Một lần “chết hụt” ở Houaylin

Nguyễn Trung Thành| 19/06/2016 07:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong đời làm báo, tôi đã từng lang thang qua nhiều vùng đất nằm dọc dài biên giới Việt Nam, từ Vân Đồn, qua Lũng Cú cho đến tận cùng Xà Xía, Hà Tiên. Mỗi vùng đất ấy, đều ít nhiều để lại ấn tượng cho tôi trong một khoảng thời gian nhất định.

Nhưng, duy chỉ có lần “chết hụt” khi băng qua cánh rừng Houaylin bên nước bạn Lào để lên Cao nguyên Houa - nơi khởi nguồn của con sông Chu huyền thoại - là khiến tôi bị ám ảnh sâu đậm và dai dẳng nhất. Ám ảnh đến nỗi giờ mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn không khỏi rùng mình...

Châng lâng chạm mốc đường biên

Cách đây vài năm, trong một chuyến công tác ngược quốc lộ 48 về thăm công trình thủy điện Hủa Na, tôi tình cờ được nghe anh Lò Seo Gió, người dân tộc Thái ở Mường Hinh (xã Đồng Văn, Quế Phong, Nghệ An), kể cho nghe về những chuyến vượt biên giới, men theo con đường mòn chạy dọc sông Chu sang nước bạn Lào tìm mua trâu bò, cây cảnh.

Bị thuyết phục bởi những câu chuyện mang đậm màu sắc huyền bí, liêu trai về những tập tục, những nét văn hóa rất riêng biệt và quyến rũ của cộng đồng người Lào Thiêng, Lào Lùm, Lào Sủng, tôi quyết định cùng anh Gió băng qua cánh rừng Houaylin rộng lớn để tìm đường lên Cao nguyên Houa, nơi khởi nguồn của con sông Chu huyền thoại.

Sau một đêm ngủ dưỡng sức ở Mường Hinh, chúng tôi lên đường từ tờ mờ sáng, khi sương mù còn giăng kín mặt người. Tuy quãng đường từ Mường Hinh lên cột mốc đường biên chỉ khoảng vài chục cây số, nhưng cong cua, dốc dác, gồ ghề, khấp khểnh. Chiếc xe máy gần như lúc nào cũng phải cài số 1, chồm lên hụp xuống, gầm rú, khói xịt đen ngòm. Nhiều đoạn đường bò ra sát mép vực. Sát đến nỗi có cảm giác chỉ cần thò tay thả hòn đá xuống cũng nghe được tiếng lăn tinh tang của nó rất lâu.

Một lần “chết hụt” ở Houaylin

Cây cầu Khăm Pat ẩn hiện trong sương như cổ tích bắc qua sông Chu

Chúng tôi đến Trạm kiểm soát Biên phòng Mường Phú khi mặt trời vừa kịp vén mây nhô lên khỏi đỉnh rừng. Sau khi làm thủ tục xuất cảnh, tiếp tục chạy thêm khoảng 10km thì mốc biên giới hiện ra. Trong đời làm báo, dù đã nhiều lần chạm cột mốc đường biên, từ Vân Đồn, Lũng Cú, A Pa Chải cho đến Si Ma Cai, Bát Xát, Bờ Y… nhưng cứ mỗi lần bước qua cái lằn ranh giới thiêng liêng của Tổ quốc, trong tôi vẫn trào dâng nhiều xúc cảm. Châng lâng, chộn rộn, và xen lẫn tự hào.

Bởi với mỗi cột mốc, không chỉ đơn thuần giữ vai trò đánh dấu, xác lập, khẳng định về chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền dân tộc, mà nó còn chứa đựng trong mình biết bao mồ hôi, xương máu của các bậc tiền nhân. Có những cột mốc cha ông ta đã phải đấu tranh, phải hy sinh đến vài thế hệ mới giành được, nhưng cũng có những cột mốc là thành quả của cái bắt tay nồng ấm giữa hai dân tộc anh em. Và trên khắp dọc dài biên giới đất liền Việt Nam, khéo có đến hàng ngàn hàng vạn những dấu mốc chủ quyền thiêng liêng như thế.

Quyết tâm bảo vệ và gìn giữ những thành quả của cha ông để lại trong quá trình khai phóng biên cương đầy nhọc nhằn một thủa, lớp lớp thanh niên Việt Nam ngày nay đã và đang ngày đêm dốc lòng dốc sức, như lời của Trung tá Hồ Hồng Sơn (khi đó là Phó đồn trưởng quân sự Đồn Biên phòng 519, Quế Phong, Nghệ An): “Chúng tôi, những người lính biên phòng, quyết tâm bảo vệ cột mốc biên giới giống như bảo vệ con ngươi của mắt mình!”. Chính nhờ quyết tâm ấy của các anh, mà giờ đây chúng ta mới có một miền biên viễn an yên, thanh bình đến thế.

