Theo Bộ Tư pháp, việc xác định thẩm quyền của TAND và cơ quan hộ tịch về việc công nhận hôn nhân của nam, nữ chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn trước ngày 03/1/1987 chưa thực sự phù hợp.
Về trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987: Liên quan đến vấn đề này, Luật HNGĐ quy định "áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết" (khoản 1 Điều 131). Do đó, về nguyên tắc, những trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 được thừa nhận hôn nhân theo quy định của pháp luật tại thời điểm đó và văn bản hướng dẫn pháp luật tại thời điểm này, ví dụ: Nghị quyết số 35/2000/NQ-QH10 ngày 09/6/2000 của Quốc hội về việc thi hành hôn nhân và gia đình. Tuy nhiên, trong hướng dẫn thi hành Luật, còn có sự hướng dẫn chưa thống nhất về trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng.
Điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật HNGĐ quy định "Người xác lập quan hệ vợ chồng với người khác trước ngày 03/01/1987 mà chưa đăng ký kết hôn và chưa ly hôn hoặc không có sự kiện vợ (chồng) của họ chết hoặc vợ (chồng) của họ không bị tuyên bố là đã chết" được xác định là người đang có vợ hoặc có chồng. Tuy nhiên, khoản 3 Điều 25 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định "Nếu là trường hợp chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 và vẫn chung sống với nhau mà chưa đăng ký kết hôn thì ghi “Hiện tại đang có vợ/chồng là bà/ông...”.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, theo Bộ Tư pháp, việc xác định thẩm quyền của TAND và cơ quan hộ tịch về việc công nhận hôn nhân của nam, nữ chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn trước ngày 03/1/1987 không rõ ràng, chưa thực sự phù hợp. Nhiều trường hợp chung sống trong thời gian dài, có mối quan hệ nhân thân phức tạp cần có chứng cứ chứng minh và xác định chứng cứ, mặc dù các bên không có tranh chấp do tính chất phức tạp của quan hệ nên gần như cơ quan lý nhà nước về hộ tịch không thực hiện được việc công nhận hôn nhân, trong khi việc công nhận này giao cho Tòa án thực hiện thì phù hợp hơn.
Về quan hệ giữa vợ và chồng: Luật đã quy định cụ thể hơn về các trường hợp đại diện giữa vợ và chồng để phù hợp với những đặc thù của quan hệ kinh doanh, bao quát hơn các trường hợp vợ chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên xác lập, thực hiện, qua đó, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng và gia đình; quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba; sự an toàn trong giao dịch. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng cho thấy, việc đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh, Luật HNGĐ và các văn bản liên quan chưa làm rõ thế nào được hiểu là vợ chồng kinh doanh chung (phải lấy tài sản chung đem ra kinh doanh hay lấy tài sản riêng của một người, người kia góp công sức…); đồng thời, quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật HNGĐ chưa có sự thống nhất với Điều 136 BLDS bởi vì BLDS không ghi nhận việc đại diện đương nhiên giữa vợ và chồng và BLDS cũng không có quy định mở rộng "các trường hợp khác theo quy định của luật". Do đó, không có cơ sở để áp dụng.
Về chế độ tài sản của vợ chồng: Luật HNGĐ đã bổ sung quy định vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận hoặc theo luật định, qua đó, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với nhau và của vợ chồng đối với gia đình; tôn trọng quyền tự do cá nhân của vợ, chồng; bảo đảm an toàn pháp lý và sự ổn định trong các giao dịch, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.... Tuy nhiên, một số vấn đề pháp lý liên quan đến vấn đề này cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện làm rõ hơn, như: Cơ chế công khai về thỏa thuận của vợ chồng trong xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận.
Các loại tài sản khác, các quan hệ nghĩa vụ, hợp đồng được quy định tại các luật điều chỉnh các lĩnh vực cụ thể về đất đai, chứng khoán, vốn góp tại doanh nghiệp, đối tượng sở hữu trí tuệ… cần được quy định cụ thể hơn về sở hữu của vợ chồng trong quan hệ liên quan.
Trong thực tiễn giải quyết các vụ án hôn nhân và gia đình, liên quan đến chia tài sản chung các khoản thu được từ việc khai thác tài sản riêng, chung của vợ chồng trong lĩnh vực cụ thể trong một số trường hợp chưa rõ ràng nên khó khăn trong việc xác định khối tài sản chung để phân chia; cơ chế lấy ý kiến thỏa thuận trong trường hợp vợ chồng có thời gian không sống chung với nhau mà mỗi bên có quản lý tài sản chung của vợ chồng; cơ chế vợ chồng phải chịu trách nhiệm liên đới trong thực hiện nghĩa vụ với người thứ ba nếu giao dịch do một bên vợ hoặc chồng thực hiện, không phải đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình (ví dụ: nghĩa vụ phát sinh từ các giao dịch đầu tư, kinh doanh, hụi, họ, cho vay…); cơ chế xác định người thứ ba ngay tình và bảo vệ người thứ ba ngay tình trong giao dịch liên quan đến tài sản của vợ chồng; cơ chế xử lý mối liên hệ giữa việc thực hiện quyền đối với tài sản, ví dụ quyền của bên thế chấp, quyền của bên nhận thế chấp với bảo đảm về nơi ở của vợ chồng; làm rõ hơn một số thuật ngữ dễ dẫn đến cách hiểu khác nhau như: “tài khoản ngân hàng”, “tài khoản chứng khoán”, “tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình”, “nguồn sống duy nhất của gia đình”, “không vì nhu cầu của gia đình”…