TP Hà Nội đang rốt ráo khắc phục, tăng khả năng chịu đựng của đê. Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn thì đêm nay, địa bàn tỉnh Hòa Bình sẽ có mưa to và nước sẽ dồn về ép vào sông Bùi.
Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của mưa lớn, từ ngày 18/7 đến 22/7, trên địa bàn huyện Chương Mỹ (TP Hà Nội) có mưa to và rất to. Mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt ngày 30/7 là 7,5 m, trên báo động 3 là 0,5 m, cao hơn đỉnh lũ năm 2008 là 0,05 m. Lũ đã tràn qua các khu vực Tân Mai, Bùi Xá của thị trấn Xuân Mai; Xuân Linh, Bùi Xá của xã Thủy Xuân Tiên...
Thực hiện chỉ đạo của TP và chủ động ứng phó các sự cố đê điều, ngay trong đêm 30/7, huyện Chương Mỹ đã huy động hơn 600 người là lực lượng quân đội và nhân dân các xã: Thanh Bình, Tốt Động, Trung Hòa, Hoàng Văn Thụ, Mỹ Lương đắp đê, chống tràn 3.500m, cao 0,8m tuyến đê tả Bùi… Sau đó, huyện Chương Mỹ yêu cầu các xã có tuyến đê tả Bùi đi qua tiếp tục duy trì lực lượng ứng trực, sẵn sàng phương tiện, vật tư để triển khai các phương án ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết.
Tính đến 17h ngày 31/7, mực nước sông Bùi đạt mức 7,34m, vượt báo động III là 0,34m, giảm so với đỉnh lũ ngày 30/7 là 0,17m.
Mực nước lũ chiều nay đã dâng cao lên mức báo động 3, hơn 2km đê đoạn chạy qua xã Thanh Bình (Chương Mỹ, Hà Nội) đứng trước nguy cơ nước lũ tràn qua. Ngay sau khi nước tràn qua đê hữu Bùi, để khắc phục sự cố và sẵn sàng phòng chống vỡ đê, huyện Chương Mỹ đã huy động toàn bộ lực lượng gia cố đê tả Bùi.
Gia cố đê tả sông Bùi
Theo lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ cho biết, sau trận mưa lớn đêm 20/7, nước rút rất chậm, 3 ngày trở lại đây nước bắt đầu lên nhanh, trên mức báo động 3. Cùng với đó, theo nhận định, mực nước ở sông Bùi đoạn Yên Duyệt là 7,52m, nếu đúng như dự báo nước sẽ lên khoảng nửa mét nữa là 8m thì tình hình sẽ hết sức nghiêm trọng đối với huyện Chương Mỹ. Bởi vì nếu không giữ được đê tả Bùi thì nước sẽ vào toàn bộ huyện và đi ngược lên các khu vực sâu bên trong Hà Nội, kể cả quận Hà Đông và một số quận nội thành.
Hiện TP đang khẩn trương khắc phục, tăng khả năng chịu đựng của đê. Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn thì đêm nay, Hòa Bình sẽ có mưa to và nước sẽ dồn về ép vào sông Bùi, khả năng lên cao hơn.
Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục khảo sát toàn bộ đê Hữu Bùi, Hữu Tích và đê bao thuộc các xã của huyện Quốc Oai, Thạch Thất. Nếu nước tiếp tục lên cao, cần thiết Sở sẽ báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố phương án xả nguồn nước để giữ được đê tả Tích, tả Bùi không để ngập lụt vào nội đô cũng như cứu trợ đảm bảo cuộc sống người dân.
Với các xã bị ngập, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện thực hiện công tác cứu trợ, tập hợp nhu cầu thiết yếu.
Về tình hình thiệt hại, tính đến 17h ngày 31-7, mưa lũ xảy ra trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã làm hơn 2.420ha lúa, hoa màu, cây ăn quả, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, 1.804m tường bao bị sập đổ, sạt lở 1.885m đường giao thông nông thôn, 3.520m đường giao thông nội đồng, hư hỏng 11.910m kênh mương; ngập úng, hư hỏng 11 nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, 14 công trình tôn giáo… Mưa lũ cũng làm 3.683 ngôi nhà của nhân dân bị ngập úng, 6.083 nhân khẩu phải sơ tán, 1.298 hộ dân và 4 trạm bơm phải ngừng cấp điện...
Để nhân dân sớm ổn định cuộc sống, huyện Chương Mỹ đã hỗ trợ nhân dân các xã vùng ngập úng 7.301 thùng mì tôm, 5.051 bình nước, 1.7 31 thùng nước, 3.670 chai nước loại 1,5 lít/chai, 4.931 đôi nến, 110 đèn pin, 18.900kg gạo, 3.361 gói bột canh, 1.850 gói lương khô, 100 thùng sữa tươi… Công ty Nước sạch Hà Đông thường xuyên cung cấp nước sạch cho nhân dân vùng úng ngập.
Bên cạnh đó, các đoàn công tác các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn thành phố đã khám, chữa bệnh cho 1.544 người; cấp phát 4.688 túi thuốc xử lý vệ sinh môi trường, 8.800 tuýp thuốc chữa bệnh ngoài da, 5.740 túi thuốc tiêu độc khử trùng, 2.740 túi phèn chua xử lý nước…