Tận thấy kỳ quan dựng giữa đất trời

Đi thêm vài km, tính từ cửa khẩu Thông Thụ, chúng tôi bắt gặp con sông Chu, đoạn chuẩn bị chảy về Việt Nam. Khác hẳn với mường tượng của tôi về một dòng sông to lớn, hùng vĩ hiên ngang chảy giữa những cánh rừng già. Sông Chu trên đoạn chảy qua địa phận huyện Sầm Tớ chỉ rộng chừng hai chục mét. Án ngữ hai bên bờ sông là những thành vách đá, cao vòi vọi. Lòng sông như bị dồn siết lại, đến nghẹt thở. Gió ngùn ngụt, sương mù luyễnh loãng. Sông chảy như là đang sống gấp gáp lắm, cuồng liệt lắm. Nước húc vào đá réo ầm ầm, bọt tung trắng xóa. Sông chả khác gì một kỳ quan dựng giữa đất trời.

Trên suốt hành trình chảy, giống như người lữ khách, thỉnh thoảng sông Chu cuộn mình nằm nghỉ tạo nên những hồ nước chứa đầy rong rêu, phù sa và tôm cá. Nghỉ để lấy đà, tiếp sức trước khi nhoài mình qua 160km ghềnh thác trên địa phận Việt Nam qua các huyện Quế Phong (Nghệ An), Thường Xuân, Thọ Xuân (Thanh Hóa) để rồi hợp hôn với dòng sông Mã ở Ngã Ba Giành.

Ở những quãng nghỉ ấy, sông Chu gây ấn tượng mạnh cho tôi hơn cả, là ở cái sự vạm vỡ của con nước, sự hoang biệt của rừng và vẻ đẹp của các bộ tộc Lào. Thấp thoáng sau bạt ngàn lau sậy, phải tinh mắt lắm mới nhìn thấy những ngôi nhà sàn nhỏ xinh, nom như những cái chuồng chim mà gã sơn chàng nào vừa gác. Cư dân sinh sống ở đây chủ yếu là người Lào Lùm, Lào Sủng và một phần người Mông ở Việt Nam di cư sang làm ăn rồi bén duyên nên vợ, thành chồng với người bản địa.

Cuộc sống của họ chủ yếu dựa vào những nương nếp, nương ngô và nguồn thủy sản từ sông Chu mang lại. Ở đây hầu như không có chuyện người dân phá rừng, đốt rẫy làm nương một cách tự nhiên, bừa bãi. Nhờ vậy, những cánh rừng của Lào nơi thượng nguồn con sông Chu phần lớn vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, khi chưa bị tác động lớn từ bàn tay con người.

Dày đặc trong cánh rừng Houaylin ngút ngàn là trò chỉ, săng lẻ, sến, táu… toàn những cây hai, ba người ôm không xuể. Ngay cạnh con đường mòn đất đỏ từ biên giới vào thị trấn Sầm Tớ, có cơ man những cây cổ thụ, thân rêu mốc, xù xì soi bóng xuống dòng sông Chu bé như sợi chỉ.

Một lần “chết hụt” ở Houaylin

Anh Gió trên con đường xuyên qua cánh rừng Houaylin

Theo lời kể của Thiếu tá Vixay Vilaynon, Đồn trưởng Đồn biên phòng 32 (bản Nậm Tảy, xã Viêng Phăn, Sầm Tớ, Hủa Phăn, Lào), thì người dân của các bộ tộc Lào ở đây có lòng kính ngưỡng rất lớn đối với rừng, tinh thần bảo vệ rừng như một ý thức hệ được truyền đời này qua đời khác. Mỗi người dân đều xem rừng là đức mẹ tối cao, đem nguồn sống, cơm ăn, áo mặc, chở che cho họ qua những cơn lũ dữ. Bất cứ ai phá rừng đều bị cộng đồng tẩy chay, gia đình nào muốn vào rừng chặt cây gỗ to dựng nhà cho con trai lớn lấy vợ, hay chỉ vài cây gỗ nhỏ để cắm ngoài bờ rào cho con gà khỏi chạy lên núi quên đường về, đều phải xin ý kiến già làng, trưởng bản.

