Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp giúp tăng trưởng kinh tế

Bảo Lan| 25/03/2016 18:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi các chính sách của Chính phủ Việt Nam trong việc nới lỏng cho người nước ngoài được phép đầu tư và mua cổ phần của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Thậm chí đối với các DN đã niêm yết, DN Nhà nước (DNNN) cũng sẽ được quyền sở hữu từ 40 lên 80% cổ phiếu. Đây chính là cơ sở để các nhà nghiên cứu thị trường đánh giá năm 2016 sẽ là một năm sôi động với nhiều thương vụ sáp nhập và mua lại doanh nghiệp trên thị trường (gọi tắt là M&A).

Ồ ạt các thương vụ M&A

Bên cạnh các triển vọng nới lỏng mức thuế và hạn ngạch, cũng như các thủ tục đang từng bước được đơn giản hóa. Hiện nay các NĐT quốc tế đã sẵn sàng tham gia vào thị trường sôi động trong nước nhằm đón đầu một loạt các Hiệp định tự do Thương mại sẽ có hiệu lực trong thời gian tới. Vì vậy, năm 2016 sẽ là năm bản lề tạo ra bước ngoặt lớn cho toàn nền kinh tế Việt Nam và một làn sóng mới cho những thương vụ M&A. Trong đó lĩnh vực bán lẻ và cả BĐS sẽ là hai lĩnh vực sôi động nhất.

Trong lĩnh vực bán lẻ, đã có nhiều thương vụ đình đám như Tập đoàn Berli Jucker (Thái Lan) mua lại Metro Cash & Carry với giá 877 triệu USD; Lotte mua lại Diamond Plaza; Tập đoàn Dairy Farm của Singapore và Lotte Shopping của Hàn Quốc đã tham gia vào việc sở hữu hệ thống Big C và đang chờ đón thương hiệu Aeon…

Ông Yasuo Nishitohge, Tổng Giám đốc Aeon Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đang hoạt động rất hiệu quả và trong thời gian tới, chiến lược của chúng tôi là sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng thị trường của Aeon tại Việt Nam. Đồng thời tham gia vào các thương vụ M&A với một vài tập đoàn bán lẻ khác”.

Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp giúp tăng trưởng kinh tế

Dòng sản phẩm cao cấp Diamond Lotus của Phuc Khang Corp được Quỹ Genesis Global Capital đầu tư khoảng 300 triệu USD

Còn với BĐS, Tập đoàn Daibiru (Nhật Bản) mua lại phần văn phòng tòa nhà Corner Stone từ VIBank với giá trị 60,1 triệu USD; Quỹ đầu tư Tập đoàn Global Emerging Market (GEM) đầu tư 20 triệu USD vào Công ty Địa ốc Hoàng Quân (HQC); VinaCapital cũng đang sở hữu cổ phiếu của Tập đoàn Khang Điền (KDH) với tỷ lệ là 21%, tương đương 26 triệu đô Mỹ.

Mới đây nhất, Tập đoàn Greed cũng đã ký kết đầu tư 200 tỷ USD vào các dự án của tập đoàn An Gia; Quỹ đầu tư Providence (Singapore) cũng mua 30% số lượng căn hộ của dự án Diamond Lotus Lake View và Quỹ đầu tư Genesis Global Capital cũng đã ký kết mua lại 30% căn hộ thuộc dự án Diamon Lotus, cả 2 dự án đều do Phuc Khang Corp đầu tư. Ngoài ra, Quỹ đầu tư này cam kết sẽ đồng hành cùng Phuc Khang Corp trong 6 năm với tổng số tiền đầu tư tương đương 300 triệu USD.

Không chỉ các giao dịch với nhà đầu tư nước ngoài, mà các giao dịch M&A trong nước cũng tạo được sự chú ý, như Vingroup mua lại 100% cổ phần của hệ thống TTTM, siêu thị Maximark thuộc CTCP Đầu tư An Phong; mua 70% cổ phần mảng bán lẻ và quản lý BĐS của Ocean Group và đổi tên chuỗi siêu thị từ Ocean Mart thành Vinmart; Tập đoàn An Gia nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ Công ty CP BĐS Vạn Phát Hưng, với tổng giá trị chuyển nhượng hơn 73,4 tỷ đồng... Và gần đây nhất, Tập đoàn Thuduc House đã ký kết một lúc với hai đối tác chiến lược trong nước và một quỹ đầu tư nước ngoài.

Đòn bẩy cho tăng trưởng toàn diện

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với 55 nền kinh tế trên thế giới, với hơn 90% các dòng thuế suất được giảm về 0%, được xem là lợi thế lớn cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) vào Việt Nam.

Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến ngày 20/2/2016, Việt Nam đã thu hút được 291 dự án FDI cấp phép mới từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ với số vốn đăng ký đạt 1905,1 triệu USD, tăng 96,6% về số dự án và tăng 167,5% về số vốn so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 435,2 triệu USD, chiếm 22,8% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Malaysia 233,2 triệu USD, chiếm 12,2%; Hàn Quốc 202,4 triệu USD, chiếm 10,6%; Nhật Bản 160,6 triệu USD, chiếm 8,4%...

Đồng thời, có 137 lượt dự án FDI đã cấp phép từ các năm trước được cấp bổ sung vốn với 898,3 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 2803,4 triệu USD, tăng 135% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn FDI thực hiện 2 tháng đầu năm ước tính đạt 1,5 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Có thể nói, các thương vụ M&A dưới góc nhìn của nhiều người được xem như hiện tượng cá lớn nuốt cá bé, nhưng các chuyên gia kinh tế thì lại đánh giá rất cao những DN tham gia vào các thương vụ M&A. Bởi “khi thương vụ M&A thành công, còn tạo ra một giá trị nội lực hoàn toàn mới khi gia tăng lên nguồn vốn, gia tăng thêm đối tượng khách hàng, và đặc biệt là có cơ hội được tiếp cận với các phạm vi quy mô hoạt động rộng hơn, tầm cỡ hơn, với phương thức quản lý đa dạng hơn”, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đã từng nhận định.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Ree cũng đánh giá: “Việc hợp tác sẽ tạo cho các bên nguồn vốn lớn và dài hạn, giúp DN nâng cao nội lực về tài chính. Thế nên những DN hiểu được giá trị của mình, đã không ngần ngại để trở thành đối tác chiến lược theo hình thức liên doanh, liên kết”.

Việt Nam đang là một thị trường đầy tiềm năng. Tất nhiên, đây cũng là “miếng bánh” béo bở và đầy cơ hội cho những nhà đầu tư đầy quyền lực và tham vọng muốn “lấn sân” trong thời gian tới. Các thương vụ M&A thành công sẽ tạo đòn bẩy và tạo đà cho toàn nền kinh tế tăng trưởng trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp giúp tăng trưởng kinh tế