Một người tàn phế, bốn người lĩnh án vì gói mì tôm

Quỳnh Lâm| 28/07/2014 10:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nghe nói vợ của bạn bị đồng nghiệp xúc phạm, Tú Anh cùng đồng phạm kéo nhau đi đánh dằn mặt. Trong lúc xô xát, Tú Anh rút dao đâm trọng thương, khiến nạn nhân tàn phế suốt đời. Mới đây, cùng đồng phạm, Tú Anh đã phải bước ra tòa và nhận mức án 20 năm tù.

Tàn phế suốt đời vì gói mì tôm

Khoảng 16h ngày 9/5/2012, anh Mai Văn Thành, Tổ trưởng tổ may giày của công ty Pouyen (trong khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM), phát mì gói cho công nhân ăn thêm để làm tăng ca. Khi anh Thành đến phát cho Nguyễn Thị Kim Chi một gói mì, thì Chi yêu cầu anh Thành phát thêm một gói nữa, vì chiều hôm trước anh Thành chưa phát cho mình. Anh Thành cầm gói mì ném lên mặt bàn máy may của Chi. Tức giận, Chi cầm gói mì ném trả lại cho Thành và chửi thề. Anh Thành cầm gói mì ném trả lại Chi, rồi tiếp tục đi phát cho những người khác.

Khi về nhà, Chi kể lại chuyện mâu thuẫn giữa mình với anh Thành cho chồng là Phan Văn Phong (SN 1989) biết. Ngày hôm sau, Phong đến gặp anh họ là Phan Tiến Thanh (SN 1991), và hai bạn là Trần Tú Anh (SN 1990) và Phạm Ngọc Anh Tú (SN 1994, cùng ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) kể lại sự việc cho mọi người nghe. Kể xong, Phong rủ bạn của mình cùng đi đánh anh Thành để dằn mặt. Cả nhóm đồng ý hẹn nhau chiều ngày 12/5/2012 đến công ty Pouyen đón đường đánh anh Thành. Sáng 12/5/2012, Phong bảo Chi đến công ty làm việc bình thường. Đến chiều cùng ngày, Phong mua một thùng bia 333 và rủ Thanh, Tú, Anh về nhà Tú uống, chờ đến hết giờ làm việc thì đón đường đánh anh Thành. Khoảng 16h cùng ngày, Thanh sử dụng xe gắn máy chở Phong, còn Tú lấy xe gắn máy chở Anh đến cách cổng công ty khoảng 20m ngồi chờ Thành ra về. Phong gọi điện thoại cho Chi hỏi: “Mấy giờ tan ca?”. Chi trả lời: “18h”. Phong bảo Chi khi tan ca thì đi sau lưng anh Thành để chỉ cho Phong biết mặt anh Thành. Phong phân công Tú Anh vào hỗ trợ khi Phong đánh anh Thành, còn Thanh và Tú ở bên ngoài giữ xe, chờ Phong và Anh đánh xong thì chở về.

Đến 18h, Phong nhìn thấy Chi đi sau lưng một thanh niên và chỉ tay vào người thanh niên đó. Phong nhìn thấy biết đó là anh Thành. Anh Thành đi ra cổng, dừng lại bên lề đường nghe điện thoại. Phong chỉ cho Tú Anh biết mặt Thành. Sau đó, Phong cầm nón bảo hiểm đi tới kêu Chi đón xe về trước, rồi Phong xông vào định đánh Thành thì bị bà Võ Thị Kiều Oanh (mẹ của Thành), chị Nguyễn Kiều Đính (bạn gái của Thành) và chị Nguyễn Thị Hồng Cúc nhìn thấy nắm tay giữ lại. Phong cầm nón bảo hiểm đánh vào những người này.

Tú Anh lấy dao Thái Lan trong túi quần ra cầm tay phải, ngay lúc này anh Trương Ngọc Đức chạy vào can ngăn, thì bị Tú Anh cầm dao đâm một nhát trúng bên phải cổ làm anh Đức ngã gục xuống đường. Chị Cúc và một số công nhân bao vây xung quanh, Tú Anh cầm dao chống trả để thoát thân, làm mũi dao đâm vào 1/3 mặt ngoài cánh tay trái của chị Cúc gây rách da chảy máu. Sau đó, Tú Anh chạy lên xe gắn máy kêu Tú chở đi, và nói cho Tú biết vừa đâm trúng cổ của anh Đức, xong ném bỏ dao vào lề đường. Còn Phong chạy ra lên xe gắn máy của Thanh cùng tẩu thoát.

Sau khi bị đâm, anh Đức được đưa đến cấp cứu và điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy. Chị Cúc được đưa vào trạm y tế của công ty băng bó vết thương. Hai ngày sau, Phong, Thanh, Tú Anh và Anh Tú đến Công an phường Tân Tạo đầu thú. Riêng anh Đức được cứu sống với thương tích 97%. Điều này đồng nghĩa, anh Đức bị tàn phế suốt đời, không thể làm gì được nữa.

Nỗi đau để lại

Mới đây, Tú Anh, Phong, Thanh và Anh Tú được TAND TP.HCM đưa ra xét xử sơ thẩm. Đứng trước vành móng ngựa, cả bốn bị cáo đều lí nhí thừa nhận hành vi của mình đã gây ra. Phong cho biết, vì nghe vợ bị “sỉ nhục” nên mới nảy sinh ý định đi đánh anh Thành để dằn mặt, chứ không hề có ý định sát hại nạn nhân. Thanh và Anh Tú khai là vì nghe Phong kể chuyện Chi bị anh Thành ép khá bức xúc, do đó khi nghe rủ đi đánh anh Thành thì cũng đồng ý đi theo.

