Tin địa phương

Mỗi năm chịu ảnh hưởng 1- 2 cơn bão, Bình Định đang có 90 điểm nguy cơ sạt lở

Đức Hồ 19/09/2024 - 20:11

Ngày 19/9, UBND tỉnh Bình Định cho biết, ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ban Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định, đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, tỉnh Bình Định thường xuyên chịu ảnh hưởng 1-2 cơn bão và ngập lụt mỗi năm.

Do biến đổi khí hậu, các cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ và mức độ tàn phá. Minh chứng rõ nhất là 2 cơn bão gần đây gồm bão Yagi (bão số 3) đổ bộ vào Việt Nam và bão Bebinca với sức gió trên cấp 15 gây hậu quả nặng nề.

Tuần trước, 3 tổ kiểm tra phòng chống thiên tai của tỉnh đã kiểm tra thực tế tại các địa phương.

Qua kiểm tra, các địa phương đã cơ bản chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chủ động ứng phó với thiên tai năm 2024 như: Phê duyệt phương án ứng phó với thiên tai năm 2024; thành lập các đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã; đã chuẩn bị các cơ sở kiên cố để di dời dân; chuẩn bị vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Ngoài ra, các địa phương đã xây dựng phương án sơ tán dân tại chỗ; lập danh sách các điểm kiên cố để di dời dân đến trú khi có thiên tai xảy ra, chủ yếu là trường học, trụ sở thôn, nhà văn hoá, nhà sinh hoạt cộng đồng, cơ sở tôn giáo.

Toàn tỉnh Bình Định có 159 hội trường cấp xã, 159 trạm y tế cấp xã, 848 nhà văn hóa, sinh hoạt cộng đồng cấp xã, thôn; 573 trường học các cấp và 12 nhà trú, tránh bão, mưa lũ, sẵn sàng để di dời dân đến khi có thiên tai.

UBND các xã, thị trấn đã kiện toàn, củng cố đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã từ 60 - 85 người/đội, tổng số thành viên đội xung kích toàn tỉnh có 15.403 người. Các đô thị thực hiện chặt tỉa cành cây xanh, nạo vét hệ thống thoát nước chống ngập, kiểm tra độ an toàn các biển báo, đèn trang trí.

“Toàn tỉnh Bình Định hiện có 90 điểm nguy cơ sạt lở. Tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao hiện có người dân sinh sống, các địa phương đã xây dựng phương án để di dời dân khi có tình huống khẩn cấp nhưng vẫn còn một số người dân còn tâm lý chủ quan. Một số đường công vụ thi công các công trình giao thông, đường khai thác cát trên các sông…. chưa tháo dỡ, cản trở dòng chảy, khu vực rừng trồng sau khai thác không còn cây xanh”, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho hay.

Theo Đại tá Võ Đức Nguyện - Giám đốc Công an tỉnh Bình Định, trong chống bão, Công an, quân đội là lực lượng nòng cốt, trong đó riêng Công an có lực lượng tập trung luôn sẵn sàng khi địa phương yêu cầu.

58627885-eaa7-46d8-b839-64b55d82ae0c.jpeg
Theo Sở NN&PTNT, tỉnh Bình Định thường xuyên chịu ảnh hưởng 1-2 cơn bão và ngập lụt mỗi năm.

Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự với gần 4.000 người ở các địa phương cũng rất quan trọng.

"Công tác phòng, chống bão lũ không thể nói như lý thuyết mà cần phải có phương án cụ thể, dựa trên nguồn nhân lực, phương tiện, tình hình thực tế, đặc biệt người chỉ huy rất quan trọng", Đại tá Võ Đức Nguyện nhấn mạnh và dẫn ví dụ về một trưởng thôn ở Lào Cai, thực sự là một người chỉ huy rất quyết đoán, có kinh nghiệm đã kịp thời di tản cứu được 115 người tránh khỏi sạt lở.

