Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng Hội thẩm nhân dân

Nguyễn Tư Duy| 08/10/2015 06:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong hoạt động xét xử của Toà án, Hội thẩm nhân dân (HTND) giữ một vai trò hết sức quan trọng. Song, qua quá trình đánh giá chất lượng xét xử của HTND hiện nay, bên cạnh những ưu điểm còn có một số vướng mắc nhất định cần được giải quyết.

HTND còn mang tính kiêm nhiệm

Qua quá trình tổng kết hoạt động xét xử hàng năm, hầu hết các bản án, các quyết định của Tòa án được ban hành đúng pháp luật, hoàn toàn khách quan, dân chủ, thấu tình đạt lý, bản án tuyên có tính thuyết phục cao. Những thành tựu trong quá trình xét xử của cơ quan Tòa án với sự tham gia tích cực và có hiệu quả của đội ngũ HTND đã tôn vinh thêm vị trí, vai trò và uy tín của Toà án, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Để quá trình xét xử vụ án được công bằng, đúng người, đúng tội, nhân dân được thể hiện ý kiến của mình trong quá trình xét xử thì một trong những nguyên tắc là phiên tòa cấp sơ thẩm đều phải có sự tham gia của HTND. Tại các phiên tòa sơ thẩm, số lượng HTND đều nhiều hơn số lượng Thẩm phán, khi quyết định bản án đều bỏ phiếu và quyết định theo đa số, HTND ngang quyền với Thẩm phán trong quá trình xét xử. Qua đó, chúng ta thấy được vai trò của HTND khi xét hỏi tại phiên tòa, cũng như quá trình nghị án là hết sức quan trọng.

Nhưng, bên cạnh những ưu điểm, công tác HTND còn có một số vướng mắc nhất định cần phải giải quyết như: HTND hiện nay còn mang tính kiêm nhiệm nhiều. Quá trình cơ cấu hội thẩm theo từng lĩnh vực (như giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, tài chính, xây dựng…) với mục đích khi có các vụ án mà đương sự, bị cáo tại phiên tòa có liên quan đến các lĩnh vực nào, thì sẽ được mời đến tham gia nghiên cứu hồ sơ để xét xử. Theo lý luận thì HTND là người đem hơi thở của nhân dân vào trong quá trình phán quyết các bản án, khi các vụ án có liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ của mình thì trong nhiều trường hợp, Hội thẩm sẽ am hiểu về lĩnh vực đó hơn Thẩm phán. Tuy nhiên, HTND mặc dù có trình độ chuyên môn riêng nhưng còn hạn chế rất nhiều về trình độ pháp lý, đây là vấn đề bất cập trong thực tiễn hiện nay.

Đồng thời, nhiều trường hợp HTND được Thẩm phán gửi lịch xét xử trước cả tháng nhưng đến ngày xét xử lại bận công việc đột xuất không tham gia phiên tòa, khi đó, Thư ký rất bị động trong việc sắp xếp HTND khác thay thế để mở phiên tòa đúng thời gian. Bởi, các HTND hiện nay chủ yếu làm việc theo cơ cấu, cho nên việc tuân thủ lịch xét xử, cũng như công tác nghiên cứu hồ sơ các HTND thường xem nhẹ. Tại phiên tòa, chủ tọa hỏi là chính, các HTND tham gia phiên tòa rất ít hỏi, nếu có hỏi thì không đúng trọng tâm.

Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng Hội thẩm nhân dân

Vai trò của HTND ngày càng được nâng cao

Hơn nữa, trách nhiệm của HTND được Pháp lệnh về Thẩm phán và HTND quy định rất rõ, nhưng thực tiễn trong quá trình xét xử, nếu oan sai, án bị sửa, thì chỉ có Thẩm phán chịu hoàn toàn trách nhiệm. Chính vì lý do này mà các HTND chưa phát huy hết trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Và, cũng do HTND hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, thu nhập chủ yếu là từ lương ở cơ quan nên ý thức trách nhiệm trong quá trình xét xử không áp dụng theo việc thi hành công vụ như ở cơ quan được; tổng kết cuối năm ở cơ quan không xem hoạt động của cán bộ, công chức kiêm nhiệm là HTND làm tiêu chí đánh giá năng lực công tác, mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Chính vì thế, không phát huy được tinh thần trách nhiệm của HTND  trong công việc xét xử.

