Mua bán, sử dụng “sim rác” bị xử lý như thế nào?

Phong Vân| 24/10/2021 11:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Theo Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, hành vi mua bán, sử dụng sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ (sim rác) để sử dụng cho bất kỳ mục đích gì đều vi phạm pháp luật. Hành vi này sẽ bị xử phạt từ 30-40 triệu đồng.

“Sim rác” là một khái niệm không rõ ràng, không có quy định định nghĩa, đây là cách nói “nôm” mà người dân và xã hội đề cập đến tình trạng mua bán sim có thông tin đăng ký không đúng quy định (có thông tin thuê bao không đầy đủ, không chính xác). Và, “sim rác” thường được phản ảnh liên quan đến các hệ lụy tiêu cực liên quan đến trật tự xã hội như tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác….

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang tích cực triển khai một số giải pháp nhằm xử lý triệt để tình trạng mua bán “sim rác”.

vnp_sim_rac_3.jpg
Một điểm bán sim-thẻ trên phố Kim Mã. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cụ thể, tham mưu, trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 thay thế Nghị định số 174/2013/NĐ-CP và Điều 2 Nghị định 49/2017/NĐ-CP, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông trong việc xử lý “sim rác”, tăng hình thức và các mức xử phạt có tính răn đe như đình chỉ cung cấp dịch vụ đối với các tổ chức, cá nhân đăng ký sử dụng số lượng sim lớn nhưng không làm rõ được mục đích sử dụng.

Có văn bản nhắc nhở lần 1 với người đứng đầu các doanh nghiệp viễn thông di động về tình trạng “sim rác” trên thị trường. Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai các biện pháp chặn cuộc gọi rác, áp dụng hệ thống nhận dạng hình ảnh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đặc biệt là AI sinh trắc học, nhằm tăng cường tính chính xác trong việc đăng ký thông tin thuê bao…

Cũng theo Cục Viễn thông, theo quy định pháp luật hiện hành, các trường hợp mua bán, sử dụng sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ để sử dụng cho bất kỳ mục đích gì đều là hành vi vi phạm pháp luật.

Điều này được quy định tại điểm c khoản 11 Điều 1 Nghị định 49/2017/NĐ-CP “Nghiêm cấm hành vi mua bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước”.

Khoản 7 Điều 33 Nghị định 15/2020/NĐ-CP cũng đã quy định chế tài “Phạt tiền từ 30– 40 triệu đồng” đối với hành vi “Bán, lưu thông trên thị trường sim thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động cho simthuê bao nhưng chưa thực hiện hoặc chưa hoàn thành việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung”.

Để “dẹp” vấn nạn “sim rác”, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ kết nối với CSDL quốc gia về dân cư của Bộ Công an để đối soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao. Theo đó, sim chỉ được kích hoạt khi nhận dạng chính xác danh tính khách hàng.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng sẽ quy trách nhiệm đến nhà mạng là người đẩy sim kích hoạt sẵn ra, nên phải là người chịu trách nhiệm trước quản lý nhà nước. Người đứng đầu doanh nghiệp sẽ bị Bộ nhắc nhở bằng văn bản, nếu lặp lại sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét, xử lý kỷ luật.

Cùng với đó, sẽ không xem xét cho phép triển khai các dịch vụ mới (mobile money,…), nếu doanh nghiệp còn để tình trạng sim kích hoạt sẵn, sim kích hoạt không đúng quy định tồn tại. Tạm dừng không cấp phân bổ thêm tài nguyên viễn thông (kho số) cho doanh nghiệp vi phạm cho đến khi khắc phục, chuẩn hóa lại thông tin thuê bao.

Cục Viễn thông cũng yêu cầu người dân cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đăng ký thông tin thuê bao, chủ động thực hiện việc kiểm tra, hủy bỏ các sim đã đăng ký trước đây nhưng không dùng nữa, hoặc thực hiện cập nhật, đăng ký lại thông tin thuê bao để bảo đảm quyền lợi của chính bản thân mình và xã hội (nhất là trong trường hợp bị các đối tượng sử dụng các sim có thông tin của bản thân vào các hành vi vi phạm pháp luật).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mua bán, sử dụng “sim rác” bị xử lý như thế nào?