Càng gần lên đến thượng nguồn, sông Chu càng kỳ vĩ. Gió bờ sông miền thượng du khoáng đạt, lau lách tràn bờ. Những cây lau to như gậy tầm vông, vàng óng, nghiêng ngả vặn mình ục oạc bởi gió rừng. Và, cũng chính cái trận địa bời bời lau lách ấy sau này đã cứu sống tôi, trong đường tơ kẽ tóc.

Trở về từ cõi chết

Sau khi vượt qua cây cầu KhămPat ẩn hiện trong sương như cổ tích, chúng tôi tiến sâu vào đất Lào. Dù đã được Thiếu tá Vixay Vilaynon cảnh báo trước nhưng tôi cũng không thể mường tượng ra con đường nối Sầm Nưa - Sầm Tớ - cửa khẩu Thông Thụ (Quế Phong, Nghệ An), lại khủng khiếp đến như vậy. Đoạn sâu hun hút, đoạn lại là nối dài liên tiếp những con dốc cao rợn ngợp, nhìn ngoái lên như thể đường được rót xuống từ lưng chừng trời mây trắng. Một bên là vách đá dựng trời, một bên là con sông Chu bé như một tia trắng sáng rơi rớt dưới thăm thẳm thung sâu.

Khoảng 4 giờ chiều, trời đột nhiên nổi gió, mây đen kéo về ngùn ngụt. Hai anh em chưa kịp tìm chỗ trú thì trời bắt đầu mưa. Những cơn mưa rừng đến nhanh như chớp. Mưa quất. Gió tạt. Mối rừng bay đen kịt. Con đường vốn dĩ đã khó đi, giờ nhão nhào bùn đất. Dừng xe, anh Gió lấy trong cốp ra một sợi xích xe đạp dài chừng gần 2m rồi quấn dọc theo chiều dài bánh xe. Hai đầu dây xích được khóa chặt bằng hai cái móc ngoắc vào nan hoa. Nhờ cái “bảo bối” đi rừng ấy mà xe không còn trôi trên mặt đường tuồn tuột. Nhưng đến đoạn đường toàn đất đỏ thì bất ngờ cả người lẫn xe trôi vèo ra mép vực. Tôi bị văng xuống và lăn... như hòn đá.

Tối tăm mặt mũi, đau, tức, ù tai, tôi chỉ kịp co hai tay ôm lấy đầu rồi... phó mặc cho số phận. Cho đến khi đâm sầm vào một bụi lau, nằm im một lúc tôi mới biết mình còn sống. Thăm thẳm phía dưới, nước sông Chu vẫn ùng ục chảy. Đâu đó xa lắm, tít trên cao, tiếng anh Gió ời ời: “Thành ơi, ở đâu thế, còn sống không?”. Tiếng gọi ấy lạ lắm, vừa lo lắng, hoảng sợ, vừa da diết đến thắt ruột thắt gan. Tôi òa khóc. Mà cũng không hề biết mình khóc cái gì. Vì sợ, vì tủi thân, vì cảm động hay vì tất cả những thứ đó cộng lại. Mãi lâu sau, khi anh Gió tụt xuống lôi ra khỏi bụi lau, nước mắt tôi vẫn chưa thôi chảy.

Đến giờ, mỗi khi gặp lại, tôi vẫn thường tếu táo với anh Gió rằng, sau này dù có cận kề cái chết, mà không phải vì bệnh tật hay tuổi tác, nếu nghe thấy tiếng gọi ấy thì chắc tôi cũng không đành lòng mà đi cho được. Anh Gió cười bảo: “Hôm đó, mười phần anh đã nghĩ mày chết chín. Chứ sông thiêng nước ác thế kia, sống được âu cũng là nhờ cái số “trời chưa gọi””.   

Cũng chính nhờ cái may mắn “trời chưa gọi” ấy mà sau vài ngày nằm nhờ nhà một người quen của anh Gió để “dưỡng thương”, cuối cùng tôi cũng đặt được chân lên Cao nguyên Houa - nơi khởi nguồn của con sông Chu huyền thoại. Ở đó, giữa giăng giăng biển đá dựng trời xám ngoét, sông Chu cần mẫn gom nước từ các chi lưu để bắt đầu hành trình chảy của mình. Sau khi xuyên qua các cánh rừng Sầm Nưa, Sầm Tớ, sông đổ về Việt Nam qua Thông Thụ và rồi vỡ òa, thắp bừng lên thủy điện Cửa Đạt, Hủa Na.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một lần “chết hụt” ở Houaylin