Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao nên từ 2 đến 4/11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Tổng lượng mưa phổ biến 100-250mm, riêng các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi 250-400mm, có nơi trên 400mm.
Cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị-Quảng Ngãi, tiếp tục có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Sóng biển cao từ 2-3m. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Về tình hình lũ, trong khoảng 3-5 giờ tới, lũ hạ lưu sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt tiếp tục lên và có khả năng đạt đỉnh ở mức 10,2m, dưới BĐ3 0,7m, sau đó xuống.
Lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi tiếp tục xuống; các sông ở Quảng Nam, Bình Định tiếp tục lên. Sông Gianh tại trạm Mai Hóa xuống mức 3,5m, trên BĐ1 0,5m; Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy xuống mức 2,2m, ở mức BĐ2; Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên mức 8,0m, ở mức BĐ2; Sông Thu Bồn tại Câu Lâu lên mức 2,5m, trên BĐ1 0,5m; Sông Kôn tại Thạch Hòa lên mức 6,5m, trên BĐ1 0,5m; Các sông ở Quảng Trị, Quảng Ngãi dao động ở mức BĐ1.
Tình trạng ngập lụt nghiêm trọng tiếp tục diễn ra tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Đức Thọ (Hà Tĩnh); Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, Lệ Thủy (Quảng Bình); Cam Lộ (Quảng Trị).
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Định.
Cần đề phòng mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa trên địa bàn các tỉnh trên, đặc biệt là các hồ chứa thuộc các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1-2.
Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Quảng Bình, trong 3 ngày qua, tại Quảng Bình có mưa lớn trên diện rộng, nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn bị tràn sâu như: Sông Thai, Phú Hòa, Phú Vinh, Rào Đá, Vực Tròn, Thác Chuối; hồ thủy điện Hố Hô lưu lượng nước qua tràn 131 m3/giây, nhà máy mở 3 cửa xả.
Mưa lũ cô lập nhà dân tại Quảng Bình. Ảnh: Dương Thùy
Thống kê đến chiều 1/11, toàn tỉnh có 15.062 nhà bị ngập. Nhiều nơi bị chia cắt trong ngày 1/11 như đường 10 (xã Ngân Thủy, H.Lệ Thủy); đường vào các bản: Pơ Long, Zìn Zìn, Dốc Mây, Trung Sơn (xã Trường Sơn, H.Quảng Ninh) bị ngập, phương tiện giao thông không qua lại được. Đường Hồ Chí Minh bị ngập đoạn qua xã Phúc Trạch, QL12A, QL9B, QL15 và nhiều tuyến giao thông nội tỉnh khác bị ngập, chia cắt.
Cuối chiều qua, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Quảng Bình cho biết có 4 người bị thương; mực nước trên các sông đã đạt đỉnh và đang xuống chậm; tuy nhiên có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi.
Tại Hà Tĩnh, ngày 1/11, mưa lớn tiếp tục gây ngập lụt trên diện rộng ở các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), hơn 2.700 căn nhà bị ngập nước.
Ông Trần Đức Thịnh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Hà Tĩnh, cho biết huyện Cẩm Xuyên có hơn 850 nhà ngập sâu 0,5-1 m. Đặc biệt huyện “rốn lũ” Hương Khê có hơn 1.100 nhà dân bị ngập sâu 1-2 m và các tuyến đường liên thôn, liên xã ngập sâu 0,5-1 m.
Tại Thừa Thiên Huế, chiều 1/11, tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên – Huế, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với đới gió Đông trên cao, trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa đến rất to và dông. Một số khu vực ở xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc) bị ngập tràn, cản trở giao thông đi lại của người dân và các phương tiện.
Mưa ngập tại Thừa Thiên Huế
Theo dự báo, trên đất liền tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn tiếp tục có mưa to đến rất to, cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở các vùng núi. Hiện Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế, đã tổ chức kêu gọi tất cả tàu thuyền vào bờ, neo đậu tránh trú an toàn. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã chỉ đạo các địa phương túc trực, tích cực theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ để có phương án đối phó kịp thời.