Nhiều người tiêu dùng không có thói quen lấy hóa đơn, hoặc không giữ hóa đơn khi mua hàng và điều này khiến người tiêu dùng gặp bất lợi trong trường hợp cần bảo hành, khiếu nại, giải quyết tranh chấp.
Hóa đơn (hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn đỏ) không chỉ là tài liệu thể hiện giá của sản phẩm/dịch vụ (gọi chung là hàng hóa), mà còn là tài liệu nhằm ghi nhận doanh số giao dịch của doanh nghiệp và là bằng chứng chứng minh người tiêu dùng đã mua hàng hóa của người bán. Trong trường hợp phát sinh tranh chấp giữa người tiêu dùng và bên bán, thì hóa đơn là một bằng chứng quan trọng, ràng buộc trách nhiệm của bên bán đối với bên mua.
Thói quen không lấy và không giữ hóa đơn khiến NTD gặp bất lợi trong trường hợp cần bảo hành, khiếu nại, giải quyết tranh chấp
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) trên thực tế, không phải lúc nào người bán cũng cung cấp hóa đơn cho người tiêu dùng, đồng thời, một số người tiêu dùng thường không có thói quen yêu cầu cung cấp hoặc thậm chí không lưu trữ hóa đơn khi được cung cấp. Điều này đã gây ra rất nhiều bất lợi cho người tiêu dùng trong trường hợp cần bảo hành, khiếu nại, giải quyết tranh chấp,…Nếu người tiêu dùng không được cung cấp hóa đơn hoặc được cung cấp nhưng không lưu giữ hóa đơn, điều này sẽ ảnh hưởng tới không chỉ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tới nhiều đối tượng khác.
Cụ thể không có hóa đơn đồng nghĩa với người tiêu dùng không có bằng chứng giao dịch. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, khiếu nại, người tiêu dùng có thể bị từ chối. Điều này cũng gây ra khó khăn cho cơ quan bảo vệ người tiêu dùng trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, đặc biệt là trong các vụ việc về bảo hành đồ điện tử, các vấn đề về thực phẩm.
Bên cạnh đó, hành vi không cung cấp hóa đơn của người bán góp phần làm giảm tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; Nhà nước thất thu thuế.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết trên thực tế, đã có trường hợp người tiêu dùng mua tủ lạnh tại siêu thị điện máy. Nhân viên siêu thị chỉ cung cấp cho người tiêu dùng hướng dẫn sử dụng sau khi mua hàng. Sau khi dùng được 02 tháng (trong thời hạn bảo hành), tủ lạnh bị hỏng. Khi liên lạc với siêu thị điện máy, người tiêu dùng bị từ chối bảo hành với lý do sản phẩm của người tiêu dùng không liên quan đến siêu thị. Người tiêu dùng về tìm lại hóa đơn và phiếu bảo hành thì mới phát hiện ra lúc mua hàng, nhân viên không hề cung cấp các tài liệu trên cho người tiêu dùng.
Cũng có trường hợp, khi mua hàng tại siêu thị, khi thanh toán, nhân viên siêu thị có cung cấp biên lai hàng và hướng dẫn người tiêu dùng liên hệ Phòng tài chính để lấy hóa đơn. Tuy nhiên, do cảm thấy không cần thiết nên người tiêu dùng đã xé bỏ biên lai và không lấy hóa đơn. Trong quá trình sử dụng sản phẩm mua tại siêu thị, người tiêu dùng bị đau bụng do ăn phải thực phẩm kém chất lượng. Người tiêu dùng quay lại siêu thị để khiếu nại thì được đề nghị cung cấp biên lai hoặc hóa đơn mua hàng để nhân viên siêu thị có cơ sở kiểm tra. Người tiêu dùng không cung cấp được do đã xé bỏ biên lai và không lấy hóa đơn.
Hay khi đi ăn tại nhà hàng, khi thanh toán, nhà hàng chỉ xuất biên lai cho người tiêu dùng (trong đó đã có 10% thuế VAT) và trong mọi trường hợp, người tiêu dùng luôn phải thanh toán cả tiền thuế, kể cả không lấy hóa đơn. Như vậy, nếu như người tiêu dùng không lấy hóa đơn, nhà hàng hoàn toàn có thể không xuất hóa đơn. Phần tiền thuế 10%, do đó, sẽ không được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, cần phải chấm dứt tình trạng cả người bán và người mua đều bỏ qua hóa đơn. Thói quen không lấy hóa đơn vì nhiều lý do như chỉ lấy hóa đơn khi mua vật dụng cho cơ quan, không lấy hóa đơn khi mua cho bản thân, gia đình; bất tiện khi lấy hóa đơn…cần phải được chính người tiêu dùng thay đổi. Bởi hóa đơn là quyền lợi để được hưởng những chính sách sau bán hàng, và là bằng chứng đầu tiên trong giải quyết khiếu nại.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng khi mua hàng cần rà soát các tài liệu kèm theo hàng hóa đã bao gồm cả hóa đơn. Nếu chưa có, yêu cầu người bán hàng cung cấp hóa đơn. Sau khi mua hàng, cần lưu giữ hóa đơn trong suốt vòng đời sản phẩm, hoặc ít nhất là đến hết thời hạn bảo hành.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: Điều 8.2: Quyền của người tiêu dùng: Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng. |