Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MCK: MSB) vừa công bố kết quả kinh doanh trước kiểm toán năm 2021. Theo đó, lợi nhuận trước thuế năm 2021 gấp đôi so với năm trước, tổng tài sản tăng hơn 15%, tín dụng tăng trưởng 22%, trong khi nợ xấu chỉ còn 1,15%, MSB đã kết lại môt năm khá thành công trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế và khẳng định quyết tâm đột phá khi đặt ra những mục tiêu lớn cho năm sau.
Hoàn thành sớm nhiều mục tiêu kinh doanh
Với kết quả lợi nhuận trước thuế đạt 5.168 tỷ đồng theo số liệu của riêng mảng ngân hàng, MSB đã vượt gần 58% so với mục tiêu 3.280 tỷ đồng mà Đại hội đồng cổ đông thông qua từ đầu năm. Một số chỉ tiêu khác cũng đã hoàn thành ở mức cao như tổng tài sản đạt 203,7 nghìn tỷ, tăng hơn 15% so với đầu năm, vượt con số kế hoạch là 190 nghìn tỷ, vốn điều lệ tăng 30% lên 15.275 tỷ đồng.
Tín dụng tăng trưởng trên 20% theo chỉ tiêu được NHNN cấp, kết hợp với cơ cấu nguồn vốn hiệu quả, nhờ đó thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 6.112 tỷ đồng tăng gần 30% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng hơn 58% trong cơ cấu tổng thu nhập thuần của ngân hàng. Đặc biệt nguồn thu ngoài lãi tăng trưởng 92% so với năm 2020 với sự đóng góp mạnh mẽ từ tăng trưởng từ doanh thu hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và góp vốn mua cổ phần. Tiền gửi khách hàng tăng hơn 8% đạt 94.616 tỷ đồng trong đó Casa chiếm tỷ trọng khoảng 36%, nằm trong top của thị trường các ngân hàng.
Năm 2021, MSB cũng đạt kết quả tốt trong việc quản trị rủi ro và kiểm soát nợ xấu. Ngay từ quý 1, ngân hàng đã hoàn thành sớm cả 3 trụ cột của Basel II và bắt đầu áp dụng chuẩn mực Basel III trong quản trị rủi ro. Ngân hàng được Moody's nâng bậc tín nhiệm từ B2 lên B1 trong kỳ đánh giá tháng 5 sau khi cho thấy những cải thiện rõ rệt về chất lượng tài sản, nguồn vốn và xử lý nợ xấu. Hệ số CAR theo số liệu riêng lẻ của MSB kết năm 2021 đạt 11,24%. Nợ xấu kết năm ở mức 1,15% cũng là con số thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Đây là nỗ lực rất lớn của ngân hàng trong bối cảnh bị tác động bởi dịch Covid-19. Ngân hàng đã tiến hành cơ cấu nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid theo thông tư 01 và thông tư 14 của NHNN và đã trích lập dự phòng đầy đủ.
Chuyển đổi số mạnh mẽ
Sau khi ngân hàng số Tnex đi vào động được gần hai năm, MSB đã đạt được môt số kết quả ban đầu khá tích cực, kỳ vọng sẽ đạt mục tiêu 3 triệu người dùng sau 3 năm đầu và góp phần giảm CIR của ngân hàng xuống dưới 45% vào năm 2023. Song hành với ngân hàng số này là các dự án về chuyển đổi số, số hóa từng phần ngân hàng hiện hữu đã được MSB triển khai mạnh mẽ, đầu tư bài bản cả về nguồn lực tài chính và con người. Ngân hàng đã ký gói hợp tác với đối tác tư vấn BCG để thực hiện dự án chiến lược chuyển đổi số cho giai đoạn 2021-2025. Sau khi ứng dụng thành công ekyc trong mở tài khoản thì ngân hàng sẽ tiến tới thử nghiệm việc cho vay trực tuyến với thủ tục rút gọn và đơn giản hơn trước đây rất nhiều. Việc số hóa sẽ giúp ngân hàng tiết giảm hơn về quy trình, chi phí vận hành, nâng cao hiệu quả công việc và đem đến trải nghiệm dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Dự án thay mới core banking cũng đã khởi động để đáp ứng về nền tảng cho công cuộc chuyển đổi số của ngân hàng.
Xác lập nhưng cột mốc mới trên thị trường chứng khoán
Sau khi chào sàn ở giá tham chiếu 15.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 23-12-2020, cho đến nay, sau khi chia cổ tức 30% bằng cổ phiếu vào tháng 10/2021, thị giá MSB vẫn tiếp tục tăng và xác lập những mốc đỉnh mới. Ngoài ra, MSB còn lọt rổ VN Diamond và VN Finlead sau khoảng nửa năm niêm yết. Theo giá đóng cửa năm 2021 ở mức 29.000 đồng/cổ phiếu, MSB có vốn hóa thị trường đạt 44.297 tỷ đồng, P/E và P/B lần lượt là 10,73 và 2 lần, cổ phiếu Ngân hàng vẫn đang được đánh giá là hấp dẫn khi các chỉ báo thị trường đều ở mức thấp hơn bình quân ngành. Với kết quả kinh doanh bứt phá, MSB được giới đầu tư giá trị chú ý và dự tính còn nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh trong năm 2022.
Về hoạt động kinh doanh, MSB đặt mục tiêu 2022 đạt lợi nhuận trước thuế 6.800 tỷ đồng- tương đương 30%, tăng trưởng tín dụng ở mức trên 20% tùy vào sự phê duyệt của NHNN, quy mô tài sản đạt 230.000 tỷ đồng. Chiến lược tập trung chuyển đổi số, số hóa ngân hàng hiện hữu tiếp tục được MSB đẩy mạnh với mục tiêu vào nhóm các ngân hàng có tỷ lệ CASA trên tổng tiền gửi cao nhất hệ thống trong năm 2022.
Về MSB
Thành lập năm 1991, MSB ra đời trong thời kỳ kinh tế mở cửa và phát triển của Việt Nam. Trải qua 30 năm hình thành và phát triển, ngân hàng không ngừng vươn lên, tạo lập nhiều cột mốc quan trọng trong ngành tài chính ngân hàng. MSB hiện có trên 260 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc và có giao dịch với hơn 500 ngân hàng đại lý tại trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đội ngũ gần 5.000 cán bộ, phục vụ gần 2,6 triệu khách hàng cá nhân và gần 60.000 khách hàng doanh nghiệp.
Thông tin chi tiết xem tại website: www.msb.com.vn