Đại tá Nguyện cho rằng, người chỉ huy phải là người có chuyên môn, kinh nghiệm. Bởi thực tế cho thấy, có vụ việc rất nhiều người chỉ huy nhưng không biết xử lý thế nào, lúng túng để kéo dài qua giai đoạn quan trọng sẽ rất nguy hiểm.

Đại tá Nguyễn Văn Dư - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Định, cho hay, từ năm 2020, đơn vị phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã khảo sát, khuyến cáo những khu vực nguy cơ sạt lở nhưng đến nay, các địa phương chậm khắc phục, di dời người dân đến nơi an toàn.

"Tại các địa phương thường xảy ra ngập lụt, tình trạng bèo (lục bình) nhiều nhưng không được dọn dẹp, khơi thông. Do vậy, khi lũ về gây tắc, làm thay đổi dòng chảy dẫn đến ngập cục bộ", đại tá Dư cho hay.

Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương lưu ý mức độ ngày càng khốc liệt của thiên tai bão lụt để rút kinh nghiệm, xây dựng các phương án phòng chống thiên tai phải thật khả thi, nghiêm túc.

Chính quyền, người đứng đầu các cấp không được chủ quan, lơ là và tuyên truyền để người dân chủ động ứng phó, không được chủ quan trong mùa bão lũ.

Về các biện pháp ứng phó với mùa mưa bão đã đến, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, 3 bước quan trọng để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai có thể gây ra đó là chủ động các biện pháp phòng trước thiên tai, chống khi thiên tai xảy ra và khắc phục hậu quả sau thiên tai.

874aa9af-b7aa-4f0e-ad5d-17de413ca280.jpeg
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương lưu ý mức độ ngày càng khốc liệt của thiên tai bão lụt để rút kinh nghiệm, xây dựng các phương án phòng chống thiên tai phải thật khả thi, nghiêm túc.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn giao Sở NN&PTNT chủ động hướng dẫn người dân các biện pháp sản xuất an toàn, thu hoạch mùa vụ, di dời đàn vật nuôi đến nơi cao ráo, an toàn trước thiên tai, đảm bảo an toàn các vùng lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Sở Công Thương kiểm tra các nhà máy sản xuất công nghiệp, nhất là ở những vùng thường bị ngập lụt, khuyến cáo doanh nghiệp có phương án đảm bảo an toàn. Các sở ngành, địa phương tập trung xử lý những điểm có nguy cơ mất an toàn và tổ chức gia cố đảm bảo.

Từ giờ đến ngày 30/9, các cơ quan, đơn vị liên quan tổng kiểm lại tất cả các hệ thống cầu cống, đường xá, các công trình xây dựng để có biện pháp xử lý khắc phục. Kiểm tra nạo vét cống rãnh để tiêu thoát nước, các điểm có nguy cơ sạt lở, tổ chức cắt tỉa cây xanh…

Đối với phương án phòng chống theo phương châm 4 tại chỗ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải làm thực chất ở tất cả các địa phương và tập huấn, diễn tập ứng phó theo số liệu, dữ liệu đã có trong phần mềm ứng phó với thiên tai của tỉnh. Việc chuẩn bị 4 tại chỗ phải linh hoạt, gắn với tình hình thực tế tại địa phương.

Khi thiên tai xảy ra, các ngành, địa phương kích hoạt các phương án, kịch bản đã có và thông báo đến các lực lượng, các đơn vị thi công trên địa bàn, các thiết bị sẵn sàng để chủ động phòng chống lụt bão.

Ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh vai trò nòng cốt của lực lượng quân đội, công an trong phòng chống thiên tai và yêu cầu các lực lượng này chủ động đảm bảo nhân lực, phương tiện, kết nối với các địa phương để sẵn sàng tham gia hỗ trợ, cứu nạn, cứu hộ kịp thời.

Đồng thời, các cơ quan, đơn vị liên quan đảm bảo thông tin liên lạc, chỉ đạo phòng chống thiên tai thông suốt kịp thời. Ngay sau khi thiên tai đi qua, các sở, ngành địa phương chủ động triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỗi năm chịu ảnh hưởng 1- 2 cơn bão, Bình Định đang có 90 điểm nguy cơ sạt lở