa, Manggiang, Phú Thiện, IaPa (Gia Lai); Sông Cầu, Sơn Hòa, Đồng Xuân, Tuy Hòa (Phú Yên).
Thủy điện Đak Mi 4 xả lũ với lưu lượng đến 2.400m3/s
Theo dự báo, do ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ ổn định sau suy yếu kết hợp với gió đông trên cao nên từ nay đến hết ngày 4-11 ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị-Quảng Ngãi, tiếp tục có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2-3m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp nêu trên, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông, trong cơn dông cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh. Sóng biển cao từ 1.5-2.5 m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
Nhiều ngôi nhà ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) chìm trong biển nước
Các hồ chứa của các tỉnh Bắc Trung Bộ: Lượng nước trung bình đạt từ 70-90% dung tích thiết kế, một số hồ đã đạt mức cao như: Tiên Lang 101% (Quảng Bình); Trung Chi 97%, Khe Mây 97% (Quảng Trị); Hòa Mỹ 101% (Thừa Thiên Huế).
Các hồ chứa của các tỉnh Nam Trung Bộ: trung bình đạt từ 50- 70% dung tích thiết kế. Các hồ chứa của các tỉnh Tây Nguyên: Trung bình đạt từ 70-90% dung tích thiết kế.
Các hồ chứa trên 100 triệu m3 đạt mức cao: Ayun hạ 224,6/253 triệu m3 đạt 89%, Ea Soup Thượng 149,2/146,94 triệu m3 đạt 102%, Krông Buk Hạ 106,6/109,34 triệu m3 đạt 98%.
Trong ngày, các hồ thủy lợi, thủy điện trên lưu vực sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế (A Lưới, Hương Điền, Bình Điền, Trả Trạch) và trên trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn (Sông Bung 4, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2) xả lũ điều tiết theo quy trình vận hành liên hồ chứa theo Lệnh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, Thủy điện An Khê-Ka Nak trên lưu vực sông Ba xả lũ điều tiết theo quy trình vận hành.
Tại nhà máy thủy điện A Roàng, mưa lớn kéo dài đã gây sạt lở taluy dương, đất đá đã tràn vào nhà máy phát điện làm gián đoạn quá trình vận hành nhà máy. Hiện nhà máy và Bộ CHQS tỉnh đã điều động 70 cán bộ, chiến sĩ cùng vật tư, xe máy thiết bị để xử lý sạt lở, đang bơm nước ngập trong nhà máy ra ngoài.
Nhiều tuyến đường bị ngập nặng
Trên toàn miền Trung, có nhiều đoạn, tuyến đường bị ngập nặng, bị sạt lở do mưa lớn. Đặc biệt, bờ biển đoạn qua các xã Quảng Công, huyện Quảng Điền; thôn An Dương và thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận; xã Vinh Hải, Tư Hiền tiếp tục sạt lở nặng. Tại Quảng Bình, khoảng 8.000 nhà còn ngập từ 0,5-1 m, giảm 10.000 nhà; Bình Định còn 1.211 nhà bị ngập.
Mưa lũ khiến 4 người chết (Quảng Bình: 2 người; Quảng Trị: 2 người); 1 người mất tích (Quảng Bình); 15 người bị thương (Quảng Bình 13, Quảng Trị: 1, Thừa Thiên Huế: 1). Ngoài ra, có hàng trăm ngôi nhà bị sập, hư hỏng, tốc mái...; hàng trăm héc ta hoa màu bị hư hại; hàng ngàn gia súc, gia cầm gia cầm bị chết, cuốn trôi...
Quảng Bình có 3 tàu cá nhỏ (16CV và 24CV) của ngư dân xã Quảng Phú bị chìm, 1 tàu cá 24CV của ngư dân xã Quảng Hải bị trôi, hiện tại đang tìm kiếm. Tại Quảng Trị, tàu ĐNa 0494/03 thuyền viên do hỏng máy không khắc phục được đang neo đậu tại 16048’ vĩ độ Bắc, 107023’ kinh độ Đông (cách bờ biển xã Hải Khê, huyện Hải Lăng 3,8 hải lý về phía đông đông nam).
Do sóng to, gió lớn nên các phương tiện của BĐBP tỉnh không thể tiếp cận và ứng cứu được. UBQG TKCN đã điều động tàu 902 của Bộ Tư lệnh vùng 2 cảnh sát biển xuất phát từ Cửa Đại, Quảng Nam lúc 12h30’ ngày 02/11/2016 để ứng cứu người và tàu.
Quảng Ngãi có 2 tàu lớn bị chìm ngày 1-11 là tàu QNg 92084 TS, công suất 612CV, bị chìm gần cửa Lạch Bạng, tỉnh Thanh Hóa vào khoảng 06 giờ 01/11; tàu cá QNg 91062 TS/10 LĐ, công suất 315CV, bị phá nước, chìm tại toạ độ 15054’N - 109004’E.