Đêm 17/3, một trận mưa đá hiếm gặp đã bất ngờ xuất hiện tại khu vực thị trấn Nông Trường (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Hiện chưa có thống kê thiệt hại về người và hoa màu.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ ngày 16/3, mưa dông đã bắt đầu xuất hiện tại các tỉnh phía Bắc. Ngày 17/3, tại các tỉnh phía Tây Bắc Bộ ban ngày có nắng, tuy nhiên đến chiều tối nhiều khả năng mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh. Khu vực Trung du và miền núi Bắc Bộ từ Điện Biên, Lai Châu, Sơn La sang các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ và Thái Nguyên sẽ chuyển mưa dông do ảnh hưởng của khối mây ẩm.
Tại khu vực thị trấn Nông Trường (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đã xuất hiện cơn mưa kèm theo gió lốc mạnh kéo dài khoảng 20 phút, cùng thời điểm này có khoảng 7 phút xuất hiện mưa đá với những viên đá có kích thước khoảng 2cm.
Những viên đá đủ kích cỡ ở Mộc Châu
Khoảng 10 năm nay người dân Mộc Châu mới chứng kiến cảnh mưa đá khiến họ khá bất ngờ và xôn xao. Trận mưa đá xuất hiện rải rác ở diện rộng, hiện chưa có thông tin về thiệt hại lớn đến tài sản của bà con trên địa bàn.
Anh Bùi Thanh Sơn, người dân địa phương nói: "Tiếng rầm rầm trên mái nhà khiến cả gia đình tôi giật mình chạy ra xem, hóa ra là mưa đá. Ban đầu nó rơi thưa thớt, sau đó tăng dần cả về số lượng và kích thước".
"Tôi đang cố chạy xe về nhà thật nhanh nhưng từ trên cao những hạt mưa rơi xuống rất nặng và rát mặt. Mấy người đi đường hô: mưa đá, mưa đá... Lúc đó tôi mới nhìn lên ánh đèn cao áp bên đường thì thấy đúng là có những hạt mưa rất to", anh Nguyễn Tuấn ở thị trấn Nông Trường chia sẻ.
Những hạt mưa đá to nằm ngổn ngang khắp nơi
Gió lớn kèm theo mưa đá khiến nhiều người xôn xao
Những hình ảnh ghi nhận tối 17/3, tại thị trấn Nông trường Mộc Châu.
Mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng và kích thước khác nhau do đối lưu cực mạnh từ các đám mây dông gây ra. Kích thước có thể từ 5 mm đến hàng chục cm, thường cỡ khoảng một vài cm, có dạng hình cầu không cân đối. Những hạt mưa đá thường rơi xuống cùng với mưa rào. Mưa đá thường kết thúc rất nhanh trong vòng 5 -10 phút, lâu nhất cho cả một vệt mưa cũng chỉ 20 - 30 phút. Mưa đá thường xảy ra ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn. Vì vậy ở Việt Nam mưa đá có thể xảy ra ở khắp các vùng miền. và cả trong mùa hè. Riêng ở vùng núi phía bắc Việt Nam, từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm thường có mưa đá, nhiều nhất là từ tháng 3 đến tháng 5, mà nguyên nhân chủ yếu là các đợt front lạnh cực mạnh tràn về nhanh. |