Riêng Tú Anh, người duy nhất trong vụ án bị truy tố về tội “Giết người” thì run rẩy, mặt tái xanh cắt không còn giọt máu. Gã nói đứt quãng: “Trong lúc tôi đang xào mì tại bếp của nhà Tú, Phong đưa một con dao Thái Lan cán nhựa màu vàng và bảo cầm để phòng thân”. Thế nhưng, Phong khai rằng, không đưa con dao này cho Tú Anh. Giờ nghị án, bà Trương Thị M. (mẹ của anh Đức) không khóc, nhưng những vết nhăn in hằn trên trán, cùng đôi mắt hằn lên nỗi đau khổ. Bà nghẹn đắng chia sẻ, mình có 8 người con. Gia đình khó khăn nên anh Đức không được học hành đến nơi đến chốn. Khi đến tuổi trưởng thành, anh xin đi làm công nhân. Anh là người đàng hoàng, dễ thương và rất siêng năng. Cũng vì điều này mà anh được bầu làm tổ trưởng tổ may.

Anh Đức là đứa con trai bà lo lắng nhất, bởi anh quá hiền lành. Bà sợ, khi tiếp xúc với xã hội, anh sẽ bị người xấu ăn hiếp. Bà luôn mong ước, con trai sẽ gặp được người phụ nữ hợp với mình rồi làm lễ kết hôn, trở thành vợ chồng. Cách đây chừng hai năm, bà mừng khôn xiết khi nghe con trai cho biết đang hẹn hò với một cô gái. Bà tò mò về cô gái này lắm, nhưng sợ con trai ngại nên không hỏi han gì. Thời gian sau, anh dẫn người yêu về ra mắt gia đình. Ngay lần đầu tiên, bà đã có cảm tình với người con gái này.

Sau hôm ấy, bà từng nghĩ, sẽ làm lễ hỏi, lễ cưới để rước cô gái ấy về làm dâu. Thế nhưng, niềm mong mỏi ấy chưa kịp thực hiện thì anh Đức lâm vào cảnh tàn phế suốt đời. Từ khi vụ án xảy ra đến nay, thỉnh thoảng, cô gái ấy cũng có đến thăm, nhưng duyên nợ chắc chắn sẽ không thành.

Bà M. cũng cho hay, vì không có tiền chữa trị cho anh Đức nên phải vay mượn khắp nơi. Thậm chí, bà còn bán đất để mong níu lại sự sống cho con trai. Đến nay, ngay từ phần cổ trở xuống, nạn nhân bị liệt không có cảm giác gì. Riêng từ phần cổ trở lên vẫn có thể nhận thức được. Trước đây, bác sĩ từng cho bà biết, con trai sẽ bị tàn phế suốt đời. Bà đau lòng lắm nhưng sợ con trai biết thì sẽ sốc nặng, không chịu đựng nổi nên đành nói dối rằng, chừng vài năm nữa, khi vết thương lành thì có thể đi lại được.

Bà M. cũng chia sẻ, mặc dù anh Đức bị tàn phế suốt đời nhưng bà biết hoàn cảnh của phía gia đình kẻ thủ ác cũng rất khó khăn. Do đó, bà chỉ yêu cầu bồi thường tiền chữa trị và phụng dưỡng nạn nhân trong vòng 3 năm. Khi được hỏi, tại sao anh Đức bị tàn phế suốt đời mà chỉ yêu cầu bồi thường tiền phụng dưỡng trong vòng 3 năm, bà M. đưa mắt nhìn xa xăm: “Đây là chuyện chẳng ai muốn xảy ra. Gia đình phía Tú Anh cũng có hoàn cảnh khó khăn lắm. Cùng là con người, mình cũng không nên bắt ép người khác quá đáng. Cuộc sống có nhân, có quả. Thôi thì mình gieo nhân tốt mong rằng sau này sẽ gặp quả lành”.

Ngồi cách đó không xa, ông Trần Quang V. (cha Tú Anh) với nước da đen sạm, luôn đưa ánh mắt nhìn vào tấm lưng của con trai. Ông cay đắng cho biết, sinh được 5 người con, trong đó, Tú Anh là con út. Từ trước đến nay, ông làm phụ hồ để nuôi con. Riêng vợ do bị bệnh nên chỉ ở nhà phụ giúp việc gia đình. Hôm ông nghe tin con trai gây trọng án thì hoảng loạn vô cùng.

Ngay sau đó, biết anh Đức trọng thương đang điều trị tại bệnh viện, ông vội vã vay mượn được 10 triệu đồng đưa đến cho bà M. với mong muốn góp phần chữa trị vết thương. Sau đó không lâu, ông lại xoay xở được 50 triệu đồng đưa đến cho gia đình bị hại. “Tôi biết, số tiền tôi đưa cho gia đình bị hại chẳng thấm tháp vào đâu. Tuy nhiên, gia đình tôi cũng khổ quá, không có nhiều. Là bậc làm cha, làm mẹ, thấy con cái rơi vào cảnh tù tội lẫn tàn tật như thế thì xót lắm”.

 

Bản án nghiêm khắc

Giờ nghị án kết thúc, HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác và gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội. Do đó cần phải được xử lý nghiêm khắc để phòng ngừa và giáo dục chung. Từ điều này, Tòa quyết định tuyên phạt Tú Anh 20 năm tù về tội “Giết người”. Bên cạnh đó, Tòa cũng tuyên phạt, Phong 5 năm tù, Thanh 18 tháng tù, Tú 12 tháng tù cùng về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một người tàn phế, bốn người lĩnh án vì gói mì tôm