Một số giải pháp

Từ thực tế trên, để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, nâng cao vai trò của mình  thì mỗi một HTND trong hoạt động xét xử cần hiểu được chỉ có Tòa án là chủ thể có quyền nhân danh Nhà nước đưa ra phán quyết. Sự phán quyết ấy có ý chí của HTND  và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của Nhà nước, của cá nhân, tổ chức, ảnh hưởng đến uy tính của quốc gia trên trường quốc tế. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục khẳng định vai trò, tầm quan trọng của chế định HTND trong hoạt động xét xử. Đồng thời, quá trình xây dựng pháp luật về  HTND cần có quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của HTND khi tham gia phiên tòa; từng bước nâng cao chất lượng HTND từ lúc tuyển chọn cho đến khi xét xử.

Để nâng cao trách nhiệm của HTND khi tham gia xét xử tại phiên tòa, cần giải quyết một số vấn đề như: HTND cần hiểu rằng, trong quá trình xét xử, HTND và Thẩm phán xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Để giải quyết được tốt vấn đề này, thì lãnh đạo Tòa án hàng năm cần phải có kế hoạch quan tâm đầu tư kinh phí để bồi dưỡng nâng cao trình độ pháp lý cho đội ngũ HTND. Vì khi HTND có sự am hiểu pháp lý như Thẩm phán thì chắc chắn rằng, trong quá trình giải quyết vụ án, HTND sẽ không lúng túng, khi phán quyết bản án sẽ khách quan, khoa học. Có như vậy mới giải quyết tốt vấn đề pháp luật đặt ra là Thẩm phán và HTND ngang quyền nhau trong quá trình giải quyết vụ án.

Bên cạnh đó, cũng cần quy định rõ ràng hơn về tiêu chuẩn lựa chọn HTND vì điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xét xử; quy định rõ về cách thức lựa chọn, cách thức thành lập đoàn HTND, quy định một cách rõ ràng quyền và nghĩa vụ pháp lý cho Hội thẩm; sáu tháng hoặc một năm, Tòa án cần có hội nghị tổng kết tình hình xét xử của Hội thẩm. Thông qua các cuộc hội nghị để đánh giá chất lượng hoạt động của HTND, Đoàn Hội thẩm, từ đó có hướng giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của HTND. Chánh án TAND các địa phương cần có mối liên hệ với cơ quan, đơn vị có cán bộ, công chức tham gia HTND ở Tòa án mình, để qua đó có thông tin về ý thức, trách nhiệm hoạt động của HTND tại Tòa án mình với cơ quan, tổ chức. Cần có quy định thêm về tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, công chức là HTND trong nhiệm kỳ của mình hoạt động đúng pháp luật có thể được tăng lương trước thời hạn.

Đồng thời, pháp luật cần quy định trước thời gian khai mạc phiên tòa yêu cầu HTND phải có thời gian nghiên cứu hồ sơ vụ án mới được tham gia xét xử; hạn chế tối đa việc phải “chữa cháy” HTND, bởi làm như vậy rất lúng túng cho hội thẩm nếu các đương sự không đồng ý các HTND được bổ sung không theo quyết định mà đương sự đã nhận được.

Một điều hết sức quan trọng nữa là cần phải cải thiện thu nhập của HTND. Hiện nay, kinh phí cho HTND tham gia xét xử rất ít, dẫn đến các HTND thường không yên tâm, tập trung cho công việc xét xử. Cho nên, các HTND được Thẩm phán mời tham gia phiên tòa thông qua Thư ký thường từ chối khéo là bận đi công tác, hoặc bận giải quyết công việc cơ quan.

Hiện nay, việc nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án đang được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Do vậy, các chức danh trong HĐXX như Thẩm phán và HTND trong các phiên tòa càng phải thể hiện hết sức vai trò và trách nhiệm của mình. Vì hoạt động của các chức danh này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng xét xử. Những tiêu chuẩn bắt buộc đối với HTND là hội tụ điều kiện về chuyên môn nghiệp vụ, tư cách đạo đức, lối sống, ngoài ra, các HTND cần phải có nhiệt huyết với công việc, có như vậy mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng Hội thẩm nhân dân