Một số vướng mắc khi áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự

Đỗ Thị Thanh Giang| 30/11/2019 14:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Khi vụ án đủ điều kiện ngay từ khi khởi tố vụ án, CQĐT đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn, nhưng đến giai đoạn truy tố, xét xử thì VKSND và TAND cũng đều phải ra quyết định áp dụng theo thủ tục rút gọn?

Một số vướng mắc khi áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự

Áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án

Theo Điều 457 BLTTHS năm 2015 quy định: “Thủ tục rút gọn được áp dụng kể từ khi ra quyết định cho đến khi kết thúc việc xét xử phúc thẩm, trừ trường hợp bị hủy bỏ theo quy định tại Điều 458 của Bộ luật này”.

Theo quy định này thì hiểu “thủ tục rút gọn” được kéo dài từ khi một trong 3 cơ quan (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn đến khi kết thúc việc xét xử phúc thẩm.

Ví dụ: Khi VKS ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì thủ tục rút gọn được tiếp tục áp dụng đến xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm mà không chỉ dừng lại ở giai đoạn truy tố của VKS. Điều luật nói trên không có nghĩa là các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp theo không phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn;

Theo Điều 458 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trong quá trình áp dụng thủ tục rút gọn, nếu một trong các điều kiện quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 456 Bộ luật này không còn hoặc vụ án thuộc trường hợp tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và giải quyết vụ án theo thủ tục chung theo quy định tại Bộ luật này ...”

Nếu vụ án có đủ điều kiện chỉ được Cơ quan điều tra ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn một lần, đến giai đoạn xét xử sơ thẩm, Tòa án không ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì khi vụ án không còn đủ điều kiện, Tòa án không thể ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn như theo quy định tại Điều 458 nói trên.

Đối với quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Cơ quan điều tra đã ban hành, Tòa án không thể hủy bỏ vì Tòa không có thẩm quyền. Tòa án chỉ có thẩm quyền “quyết định áp dụng thủ tục rút gọn hoặc hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn” của Tòa án đã ban hành theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 44 BLTTHS.

Như vậy khi vụ án đã được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn thì khi hồ sơ vụ án được chuyển đến Tòa án thì Tòa án cũng phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và xét xử theo thủ tục rút gọn, quá trình thụ lý, nếu vụ án không còn đủ điều kiện.

Ví dụ: Bị can bỏ trốn phải tạm đình chỉ, thì Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn do Tòa án đã ban hành trước đó và giải quyết vụ án theo thủ tục chung.

Theo quy định khoản 4 Điều 457 BLTTHS 2015: “Trường hợp xét thấy quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Tòa án không đúng pháp luật thì Viện kiểm sát kiến nghị với Chánh án Tòa án đã ra quyết định ...”.

Như vậy, khi vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra, truy tố, đến giai đoạn xét xử không đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn, tuy nhiên Tòa án vẫn tiến hành giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn (Tòa án không ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn), thì khi đó Viện kiểm sát không có căn cứ để kiến nghị với Chánh án Tòa án theo quy định tại khoản 4 Điều 457 BLTTHS.

Theo Điều 35 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng Viện KSNDTC) quy định: “1. Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm, Kiểm sát viên thấy có đủ các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 456 BLTTHS thì báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát để đề nghị Chánh án Tòa án ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn ...”.

Theo quy định trên thì khi Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã áp dụng thủ tục rút gọn, đến giai đoạn xét xử sơ thẩm, khi thấy có đủ điều kiện thì Kiểm sát viên báo cáo Viện trưởng để đề nghị Chánh án Tòa án ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.

Tóm lại, khi vụ án đủ điều kiện, Cơ quan điều tra đã ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn rồi nhưng đến giai đoạn truy tố, xét xử thì VKSND và TAND cũng đều phải ra quyết định áp dụng theo thủ tục rút gọn.

Tháo gỡ vướng mắc trong việc bàn giao bị can, bị cáo

Tại khoản 4 Điều 123 BLTTHS quy định: “Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử theo quy định của Bộ luật này”.

Tại khoản 1 Điều 240 BLTTHS quy định: “Trong thời hạn 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong các quyết định:

Truy tố bị can trước Tòa án: Tại Điều 244 BLTTHS quy định: “Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra bản cáo trạng, VKS phải chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án. Trường hợp vụ án phức tạp thì thời hạn chuyển hồ sơ vụ án và bản cáo trạng đến Tòa án có thể kéo dài nhưng không quá 10 ngày”.

Như vậy, đối với bị can bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú thì thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú trong giai đoạn truy tố của VKS tối đa bằng thời hạn truy tố quy định tại khoản 1 Điều 240 BLTTHS.

Nếu bản cáo trạng ban hành vào ngày cuối cùng của thời hạn truy tố thì trong khoảng thời gian 03 ngày (hoặc 10 ngày đối với vụ án phức tạp) trước khi VKS chuyển hồ sơ vụ án sang Tòa thì bị can không được áp dụng biện pháp ngăn chặn. (Tòa án chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú từ khi thụ lý vụ án); Đây là vướng mắc trong áp dụng BLTTHS cần được tháo gỡ. Cụ thể là, truy tố bị can trước khi hết thời hạn truy tố ít nhất 03 ngày, đối với vụ án phức tạp trước ít nhất 10 ngày.

Tại khoản 5 Điều 123 BLTTHS quy định: “Người ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú phải thông báo về việc áp dụng biện pháp này cho chính quyền xã, phường, thị trấn nơi bị can, bị cáo cư trú, đơn vị quân đội đang quản lý bị can, bị cáo và giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị quân đội đó để quản lý theo dõi họ ...”.

Theo quy định tại khoản 5 Điều 123 BLTTHS thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án khi ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú có phải lập biên bản giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường, thị trấn?

Theo đó, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án khi ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú không phải lập biên bản giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường, thị trấn. Bởi, trong lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đã thể hiện việc giao bị can, bị cáo cho chính quyền xã, phường, thị trấn để quản lý, đồng thời có văn bản thông báo cho chính quyền xã, phường, thị trấn. Việc “giao bị can, bị cáo” theo khoản 5 Điều 123 BLTTHS là giao được quy định trong lệnh.

Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án không phải đưa bị can, bị cáo đến chính quyền xã, phường, thị trấn để bàn giao, do vậy không phải lập biên bản bàn giao bị can, bị cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số vướng mắc khi áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự