Một số thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu

Bạch Dương| 03/05/2020 07:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thế giới ghi nhận trên 3.426.000 ca mắc COVID-19, 240.488 ca tử vong; Số ca mắc ở châu Âu vượt quá 1,5 triệu; Tình hình dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng tại Nga.

Thế giới ghi nhận trên 3.426.000 ca mắc COVID-19, 240.488 ca tử vong

Theo trang thống kê toàn cầu worldometers.info, tính đến 21h ngày 2/5 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 3.426.382 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 240.488 trường hợp tử vong. Số bệnh nhân bình phục là 1.093.950 người. Mỹ vẫn là quốc gia có số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới, với lần lượt là 1.134.059 ca mắc bệnh và 65.886 ca tử vong.

Tình hình COVID-19 hết ngày 2/5 tại ASEAN: Toàn khối có 1.006 ca mắc và 57 ca tử vong trong 24 giờ qua

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 2/5, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có 47.185 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 1.614 ca tử vong. Điểm nóng Singapore ghi nhận số ca mắc trong một ngày giảm hơn một nửa.

Singapore ghi nhận 447 ca dương tính với virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) trong ngày 2/5, giảm mạnh so với con số 932 ca của ngày 1/5. Singapore vẫn là nước có tổng số ca mắc COVID-19 cao nhất ASEAN, với 17.548 ca. Đứng sau là Indonesia (10.843 ca) và Philippines (8.928 ca).

Về số ca tử vong, Indonesia đứng đầu khối với 831 ca, tiếp sau là Philippines với 603 ca. Tình hình dịch COVID-19 tại Brunei, Campuchia, Lào, Timor-Leste và Việt Nam có xu hướng ổn định, không có ca mắc mới.

Một số thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu

Tiểu bang California (Mỹ) ứng phó với dịch bệnh COVID-19

Số ca mắc ở châu Âu vượt quá 1,5 triệu

Theo thống kê của hãng tin AFP ngày 2/5, châu Âu xác nhận hơn 1,5 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, chiếm gần một nửa tổng số ca mắc trên toàn cầu.

Với ít nhất 1.506.853 ca mắc COVID-19, trong đó có 140.260 ca tử vong, hiện châu Âu là châu lục bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch. Tây Ban Nha hiện là quốc gia đứng đầu châu Âu về số người nhiễm, với tổng cộng 242.988 ca, trong đó 25.100 người tử vong.

New York ghi nhận 299 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 2/5

Số ca tử vong do dịch COVID-19 tại bang New York của Mỹ ngày 2/5 là 299 người, tăng 10 ca so với ngày hôm trước và hầu hết các ca này xảy ra tại thành phố New York. Thành phố New York cũng ghi nhận số ca xét nghiệm có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 tăng đột biến ở quận Bronx, lên tới 27,6% trong khi con số này ở các quận khác đều dưới 20%.

Tại buổi họp báo ngày 2/5, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết tình hình có một số tín hiệu tích cực, như số người nhiễm và số người nhập viện tiếp tục giảm tại bang. Tính đến nay, New York đã tiến hành được hơn 15.000 ca xét nghiệm kháng thể, trong số đó 12,3% cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Nga: Dịch bệnh tiếp tục diễn biến nghiêm trọng

Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của LB Nga cho biết, tính đến trưa 2/5, nước này đã ghi nhận thêm 9.623 trường hợp nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn liên bang lên 124.054 người.

Cũng trong vòng 24 giờ tại LB Nga có 57 ca tử vong do mắc COVID-19, đưa tổng số người tử vong lên 1.222, và 1.793 người khỏi bệnh, đưa tổng số người khỏi bệnh lên 15.013 người. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người nhiễm trong 1 ngày cao nhất - với 5.358 ca.

FDA của Mỹ cho phép sử dụng thuốc Remdesivir để điều trị bệnh COVID-19

Cơ quan quản lý Thuốc và thực phẩm của Mỹ (FDA) ngày 1/5 thông báo đã cấp phép sử dụng cho thuốc kháng virus Remdesivir để điều trị bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra. Theo thông báo, FDA sẽ trao quyền cho công ty dược phẩm Gilead Sciences cung ứng khẩn cấp thuốc kháng virus Remdesivir, mở ra cơ hội sử dụng rộng rãi ở các bệnh viện của Mỹ trong thời gian tới.

Malaysia tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng loạt với người nhập cư bất hợp pháp

Giám đốc cảnh sát quốc gia Malaysia ngày 1/5 cho biết nhà chức trách nước này bắt đầu tập trung hơn 700 người nhập cư bất hợp pháp vào các cơ sở tạm giữ nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.

Thông báo này được đưa ra sau khi hàng trăm người nhập cư không có giấy tờ hợp pháp đã bị bắt giữ trong cuộc truy quét vào khu vực trung tâm thủ đô, nơi hàng nghìn người nhập cư và người xin tị nạn đang sinh sống. Chiến dịch này nhằm ngăn chặn những người nhập cư trái phép di chuyển sang các khu vực khác giữa lúc Chính phủ đã áp dụng lệnh hạn chế đi lại để ngăn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.

Đức thúc đẩy nghiên cứu vaccine chống virus SARS-CoV-2

Ngày 2/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch triển khai sẽ có mặt trên toàn cầu. Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi gây quỹ trị giá 7,5 tỉ euro (khoảng 8,3 tỉ USD) để phục vụ công tác nghiên cứu và điều chế vaccine chống SARS-CoV-2. 

Pháp gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 2 tháng

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran ngày 2/5 thông báo nước này đã quyết định gia hạn thêm 2 tháng, đến ngày 24/7 tới, đối với tình trạng khẩn cấp y tế áp đặt từ ngày 24/3 nhằm ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.

Đề xuất trên dự kiến sẽ được trình Quốc hội Pháp vào ngày 4/5, trong đó nhận định việc dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trong tháng này là "quá sớm" và có thể khiến dịch bệnh bùng phát dữ đội.

Tây Ban Nha, Ý từng bước nới lỏng phong tỏa

Sau 48 ngày thực hiện lệnh phong tỏa trên cả nước để chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, kể từ ngày 2/5, người dân Tây Ban Nha bắt đầu được phép đi dạo hoặc chơi thể thao bên ngoài. Mặc dù lệnh phong tỏa được thông báo sẽ kéo dài tới ngày 9/5, nhưng Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 28/4 đã công bố kế hoạch bắt đầu nới lỏng từng bước các biện pháp hạn chế theo 4 giai đoạn và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 6.

Trong khi đó, tại Ý, Bộ Giáo dục nước này đã thông báo đóng cửa các trường học phổ thông đến tháng 9, song đang lên kế hoạch mở cửa trở lại các trường mầm non và tổ chức học Hè với quy mô nhỏ để trẻ em vui chơi sau 2 tháng thực hiện lệnh cách ly nghiêm ngặt. Theo kế hoạch được công bố trên nhật báo "Corriere della Sera" ngày 2/5, các trường mẫu giáo và nhà trẻ có thể hoạt động trở lại vào tháng 6 tới với các nhóm nhỏ trẻ từ 0-6 tuổi.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu